Ký túc xá… đìu hiu

Quy mô hoành tráng với mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng dự án ký túc xá sinh viên tập trung của tỉnh Lâm Đồng đang lâm cảnh đìu hiu vì địa điểm xây dựng xa trung tâm và nhiều bất cập.
Ký túc xá… đìu hiu

Quy mô hoành tráng với mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng dự án ký túc xá sinh viên tập trung của tỉnh Lâm Đồng đang lâm cảnh đìu hiu vì địa điểm xây dựng xa trung tâm và nhiều bất cập.

Dự án được khởi công cuối năm 2009 tại đường Nguyễn Hoàng (phường 7, TP Đà Lạt) với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó vốn trái phiếu Chính phủ 849 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 232 tỷ đồng. Dự án có quy mô hoành tráng, gồm 17 khối nhà, trong đó có 3 khối nhà 14 tầng. Bên cạnh đó là khối nhà dịch vụ, hành chính quản trị, câu lạc bộ đa năng, trạm y tế, thư viện tổng hợp, khu thể dục thể thao… Dự kiến, khi hoàn thành, ký túc xá sẽ đáp ứng chỗ ở cho 14.000 sinh viên, học sinh.

Hạ tầng ký túc xá còn ngổn ngang

Theo Ban quản lý dự án ký túc xá, đến nay đã có 2 khối nhà thi công xong, mỗi khối gồm 13 tầng và 1 tầng hầm. Đầu năm học 2014 - 2015, một trong hai khối nhà này được đưa vào sử dụng với quy mô 140 phòng, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho 1.000 sinh viên. Giữa tháng 8-2014, đơn vị quản lý ký túc xá có thông báo tiếp nhận sinh viên, học sinh vào thuê ký túc xá, với mức giá chỉ từ 32.000 - 46.000 đồng/người/tháng. Dù vậy, đến nay khu ký túc xá này vẫn trong cảnh đìu hiu, trống vắng.

Ông Hà Văn Hòa, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng, kiêm Trưởng ban Quản lý ký túc xá tỉnh Lâm Đồng, cho biết, có mới chỉ có một sinh viên đăng ký.
 
Theo khảo sát ý kiến, nguyên nhân do vị trí xây dựng quá bất hợp lý. Quãng đường từ ký túc xá này đến Trường Đại học Đà Lạt khoảng 6km; đến nhiều cơ sở đào tạo khác còn xa hơn. Phương tiện giao thông công cộng (xe buýt) từ ký túc xá đến các cơ sở đào tạo chưa có, trong khi không phải sinh viên nào cũng có phương tiện cá nhân để đi lại. Bên cạnh đó, ký túc xá được xây dựng ở khu vực ít dân cư, thiếu dịch vụ ăn uống, giải trí; căn tin của ký túc xá chưa hoạt động.

Ông Hà Văn Hòa thừa nhận: “Vấn đề ở đây là hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là đường giao thông. Hiện tuyến đường Nguyễn Hoàng bị xuống cấp nghiêm trọng, nắng bụi, mưa lầy. Tỉnh đã giao cho các đơn vị liên quan sửa chữa, nâng cấp đường và nghiên cứu mở tuyến xe buýt từ ký túc xá đến các cơ sở đào tạo”.

Liên quan đến việc nâng cấp đường giao thông, ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng, cho biết đơn vị đang lập dự án và dự kiến đến tháng 12-2014 mới khởi công. Còn việc mở các tuyến xe buýt, Sở GTVT và UBND TP Đà Lạt có đề cập với một số doanh nghiệp, nhưng họ vẫn chưa dự định đầu tư vì hiện tại quy mô nhỏ và tính ổn định không cao.

NAM VIÊN

Tin cùng chuyên mục