Quảng Ninh: Thiệt hại do mưa lũ ước hơn 1.000 tỷ đồng

Bắc bộ sẽ có đợt mưa lũ mới
Quảng Ninh: Thiệt hại do mưa lũ ước hơn 1.000 tỷ đồng

* Bắc bộ sẽ có đợt mưa lũ mới

(SGGPO).-  Sáng 29-7, ông Hồ Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long cho biết,  tối 28-7, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể cuối cùng trong danh sách 9 người bị vùi lấp vì sạt lở đất tại tổ 44, khu 4, phường Cao Thắng – TP Hạ Long.

Nạn nhân cuối cùng được xác định là cháu Cao Xuân Việt, SN 2001 và là con của anh Cao Tiến Vỹ. Anh Vỹ bị chấn thương sọ não đã được chuyển đi cấp cứu nhưng cháu Việt cùng những người khác đã bị thiệt mạng. Các nạn nhân bị thiệt mạng còn lại gồm: vợ chồng anh trai anh Vỹ là Cao Bá Tiến (1972) và Dương Thị Thắm (1976); vợ anh Vỹ - chị Đỗ Thu Hiên (1979) và các cháu nhỏ con của 2 gia đình là Cao Bá Ngọc (1997), Cao Thu Trang (2006) và Cao Thu Hoài (2005) cùng mẹ anh Vỹ là bà Nguyễn Thị Thược (SN 1940).

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm những nạn nhân mất tích. Ảnh: LÃ ANH

Dồn sức chống mưa lũ

Đến sáng 29-7, trên địa bàn TP Hạ Long và nhiều địa phương khác của Quảng Ninhg vẫn còn ngập trong nước lũ. Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, nhiều đơn vị khai thác mỏ trên địa bàn Hạ Long và Cẩm Phả phải tạm dừng hoạt động do hầm lò bị ngập như mỏ Quang Hanh, Mông Dương, Hòn Gai. Hiện KTV đang tập trung lực lượng để khắc phục thiệt hại.

Còn theo ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả, hiện ở đây vẫn đang ngập nặng tại các phường Quang Hanh, Mông Dương và Cửa Ông. UBND TP Cẩm Phả đã tổ chức di dời hơn 1.000 người đến nơi an toàn nhưng nỗi lo lớn nhất hiện nay là đường ống cấp nước sạch D800 của Nhà máy nước Diễn Vọng cung cấp nước sạch cho cả TP Hạ Long và TP Cẩm Phả bị vỡ, sẽ làm mất nước kéo dài ít nhất 1-2 tuần, trong khi hàng ngàn hộ dân còn chưa thoát khỏi nước ngập, nguy cơ dịch bệnh bùng phát.

Công ty cổ phần nước sạch tỉnh Quảng Ninh cho biết đang khẩn trương tập trung nhân lực, vật lực để khắc phục sự cố nhưng gặp khó khăn do đường ống bị ngập sâu trong lũ nên rất khó sửa chữa.

Ngoài Hạ Long và Cẩm Phả, tại các huyện đảo như Cô Tô, Vân Đồn cũng bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ lịch sử. Tại khu vực Bản Sen, Vân Đồn hàng ngàn người bị cô lập trong nước lũ, lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Khoảng 100ha mạ mới cấy bị ngập, 880 lồng bè thủy sản bị lũ cuốn. Tổng thiệt hại trên địa bàn huyện Vân Đồn vào khoảng 123 tỷ đồng. Tại huyện Cô Tô có 40 hộ dân bị ngập lụt, hai tuyến kè biển bị vỡ. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh cho biết tổng thiệt hại đến thời điểm ngày 29-7 trên địa bàn ước hơn 1.000 tỷ đồng.

Trước tình hình mưa lũ còn kéo dài, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra công điện khẩn yêu cầu các cơ quan chức năng dồn mọi hoạt động vào khắc phục thiệt hại và bảo vệ an toàn cho người dân, vận chuyển lương thực, thuốc men vào các khu vực bị cô lập, còn khó khăn.  

Trong khi đó, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng có công điện khẩn mới nhất yêu cầu các tỉnh ở Bắc bộ chuẩn bị ứng phó với đợt mưa lũ mới xảy ra từ ngày 29-7 đến 2-8. Yêu cầu tỉnh Quảng Ninh và các địa phương chủ động tiêu thoát nước tại các đô thị để phòng úng ngập trong đợt mưa lớn kéo dài; sẵn sàng lực lượng và phương tiện cứu hộ cứu nạn, đặc biệt là sẵn sàng di dời dân tới nơi an toàn.

Trận mưa lũ lịch sử gây thiệt hại nặng cho tỉnh Quảng Ninh. Ảnh:  Lã Anh

Cứu được nhiều ngư dân nhưng nhiều người còn mất tích

Hồi 16 giờ ngày 27-7 tại vị trí 20,29 độ vĩ Bắc và 107,16 độ kinh Đông (cách Đông Nam đảo Long Châu - Hải Phòng khoảng 9 hải lý) tàu cá TH 90446 của Thanh Hóa bị sóng lớn đánh chìm, 7 người được tàu TH 90210 TS cứu an toàn, còn 1 người bị mất tích. Biên phòng Hải Phòng, Thanh Hóa đã phát thông tin, huy động các tàu hoạt động gần đó tìm kiếm nhưng hiện vẫn chưa có kết quả.
Đến 4 giờ ngày 28-7, tại khu vực biển Hải Hậu, Giao Thủy thuộc tỉnh Nam Định, 1 bè mảng (có người) bị sóng to đánh lật, lực lượng Biên phòng Nam Định đã kịp thời cứu được 2 người an toàn.

Ngày 29-7, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, có 1 tàu cá TH 91287 gồm 7 lao động do ông Đặng Văn Toanh ở Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa làm thuyền trưởng, hành trình từ đảo Bạch Long Vỹ - Hải Phòng về cảng Vân Đồn, Quảng Ninh đã bị sóng to, gió lớn đánh chìm. Một nạn nhân là anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1992) ở Ngư Lộc, Hậu Lộc - Thanh Hóa trôi vào khu vực biển trước đồn Cô Tô, 6 thuyền viên còn lại bị mất tích. Hiện lực lượng biên phòng và chính quyền địa phương vẫn đang tổ chức tìm kiếm.

Số liệu báo cáo tổng hợp từ Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai sáng nay 29-7 cũng cho biết thêm, mưa lũ đã làm ngập 2.967 ngôi nhà trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, quốc lộ 18A có 3 điểm ngập cục bộ.

Trên địa bàn tỉnh Điện Biên cũng có mưa vừa, mưa to đã gây thiệt hại tại huyện Nậm Pồ, Tuần Giáo và Thị xã Mường Lay làm 40 nhà bị ảnh hưởng sạt lở đất, 26ha lúa và hoa màu bị ngập úng vùi lấp, 4 cầu tạm và 13m ngầm tràn bị trôi, 2.518m kênh mương bị sạt lở, 30km kênh bị sập gẫy cùng 63.500m³ đất đá sạt lở.

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, tổng số nạn nhân bị chết và mất tích do trận mưa lũ ít nhất là 30 người (23 người tại tỉnh Quảng Ninh và 7 người là ngư dân mất tích trên địa bàn vùng biển Quảng Ninh nhưng quê ở tỉnh Thanh Hóa).

 

PHÚC HẬU

- Thông tin liên quan:

>> Quảng Ninh vẫn chìm trong biển nước

>> Thủ tướng yêu cầu chủ động di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm

>> Mưa lũ ở Quảng Ninh: Thêm nhiều người chết và mất tích

Tin cùng chuyên mục