ĐBSCL mở rộng diện tích trồng cây thanh long

2 năm qua, việc trồng và tiêu thụ lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gặp khó do giá giảm, trong khi giá trái thanh long vẫn ở mức khá cao, thu nhập của người trồng thanh long cao gấp cả chục lần so với trồng lúa nên không có gì lạ khi diện tích lúa chuyển sang trồng thanh long tăng nhanh, đặc biệt tại hai tỉnh Tiền Giang, Long An.

        Trồng trên đất lúa

Khi đi dọc theo con đường từ thị trấn Tầm Vu, xã Long Trì, xã Dương Xuân Hội… huyện Châu Thành tỉnh Long An, chúng tôi ghi nhận thanh long trồng mới trên đất lúa xuất hiện khắp nơi. Thậm chí còn thấy rõ, bên cạnh đám lúa non là các trụ xi măng vừa được trồng, còn nguyên sợi dây buộc dây thanh long vào trụ. Không chỉ đất lúa mà trên đất vườn cũng vậy. Trong khi nhà nước kêu gọi tái cơ cấu lại sản xuất thì trên thực tế, bà con nông dân ở đây đã từng bước chuyển đổi dần trong những năm qua. Nếu như kế hoạch của huyện Châu Thành là đưa diện tích thanh long lên 2.500ha vào năm 2015 thì hiện nay đã đạt. Điều đáng nói, không chỉ diện tích thanh long tăng mà ở huyện Châu Thành còn xuất hiện khá nhiều DN làm dịch vụ, kinh doanh và sơ chế thanh long để xuất khẩu. Công ty TNHH MTV Hoàng Huy (xã Dương Xuân Hội) đang mở rộng nhà kho, xây dựng thêm kho mát cho việc sơ chế và bảo quản thanh long trước khi xuất khẩu.

Cách đó vài cây số là Nhà máy Xử lý hơi nhiệt nông sản (bằng hơi nước) của Công ty TNHH Hoàng Phát ở thị trấn Tầm Vu gần như hoàn thành các công đoạn, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào tháng 8 tới. Như vậy, đây là nhà máy xử lý trái cây và các mặt hàng nông sản đầu tiên vùng ĐBSCL. Việc nhà đầu tư mạnh dạn xây dựng nhà máy xử lý hơi nhiệt với kinh phí trên 1,5 triệu USD ngay trên vùng đất này cho thấy triển vọng và tiềm năng về cây thanh long ở đây cũng như đón đầu cho cả vùng ĐBSCL trong việc kinh doanh trái cây, nhất là thanh long nếu muốn xuất khẩu khi mà tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng nghiêm ngặt, việc xuất khẩu trái cây không chỉ đạt Global GAP mà còn phải qua xử lý nhiệt, riêng thị trường Mỹ là chiếu xạ để diệt ruồi đục quả và một số vi khuẩn khác. Tất nhiên còn phải có sự phối hợp giữa 2 nước về các yêu cầu kỹ thuật mới được xuất khẩu như cách làm với Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc, New Zealand…

        Dịch bệnh đe dọa

Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam phụ trách phía Nam, nguyên Chủ tịch đầu tiên Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, thanh long là một trong số ít trái cây Việt Nam có thế mạnh khi xuất khẩu. Năm 2008, khi khai thông được thị trường Mỹ, lượng thanh long xuất khẩu vào thị trường này đã tăng đáng kể, năm đầu tiên xuất được 100 tấn, năm 2012 đạt 1.200 tấn. Đến cuối tháng 6-2013 xuất khẩu thanh long vào Mỹ tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái nên nhiều khả năng có thể đạt 2.000 tấn vào cuối năm 2013. Riêng xuất vào thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc đều tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Long Hoàng Hậu (Bình Thuận) cho biết, thị trường xuất khẩu trái thanh long đang thuận lợi và tiếp tục triển vọng trong những năm tiếp theo. Ngoài Trung Quốc, thị trường xuất khẩu chính và ngày càng mở rộng là EU, Mỹ, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan...

Bình Thuận có trên 20.000ha, là tỉnh có diện tích lớn nhất, nhưng vài năm nay, diện tích tăng mạnh lại ở vùng đồng bằng sông Cửu Long là Long An trên 2.500ha và Tiền Giang khoảng 3.000ha. Tuy nhiên, do trồng tập trung nên vấn đề sâu bệnh phát triển trên cây thanh long đang là chuyện thời sự. Theo Chủ nhiệm Hợp tác xã Thanh Long Tầm Vu (huyện Châu Thành, Long An) Trần Quang An, bệnh đốm nâu (còn gọi là đốm trắng) đã xuất hiện trên cây thanh long ở huyện Châu Thành chỉ vài tháng nay, nhưng lây lan rất nhanh. Loại nấm này ban đầu là những điểm trắng trên dây thanh long, sau đó chuyển sang nâu làm cho dây thanh long bị khô, bệnh lan cả vào trái, dù phần cơm bên trong vẫn không thay đổi nhưng bề ngoài rất xấu nên khó bán hoặc bán với giá rất thấp.

Điều lo ngại, loại nấm này lây lan khá nhanh qua đường không khí mà chưa có thuốc đặc trị hiệu quả. Hiện nay khá nhiều công ty kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật xuống các vùng thanh long để thử nghiệm. Trong khi bà con nông dân sử dụng nhiều loại thuốc để tự điều trị như rải vôi bột lên thân cây, dùng thuốc xử lý hầm cầu để phun xịt. Nhưng theo ông Nguyễn Văn Cư, ấp Long Thuận, xã Long Trì, cách này chỉ hiệu quả trước mắt, sau đó dịch bệnh vẫn trở lại. Loại bệnh này ghi nhận từ năm 2012 ở vùng thanh long tỉnh Bình Thuận. Tỉnh này hiện có khoảng 850ha bị nhiễm. Diện tích thanh long huyện Châu Thành (Long An) bị nhiễm khoảng 1.000ha. Riêng vùng thanh long Chợ Gạo (Tiền Giang) khoảng 10ha.

Theo Tiến sĩ Võ Mai, nguyên Cục phó Cục Bảo vệ thực vật, nếu nói chưa có thuốc đặc trị cũng không đúng, chỉ có điều, những thuốc này lại thuộc danh mục bị cấm sử dụng ở nhiều nước nhập khẩu thanh long Việt Nam.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục