Làng chài tỷ phú

Có những làng chài ở Quảng Ngãi, nhiều thế hệ nối tiếp nhau đi biển, ở đấy có nhiều ngư dân trở thành tỷ phú. Họ là những lớp người trẻ điển hình cho cách làm ăn dạn dĩ và phương pháp đánh bắt mới hiệu quả, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) là một trong những làng chài như vậy, được mệnh danh là làng chài tỷ phú với hơn 35% hộ gia đình có tài sản lên đến hàng tỷ đồng.
Làng chài tỷ phú

Có những làng chài ở Quảng Ngãi, nhiều thế hệ nối tiếp nhau đi biển, ở đấy có nhiều ngư dân trở thành tỷ phú. Họ là những lớp người trẻ điển hình cho cách làm ăn dạn dĩ và phương pháp đánh bắt mới hiệu quả, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) là một trong những làng chài như vậy, được mệnh danh là làng chài tỷ phú với hơn 35% hộ gia đình có tài sản lên đến hàng tỷ đồng.

        Tỷ phú ngư dân trẻ

Lão ngư Phan Văn Cúc, Bí thư Chi bộ thôn Thạnh Đức 2 trầm ngâm nhớ lại: “Theo nhiều bậc cao niên trong thôn, thuở trước nơi đây hoang vu và có rất nhiều thú dữ sinh sống trên những núi đồi giáp biển. Ông tổ của chúng tôi cùng một số người di cư từ miền Bắc đến đây sinh sống, khai khẩn vùng đất mới. Những bậc tiền nhân phải chống chọi, xua đuổi thú dữ và mưu sinh bằng nghề câu trên biển vì nơi đây chỉ toàn đất cát bạc màu nên rất khó khăn trong việc trồng trọt. Biển cả đã ban cho họ cuộc sống no đủ, làng chài ngày thêm trù phú, đông vui vì có thêm nhiều người tìm đến sinh cơ lập nghiệp”.

Một góc làng chài tỷ phú thôn Thạnh Đức 2.

Một góc làng chài tỷ phú thôn Thạnh Đức 2.

38 tuổi, ngư dân Phan Cam sở hữu lượng tài sản trên 3 tỷ đồng gồm 2 chiếc tàu cá và căn nhà hai tầng cùng với nhiều tài sản có giá trị trong gia đình. Năm 15 tuổi, gác ước mơ tuổi học trò, Cam rời ghế nhà trường đi bạn cho chủ tàu cá ở địa phương. Sau nhiều năm dành dụm, anh mua được chiếc tàu cá cho riêng mình với công suất 60 CV hành nghề câu bủa trên vùng biển Đà Nẵng - Quảng Bình. “Cần câu cơm” của anh giờ là 2 chiếc tàu cá QNg-44580 (100 CV) và QNg-94527 (120 CV) hành nghề giã cào đôi trên vùng biển Hoàng Sa. Mỗi năm, biển cả “ban tặng” cho anh từ 400 - 500 triệu đồng, những ngư dân đi bạn được chia từ 40 - 50 triệu đồng. “Nhiều người mua một lúc mấy căn nhà ở Sài Gòn chứ như tôi đã thấm vào đâu”, anh Cam hãnh diện nói.

30 tuổi, ngư dân Phan Bền, được xếp hạng tỷ phú trẻ với số tài sản trên 1,5 tỷ đồng. Hơn 2 năm trước, anh cùng với cha ruột chung vốn mua 2 chiếc tàu cá QNg-44759 và QNg-94859 có công suất 90 CV và 250 CV trị giá hơn 2 tỷ đồng hành nghề giã cào trên vùng biển Hoàng Sa. Sau cả năm vật lộn với sóng gió, anh đã mang lại khoản thu nhập cho gia đình khoảng 700 triệu đồng. Nhiều người gọi anh là “kình ngư” vì có biệt tài lùng tìm những đàn cá cùng với kinh nghiệm ứng phó với sự cuồng nộ của biển cả.

Ông Phan Văn Cúc, Bí thư Chi bộ thôn Thạnh Đức 2 cho biết: Cả thôn có 702 hộ gia đình thì có đến hơn 90% dân số sống bằng nghề biển với trên 300 tàu cá, chủ yếu từ 90 - 500 CV tham gia đánh bắt ở vùng biển xa. Nhờ bám biển mà trong thôn có đến trên 250 tỷ phú. Những ngư dân: Trần Thanh Nga, Huỳnh Cườm, Võ Thu, Trần Đức Minh… sở hữu từ 4 - 10 tỷ đồng. Ông Cúc cũng đã có 38 năm gắn bó với biển. Biển cũng đã “ban tặng” cho ông 4 chiếc tàu cá với công suất từ 90 - 350 CV, giúp ông nuôi sống gia đình và xây dựng nhà cửa cho các con với số tiền trên 5 tỷ đồng.

        Bám biển đến cùng

Hơn 10 năm qua, ngư dân làng chài Thạnh Đức 2 đã tự liên kết thành tổ, đội khi đánh bắt trên biển với đoàn tàu cá từ 20 - 40 chiếc. Những lúc hoạn nạn, họ đã kịp thời cứu vớt, sẻ chia khó khăn, làm vơi đi nỗi nhọc nhằn. Vào cuối năm 2011, chiếc tàu cá QNg-98225 của anh Phan Văn Nông với công suất 100 CV đã bị sóng đánh chìm khi đang trên đường chạy vào cửa biển Đà Nẵng. May mắn là anh cùng với hai ngư dân khác thoát chết khi được chiếc tàu cá của ngư dân Phan Văn Phu hoạt động gần đó chạy đến cứu vớt kịp thời. “Nhờ có máy trực canh nghe thông tin thời tiết từ đất liền nên tôi luôn thông báo cho bạn chài tìm cách trú ẩn mỗi khi có bão hay áp thấp nhiệt đới. Qua đó, tôi còn được nghe tín hiệu cấp cứu của các tàu bạn khi gặp nạn để ứng cứu kịp thời”, anh Phu nói.

Chiếc tàu cá và ngư cụ trị giá trên 500 triệu đồng bị nhấn chìm, nhưng anh Phan Văn Nông vẫn nhất quyết bám biển. Anh thuyết phục vợ gom vốn tích lũy của gia đình và vay mượn trên 350 triệu đồng để đóng mới tàu cá hơn 1 tỷ đồng tiếp tục vươn khơi bám biển. “Với tôi, biển là nhà, hễ xa là nhớ không chịu được”, anh tâm sự.

“Dòng họ Phan nhà tôi đã có nhiều đời mưu sinh trên biển. Hiện 3 con trai của tôi cùng với hầu hết cư dân trong làng đang tiếp bước cha ông bám biển làm giàu…”, ông Cúc nói.

“Thời gian gần đây, có nhiều sự cố xảy ra trên biển, nhưng dẫu thế nào đi nữa, chúng tôi vẫn bám biển đến cùng vì đây là chén cơm, manh áo của cả gia đình và hơn hết đó là vùng biển đảo của đất nước mình, sao mình phải sợ,”, ngư dân Phan Cam khẳng định.

Tôi đã đến nhiều làng chài, trò chuyện với khá nhiều ngư dân và nhiều lần được nghe “bám biển đến cùng”. Đó không phải lời nói suông mà là sự quyết tâm của những người cưỡi sóng vươn khơi, đổ mồ hôi, công sức thậm chí cả tính mạng của mình để làm giàu cho gia đình, quê hương và minh chứng về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục