“Điểm tựa” của ngư dân

Đoàn kết
“Điểm tựa” của ngư dân

Lần đầu tiên, tại Nghệ An, nghiệp đoàn nghề cá được thành lập. Đó là Nghiệp đoàn nghề cá xã Diễn Bích (huyện Diễn Châu). Đây là thông tin vui, ấm áp không chỉ với những ngư dân lênh đênh trên biển mà với cả hậu phương - đất liền.

Ngư dân xã Diễn Bích không còn đơn độc khi nghiệp đoàn nghề cá thành lập.

Ngư dân xã Diễn Bích không còn đơn độc khi nghiệp đoàn nghề cá thành lập.

Đoàn kết

Dù không còn đi biển do tuổi cao, nhưng khi biết nghiệp đoàn nghề cá sẽ được thành lập tại xã mình, lão ngư Hoàng Minh Ngọc (ở xóm Bắc Chiến Thắng) đã vận động con, cháu và người dân tham gia. Ông Ngọc tâm sự: “Tôi đi biển gần 30 năm rồi. Hồi xưa chúng tôi đi rất ít gặp va chạm trên biển nhưng giờ thì khác. Nhiều ngư dân trong xã, tuổi còn rất trẻ nhưng đã phải mang thương tật suốt đời. Họ thiệt thòi lắm. Giờ có nghiệp đoàn rồi ngư dân sẽ yên tâm hơn trong những chuyến đi biển dài ngày”. Anh Nguyễn Văn Đường (37 tuổi, ở xóm Hải Nam) rất vui khi biết tin nghiệp đoàn được thành lập, nhưng anh cũng thoáng buồn vì hoàn cảnh của mình. 10 năm trước, trong khi đi biển, anh đã bị một tàu lạ ném mìn khiến anh bị cụt một tay, một chân. Giá như ngày đó có nghiệp đoàn thì anh đâu đơn độc, thiệt thòi…

Không chỉ anh Đường, nhiều ngư dân cho rằng, lâu nay họ phải tự trang bị và tự bảo vệ mình. Nếu xảy ra chuyện gì cũng tự xử lý chứ chưa có một tổ chức thực sự là “bà đỡ”, là “trọng tài” giúp họ. Anh Trần Văn Sơn (46 tuổi, ở xóm Hải Nam) cho biết: “Mới đây, khi tàu chúng tôi đang đánh bắt cá ở vùng biển Diễn Châu thì gặp một tàu lạ. Tàu đó rất đông người lại là tàu lớn, trong khi tàu tôi có 4 người nên phải tránh ra xa họ. Vùng biển mình mà mình cũng phải sợ. Có nghiệp đoàn rồi, các tàu sẽ đoàn kết với nhau, chúng tôi sẽ không còn sợ nếu gặp tàu lạ nữa”.

Công đoàn của người đi biển

Chiều 21-12-2013, trụ sở UBND xã nhộn nhịp hơn thường lệ, rộ tiếng cười nói của các ngư dân về chuyện nghiệp đoàn. Ông Vũ Đình Tuấn (57 tuổi, ở xóm Bắc Chiến Thắng) hồ hởi: “Mấy chục năm đi biển giờ đây chúng tôi mới có một tổ chức đúng nghĩa để bảo vệ quyền lợi cho mình. Ai cũng mừng và phấn khởi lắm”. Ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Diễn Bích cho hay: “Ngay khi nhận được tin thành lập nghiệp đoàn, người dân mừng lắm. Họ đến xã rất sớm để chuẩn bị cho lễ ra mắt thành lập. Nghiệp đoàn được thành lập không chỉ có ý nghĩa với chính các ngư dân mà quan trọng là sẽ góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo. Chính vì thế chúng tôi đã thông báo cho các ngư dân trước đó rất lâu để họ thu xếp ở nhà. Hôm đó tất cả 155 đoàn viên của nghiệp đoàn đã có mặt đầy đủ”. Ông Hùng cho biết thêm, cả xã có hơn 1.500 người dân làm nghề biển. Thời gian tới, khi nghiệp đoàn hoạt động ổn định thì ngư dân sẽ tham gia nhiều hơn.

Ông Thạch Đình Nghĩa, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Diễn Bích, cho biết: “Mục tiêu, chương trình, nhiệm vụ của nghiệp đoàn trong giai đoạn hiện nay rất nặng nề. Bên cạnh thuận lợi nhưng cũng sẽ có không ít khó khăn, cho nên ngoài sự nỗ lực của 9 thành viên trong Ban chấp hành nghiệp đoàn, chúng tôi mong sẽ nhận được sự quan tâm của các cấp, sự hợp tác, giúp đỡ của các đoàn viên trong nghiệp đoàn”.

  • Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An Phạm Anh Tuấn

"Nghiệp đoàn phải thường xuyên quan tâm tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, nhất là khó khăn của đoàn viên gặp phải. Hơn nữa phải tiếp tục làm tốt công tác phát triển đoàn viên, giúp đoàn viên nâng cao kiến thức nghề nghiệp, hiểu rõ các quy định của Nhà nước, của tỉnh đối với nghề cá, ngư trường và phương thức giải quyết tranh chấp trên biển nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo"

DUY CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục