Theo các cuộc thăm dò dư luận, Thủ tướng Đức Angela Merkel đang có nhiều ưu thế để tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư. Trong nhiệm kỳ thứ ba, vấn đề nổi cộm nhất vẫn là việc Đức xử lý khá thành công cuộc khủng hoảng người nhập cư ồ ạt vào châu Âu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà không hối tiếc vì quyết định mở cửa biên giới đất nước cho hàng trăm ngàn người tị nạn vào năm 2015. Trong một bài phỏng vấn với tờ Welt am Sonntag ngày 27-8, bà Merkel đã bác bỏ việc bà đã phạm sai lầm với chính sách mở cửa, dù việc một triệu người tị nạn từ Syria và Iraq tới Đức trong vòng 2 năm qua đã gây ra những rạn nứt trong Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) cầm quyền.
Bà Merkel khẳng định: “Tôi sẽ đi tới các quyết định quan trọng giống như năm 2015. Đó là tình huống hết sức khó khăn và tôi đã quyết định dựa trên điều tôi nghĩ là đúng đắn xét về quan điểm chính trị và nhân đạo. Những tình huống như thế chỉ xảy ra một lần trong suốt chiều dài lịch sử của một đất nước. Người đứng đầu chính phủ phải hành động và tôi đã làm vậy”.
Ngoài ra, nữ Thủ tướng Đức cho rằng, thật bất công khi để cho Hy Lạp và Italia phải chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng người tị nạn “chỉ vì vị trí địa lý của họ”. Bà Merkel cũng tuyên bố sẽ không ngừng thúc đẩy việc phân bổ công bằng dòng người tị nạn trong Liên minh châu Âu (EU), đồng thời cho rằng việc một số nước từ chối nhận người tị nạn là “đi ngược lại với tinh thần châu Âu”.
Trong thời điểm chỉ còn 4 tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử vào ngày 24-9, một cuộc thăm dò ý kiến ngày 27-8 cho biết đảng CDU sẽ giành 38% số phiếu, dẫn trước 15 điểm so với đảng Dân chủ Xã hội (SPD).
Nước Đức chưa muốn thay đổi
Trong bài xã luận ngày 28-8, tờ nhật báo Die Welt của Đức cho rằng, mặc dù bà Merkel đã lãnh đạo nước Đức 12 năm nhưng nước Đức chưa cần thay đổi lãnh đạo. Tờ báo viết: “Mọi việc ngày càng trở nên quá tốt với người Đức nên không thể nảy sinh sự thất vọng với Chính phủ (Đức)”.
Tờ báo này cho rằng ngày tổng tuyển cử 24-9 là ngày “tốt lành”. Được xem là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới nhưng Thủ tướng Merkel (63 tuổi) vẫn vận động tranh cử một cách rất tự tin, đồng thời gửi đi thông điệp về sự ổn định của nước Đức trong bối cảnh thế giới đầy bất an với việc Anh rời EU và Tổng thống Donald Trump cầm quyền ở Mỹ.
So với chiến dịch vận động có phần lặng lẽ của Thủ tướng Merkel, chủ tịch đảng Xã hội Dân chủ (SPD) Martin Schulz tỏ ra đình đám hơn với hàng loạt các chuyến đi trên khắp các bang hứa hẹn vì một đất nước công bằng hơn. Tuy nhiên, theo các nhà bình luận, những lời cam kết của ông về thu nhập công bằng hơn, đầu tư nhiều hơn cho giáo dục và cơ sở hạ tầng không mang lại hiệu quả cao do nền kinh tế Đức đang tăng trưởng mạnh và tỷ lệ người có việc làm cao kỷ lục.
Theo báo South China Morning Post, sau giai đoạn tăng mạnh hồi đầu năm nay, tỷ lệ ủng hộ ông Schulz, cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu đã giảm. Mặc dù vậy, vẫn chưa có gì chắc chắn với bà Merkel vì có tới 46% số người được thăm dò cho biết họ vẫn chưa quyết định bầu chọn ai.
Ông Schulz đã cáo buộc Thủ tướng Angela Merkel lạm dụng các phương tiện phục vụ công việc của chính phủ vào quá trình vận động tranh cử của đảng CDU, chẳng hạn như các trực thăng của cảnh sát và quân đội. Ngoài ra, ông Schulz còn cáo buộc bà Merkel không gần dân, quá mềm mỏng với Thổ Nhĩ Kỳ và làm tăng ô nhiễm khí thải do diesel, đẩy mức ô nhiễm tại nhiều thành phố vượt giới hạn cho phép.