Nơi đất lành chim đậu

Nơi đất lành chim đậu

Là công trình thủy lợi lớn ở khu vực các tỉnh miền Đông Nam bộ, ngoài chức năng cung cấp nước tưới, hồ Dầu Tiếng (nằm trên địa bàn huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc cải thiện môi trường - môi sinh cho con người, các loài động vật và là điểm du lịch hấp dẫn. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều loài chim quý hiếm tìm đến sinh sống.

Cò “miền Tây” kiếm ăn trên bãi đất bán ngập trong hồ Dầu Tiếng

Phổ biến nhất có loại cò trắng thường thấy ở các tỉnh miền Tây Nam bộ với cổ dài, thân hình to gấp đôi loài cò trắng thường thấy trên những cánh đồng. Theo Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh, trước đây loài cò to lớn này chỉ xuất hiện vào thời điểm gần cuối năm khi có gió lạnh tràn về và người dân địa phương quen gọi chúng là “cò miền Tây”. Nhưng năm nay, dù đang mùa mưa, khí hậu ấm áp, nhưng ở hồ Dầu Tiếng luôn có cả trăm “cò miền Tây” bay về. Ban ngày chúng thường sà xuống những bãi đất trống, sát mé nước để bắt cá, tép và đến cuối buổi chiều lại bay về những cánh rừng tràm quanh bờ hồ để ngủ.

Một loài động vật khác cũng xuất hiện với số lượng từng đàn khá đông là chim cồng cộc, có màu lông đen tuyền, óng ánh và thường chịu khó lội nước để săn bắt cá. Khi ăn no, chim cồng cộc bay lên những đống chà, gốc cây nghỉ ngơi, phơi nắng. Chiều xuống, chúng bay về phía Rừng Cấm (xã Tân Thành, huyện Tân Châu) trú ngụ. Thời gian gần đây, chim cồng cộc còn làm tổ sinh sản trên các cây rừng.

Trên các bãi đất bán ngập trong hồ Dầu Tiếng, từ đầu năm đến nay còn có sự xuất hiện của hai loài chim quý, đó là cò ốc và bồ nông. “Cò ốc có khoảng 200 - 300 con. Lúc mới xuất hiện, chúng nhát lắm, thấy đò từ xa là đã bay lên, còn bây giờ chúng đã quen và dạn hơn nhiều”, một lái đò đưa khách tham quan hồ Dầu Tiếng cho biết.

Nhưng thú vị nhất là sự xuất hiện của một loài chim có thân hình khá lực lưỡng hay đậu trên cọc tre của các vó cá. Mỗi khi có người đến gần, chúng dang đôi cánh rộng bay đi. Những  người đưa đò trên hồ gọi loài chim này là “đại bàng biển” do chúng có thao tác lao nhanh từ ngọn cây cao xuống mặt nước dùng chân quắp cá rồi bay lên cây đứng ăn giống kiểu bắt cá của đại bàng nên gọi chúng là “đại bàng biển” chứ không biết tên dân gian gọi là gì.

Còn trên đảo Nhím - một hòn đảo nổi giữa hồ Dầu Tiếng - có loài chim thường được gọi “chim khách”. Loài chim này có đặc điểm “nhiều chuyện”. Mỗi khi thấy người lạ xuất hiện, chúng bay lượn lại thật gần để “xem mặt” rồi bay lên cao kêu inh ỏi. Chúng “nhiều chuyện” đến nỗi, ban đêm, kể cả trời mưa hay ráo, thấy có người cầm đèn đi soi cá cũng bay gần tới quan sát rồi vút lên cao kêu loạn xạ. Anh Hạnh - một người dân sống lâu năm trên đảo Nhím kể: “Trong chiến tranh, bộ đội của ta thường lợi dụng đặc tính này của chim khách để theo dõi chiến trường. Khi nghe loài chim này bay lên kêu inh ỏi là cảnh giác, vì có người lạ xuất hiện”.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh, cho biết: Những năm gần đây, điều kiện môi trường trên đảo Nhím nói riêng và hồ Dầu Tiếng nói chung ngày càng tốt hơn nên có nhiều loài chim tìm về sinh sống như: cồng cộc, le le, cò ốc... Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay kèm theo chim về nhiều là nạn săn bắt, mua bán các loại chim đang diễn ra công khai. Vấn nạn khác là tình trạng chặt phá rừng ở đầu nguồn hồ Dầu Tiếng vẫn còn và đe dọa đến tính bền vững của môi trường.

VĂN PHONG - ĐẠI DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục