Cá ngừ đại dương chưa “vượt đại dương”

Cá ngừ đại dương chưa “vượt đại dương”

Có nhiều thế mạnh nhưng hiện nay cá ngừ đại dương xuất khẩu của Việt Nam đang bộc lộ nhiều hạn chế so với các nước trong khu vực. Thay đổi cung cách đánh bắt, bảo quản cá ngừ để tăng giá trị đang là yêu cầu bức thiết hơn bao giờ hết.

Tiềm năng lớn, hiệu quả thấp

Theo Viện Nghiên cứu Hải sản Việt Nam, vùng biển Việt Nam ghi nhận được 9 loài cá ngừ sinh trưởng, trong đó nhiều loại cá ngừ có giá trị cao như cá ngừ mắt to, cá ngừ vây vàng, cá ngừ vằn… Ngư trường phân bổ chủ yếu ở vùng khơi, vùng lộng thuộc các tỉnh miền Trung và vùng giữa biển Đông Nam bộ. Trữ lượng cá ngừ Việt Nam ước tính khoảng 600 ngàn tấn, khả năng khai thác cho phép khoảng 200.000 tấn/năm. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, với trữ lượng lớn về cá ngừ, Việt Nam có thể phát triển loại hải sản này thành thương hiệu lớn.

Việt Nam có thế mạnh khai thác cá ngừ nhưng hiệu quả chưa cao

Trên thực tế, nghề khai thác cá ngừ tại Việt Nam đã có từ xa xưa, tạo được thương hiệu trên thị trường thế giới. Nhưng hiện nay do cung cách đánh bắt, bảo quản kiểu truyền thống kéo dài khiến chất lượng cá ngừ giảm, kéo theo giá trị giảm nên nghề khai thác cá ngừ đang tụt dốc từng ngày. Ngư dân Mai Thành Phúc, Ngư đội trưởng Ngư đội Trường Sa Lớn, người có gần 30 năm đánh bắt cá ngừ trên biển, cho biết, trước đây ngư dân hành nghề khai thác cá ngừ sống sung túc, nay sản lượng đánh bắt ngày mỗi giảm, chất lượng không tăng nên ngày càng có nhiều ngư dân quay lưng với ngư trường từng gắn bó.

 Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), nghề khai thác cá ngừ của Việt Nam tập trung chủ yếu ở 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa, với 2.826 tàu chuyên khai thác cá ngừ. Sản lượng khai thác cá ngừ vây vàng và mắt to 6 tháng đầu năm 2015 là 9.807 tấn, trong đó Bình Định đạt 4.269 tấn, giảm 3,8% so với cùng kỳ; Phú Yên 3.243 tấn, giảm 7,5%; Khánh Hòa 2.295 tấn, giảm 3,5%. Như vậy, các địa phương vốn có thế mạnh về khai thác cá ngừ đều giảm sản lượng khai thác, kéo theo đó khoảng 70% lượng tàu khai thác cá ngừ đủ chi phí và có đến 30% tàu thua lỗ.

Không cầm cự được với nghề, thời gian qua hàng loạt tàu cá tại các tỉnh Nam Trung bộ phải nằm bờ vì không đủ chi phí xuất bến. Riêng tại Phú Yên, hiện có gần 100 tàu cá đã chuyển sang đánh cá chuồn hoặc vừa đánh cá chuồn vừa câu cá ngừ đại dương. Một khía cạnh khác, hiện nay, nghề cá ngừ Việt Nam đang gặp khó khăn. Do biến đổi khí hậu, lượng cá ngừ giảm 30%, sản lượng khai thác của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm giảm, trong khi đó ở một số nước sản lượng vẫn tăng, dẫn đến giá cá ngừ bị giảm 10% - 30% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tính đến giữa tháng 6-2015 giảm 8,1% so với cùng kỳ 2014.

“Lột xác” công nghệ đánh bắt

Để nâng cao chất lượng khai thác, chế biến cá ngừ, từ cuối năm 2014, Bộ NN-PTNN đã triển khai đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”. Có 3 chuỗi liên kết chính đang được triển khai là chuỗi liên kết hoàn toàn của doanh nghiệp; doanh nghiệp - ngư dân; doanh nghiệp - chủ vựa - ngư dân. Tuy nhiên, mạch liên kết giữa các bên vẫn còn khoảng cách nên hiệu quả chưa cao. Đặc biệt, các giải pháp chưa chứng minh cho ngư dân thấy được hiệu quả của việc thay đổi công nghệ và liên kết nên họ chưa mặn mà tham gia. Tại hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai đề án thí điểm phát triển cá ngừ theo chuỗi được tổ chức tại tỉnh Phú Yên mới đây, lần nữa những yếu kém của nghề khai thác cá ngừ được mổ xẻ.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết, ở Philippines, công nghệ phát triển khai thác, bảo quản, chế biến cá ngừ tốt hơn chúng ta. Nhiều doanh nghiệp Mỹ nhập khẩu cá ngừ Philippines nên đây là vấn đề chúng ta cần “nhìn lại mình” trong việc phát triển nghề. Chỉ có liên kết, hiện đại hóa mới tạo nên giá trị của nghề và có thể tăng sức cạnh tranh.

Cuối tháng 6 vừa qua, tàu cá composite SG-93666 TS của Công ty Tư vấn và đóng tàu Việt Nhật (Công ty Việt Nhật) đã cập cảng Hòn Rớ (TP Nha Trang, Khánh Hòa) mang về 25 con cá ngừ đại dương (khoảng 1,2 tấn) sau 9 ngày xuất bến. Ông Vũ Hoàng Quang, đại diện công ty cho biết: Hơn 1 năm qua, công ty đã liên kết với Tập đoàn Yanmar (Nhật Bản) để áp dụng công nghệ đánh bắt hiện đại từ phía Nhật. Làm việc với đối tác Nhật, tuy phải chịu nhiều ràng buộc về yêu cầu kỹ thuật khắt khe. Nhưng đổi lại, chi phí sản xuất giảm, sản phẩm khai thác nhiều và được phía Nhật thu mua với giá cao, ổn định nên rất yên tâm. “Trong 8 chuyến biển thí điểm vừa qua, mọi hoạt động trên tàu đều được giám sát bằng camera; mỗi con cá câu được đều có mã số, hồ sơ quản lý; chất lượng cá đạt cao nên giá bán ít nhất cũng gấp 1,5 lần so với cách khai thác truyền thống. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những công nghệ, kinh nghiệm đánh bắt với những ngư dân có nhu cầu”, ông Quang chia sẻ.

VĂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục