Thủ tục đầu tư dự án có sử dụng đất: Có giảm được 40% thời gian thực hiện?

Nhiều thủ tục được đề xuất bỏ
Thủ tục đầu tư dự án có sử dụng đất: Có giảm được 40% thời gian thực hiện?

Tại TPHCM, đang có nhiều băn khoăn trong việc triển khai một trong những nội dung quan trọng nhất của Nghị quyết 43 ngày 6-6-2014 của Chính phủ (về cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh). Trong đó, mục tiêu cắt giảm ít nhất 40% thời gian hoàn tất thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư có sử dụng đất - liệu có thực hiện được?

TPHCM đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính để đơn giản hóa việc cấp phép xây dựng và các thủ tục đầu tư dự án có sử dụng đất.

Nhiều thủ tục được đề xuất bỏ

Một trong những cơ quan triển khai thực hiện sớm Nghị quyết 43/2014 là Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM. Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, đơn vị này vừa có văn bản gửi UBND TPHCM đề xuất bỏ bớt yêu cầu phải xin giấy phép quy hoạch cho một số trường hợp thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. Cách thức đề xuất của đơn vị này khá rõ ràng và tiến bộ, đó là quy định các trường hợp phải làm thủ tục giấy phép quy hoạch. Những trường hợp còn lại, không phải làm thủ tục này. Cụ thể, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất “những trường hợp không nằm trong các quy định sau: Dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung tại khu vực trong đô thị chưa có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 và chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; Dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung tại khu vực trong đô thị có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 hoặc quy hoạch chi tiết 1/2000 nhưng chưa đủ chi tiết để lập quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc bản vẽ tổng mặt bằng; Dự án đầu tư xây dựng công trình riêng lẻ tại khu vực trong đô thị chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc thiết kế đô thị trừ nhà ở riêng lẻ; Dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung hoặc riêng lẻ trong khu vực đã có quy hoạch 1/500 được duyệt nhưng cần điều chỉnh ranh giới hoặc một số chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị đối với một lô đất” -  không phải làm thủ tục cấp giấy phép quy hoạch. Ngoài ra, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM cũng đề xuất một số trường hợp có thể trực tiếp thực hiện thủ tục đầu tư theo các quy trình về đầu tư được quy định tại Nghị quyết 43/2014.

Sở Xây dựng TPHCM cũng có nhiều động thái tích cực. Ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết, với sự tham mưu của Sở Xây dựng, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 27 quy định chi tiết một số nội dung về cấp phép xây dựng (CPXD), có hiệu lực trong tháng 8-2014. Theo đó, quy định mới về CPXD đã đơn giản hóa một số các thủ tục nhằm tháo gỡ nhiều vướng mắc trong việc xin CPXD lâu nay mà người dân đang gặp phải. Đối với dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500m² đã có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì không cần phải xin CPXD.

Ngoài ra, quy định mới về CPXD cũng không quy định thủ tục bản vẽ kết cấu công trình trong thành phần hồ sơ đề nghị CPXD mà sau khi được CPXD, chủ đầu tư mới phải tổ chức lập bản vẽ này để trình cơ quan chức năng thẩm tra theo đúng quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Sở dĩ sở kiến nghị UBND TPHCM bớt thủ tục trên trong thành phần hồ sơ xin CPXD vì khảo sát thực tế về CPXD tại TPHCM cho thấy, khoảng 70% hồ sơ bị yêu cầu điều chỉnh bản vẽ. Khi bản vẽ bị điều chỉnh thì bản vẽ kết cấu nếu nộp kèm theo cũng phải sửa, rất tốn kém và và gây phiền hà cho người dân. Đó là chưa kể khi điều chỉnh bản vẽ thì hồ sơ kết cấu trước đó nộp kèm trong hồ sơ xin CPXD theo cũng phải điều chỉnh hoặc thực hiện lại trong khi chi phí cho bản vẽ này không nhỏ. Vì thế, quy định chỉ sau khi được CPXD, chủ đầu tư mới tiến hành thực hiện bản vẽ kết cấu dựa trên bản vẽ kiến trúc đã được duyệt, thì chi phí và thời gian cấp CPXD giảm rất nhiều. Những dự án nhà cao tầng, chủ đầu tư tiết kiệm được chi phí 0,5% tổng vốn đầu tư  trong việc thực hiện bản vẽ kết cấu công trình và những văn bản thẩm tra để hoàn tất hồ sơ xin CPXD, tiết kiệm được từ 6 - 18 tháng cho thời gian chuẩn bị hồ sơ. Còn đối với nhà ở riêng lẻ, sẽ rút ngắn  thời gian chuẩn bị hồ sơ khoảng 40 ngày và chi phí trung bình giảm khoảng 35.000 - 40.000 đồng/m² sàn xây dựng.

Doanh nghiệp vẫn e ngại…

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho biết, tính từ năm 2008 đến nay, thủ tục đầu tư liên quan đến lĩnh vực này “chỉ có tăng mà không có giảm”. Ông Nguyễn Văn Đực chứng minh, từ khi thực hiện Nghị định 71/2010 thay thế cho Nghị định 90/2006, có thêm một thủ tục phải thực hiện, đó là sau khi được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đầu tư, Sở Xây dựng có ý kiến về thiết kế cơ sở, chủ đầu tư phải xin giấy phép xây dựng trước khi khởi công dự án. Thời gian để thực hiện thêm thủ tục này mất thêm khoảng 1 năm. Hai năm sau, Nghị định 64/2012 lại quy định thêm, dự án được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì mới được cấp giấy phép xây dựng. Công tác giải phóng mặt bằng - cơ sở quan trọng để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thường rất nhiêu khê, mất thời gian nên thêm quy định này, thủ tục đầu tư của các dự án phải kéo dài thêm 2 - 3 năm. Chưa hết, Nghị định 15/2013 về quản lý chất lượng công trình được ban hành lại làm cho thủ tục thực hiện dự án kéo dài thêm 3 - 5 tháng. Về nguyên tắc, thủ tục này phải được hoàn thành trong thời gian từ 30 - 40 ngày. Thế nhưng, ít khi các cơ quan chức năng làm kịp thời gian này… Theo ông Nguyễn Văn Đực, giai đoạn trước Nghị định 90/2006, thời gian thực hiện thủ tục đầu tư chỉ khoảng một năm. Từ năm 2006 đến năm 2010 thời gian này đã kéo thành 2 - 3 năm và từ 2010 đến nay thời gian thực hiện thủ tục đầu tư đã lên tới 3 - 7 năm.

Nói về Nghị quyết 43/2014, ông Nguyễn Văn Đực cho biết, nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội Bất động sản TPHCM rất kỳ vọng vào những nỗ lực cắt giảm bớt thủ tục của các sở ngành chức năng,  nhưng trước thực trạng nêu trên, đặc biệt khi còn rất nhiều quy định liên quan đến thủ tục đầu tư các dự án có sử dụng đất có tính pháp lý cao hơn cả Nghị quyết 43/2014, nhiều doanh nghiệp không khỏi nghi ngại… Ông Nguyễn Văn Đực nêu ví dụ, Luật Xây dựng đang được triển khai thực hiện, cơ bản vẫn giữ nguyên các quy định về thủ tục đầu tư hiện hành (?). Về nguyên tắc luật phải có giá trị pháp lý cao hơn Nghị quyết, vậy cơ sở nào để cắt giảm 40% thời gian thực hiện thủ tục đầu tư như Nghị quyết 43/2014 đề cập?

NGUYỄN KHOA - HẠNH NHUNG

Tin cùng chuyên mục