“Kê đơn” trị bệnh chênh lệch giá thuốc

Đây là thông tin được TS Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết về đề xuất quản lý giá thuốc theo Luật Giá và Luật Đấu thầu được quy định trong dự thảo Luật Dược sửa đổi vừa được kỳ họp thứ 10 Quốc hội cho ý kiến.

Đây là thông tin được TS Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết về đề xuất quản lý giá thuốc theo Luật Giá và Luật Đấu thầu được quy định trong dự thảo Luật Dược sửa đổi vừa được kỳ họp thứ 10 Quốc hội cho ý kiến.

TS Trương Quốc Cường cho biết, theo Luật Dược hiện hành được thực thi từ năm 2005 tới nay, công tác quản lý giá thuốc dựa trên việc tham khảo giá thuốc tại các nước có điều kiện y tế, thương mại tương tự Việt Nam và xây dựng giá thuốc tối đa. Tuy nhiên qua 10 năm thực hiện những quy định nêu trên cho thấy không khả thi vì không thể xác định được điều kiện y tế, thương mại của các nước tương tự nước ta và có những thuốc mà Việt Nam nhập khẩu nhưng ở các nước tương tự điều kiện y tế, thương mại lại không sử dụng nên không thể đối chiếu được. Vì thế để khắc phục bất cập trên, dự thảo Luật Dược 2005 sửa đổi quy định việc quản lý giá thuốc thống nhất với Luật Giá và Luật Đấu thầu. Trong đó, Luật Đấu thầu dành hẳn một chương về đấu thầu thuốc và quy định thêm hình thức đấu thầu thuốc tập trung quốc gia sẽ góp phần quan trọng khắc phục tình trạng cùng một loại thuốc nhưng giá lại chênh lệch quá lớn tại nhiều nơi như hiện nay.

Hơn nữa, Chính phủ đã ban hành Nghị định về đấu thầu thuốc và giao cho Bộ Y tế trong thời gian tới thành lập Trung tâm Đấu thầu thuốc quốc gia, xây dựng thông tư hướng dẫn đấu thầu thuốc, trong đó ban hành danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, danh mục đấu thầu thuốc cấp tỉnh và danh mục thuốc sản xuất trong nước được tham gia đấu thầu tập trung quốc gia. Đồng thời cũng ban hành danh mục thuốc đàm phán giá, nhất là đối với các loại thuốc Generic, thuốc biệt dược và thuốc hiếm. Trước sự thay đổi tới đây về công tác quản lý giá thuốc, TS Trương Quốc Cường cho biết thêm, giá thuốc được quản lý theo Luật Giá và Luật Đấu thầu sẽ giúp việc quản lý giá thuốc bình ổn được giá. Việc thực hiện đấu thầu thuốc tập trung sẽ tránh được tình trạng chênh lệch giá quá lớn giữa các địa phương. Hiện nay, mỗi địa phương đấu thầu vào các thời điểm khác nhau, chủ đấu thầu khác nhau, và rất nhiều nhà cung cấp thuốc khác nhau nên dẫn tới giá thuốc sẽ chênh lệch rất lớn, cũng như sự chênh lệch giá của cùng một loại thuốc.

Đáng chú ý, đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, việc sửa đổi Luật Dược hiện hành cũng sẽ bổ sung thêm các chính sách phù hợp với thực tiễn hơn. Trong đó đối với chính sách phát triển công nghiệp dược, thay vì tập trung đầu tư sản xuất nguyên liệu hóa dược là lĩnh vực Việt Nam không có thế mạnh thì chúng ta sẽ chỉ tập trung ưu tiên, nghiên cứu, sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu sẵn có tại Việt Nam để phục vụ công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Theo đánh giá của TS Trương Quốc Cường, các quy định này nhằm tập trung nguồn lực vào những lĩnh vực Việt Nam thực sự có tiềm năng và thế mạnh cạnh tranh, đồng thời bảo đảm phù hợp với năng lực hiện có của các doanh nghiệp sản xuất trong nước và phù hợp với xu hướng chung của khu vực và thế giới. Đồng thời tiến hành đơn giản hóa một số thủ tục về đăng ký thuốc để người dân sẽ được tiếp cận với thuốc mới, thuốc tốt dễ dàng hơn với giá hợp lý hơn, chất lượng tốt hơn và thuốc sử dụng trong khám chữa bệnh sẽ được quản lý chặt chẽ hơn để tránh lạm dụng thuốc, kháng thuốc. Luật Dược sửa đổi cũng được kỳ vọng khắc phục tình trạng Việt Nam nhập khẩu 50% số thuốc trên thị trường và 90% nguyên liệu làm thuốc như hiện nay. Được biết, hiện nay, trong số 181 nhà máy sản xuất tân dược và thuốc từ dược liệu thì đa số chỉ sản xuất các thuốc gốc rẻ tiền. Hơn nữa người dân Việt Nam đang phải bỏ 50% số tiền mua thuốc mỗi năm để mua thuốc nhập ngoại, đắt tiền.

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục