Vụ nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà (Quảng Nam): Người dân tiếp tục phản đối

Ngày 3-6, hàng trăm người dân xã Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam) tiếp tục tràn ra sông cản trở việc đơn vị thi công nạo vét luồng từ cảng Kỳ Hà đến cảng Tam Hiệp vì cho rằng việc nạo vét sẽ gây sạt lở bờ sông, sụt nứt nhà cửa nhưng chính quyền chưa đền bù và giải quyết thỏa đáng.

Ngày 3-6, hàng trăm người dân xã Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam) tiếp tục tràn ra sông cản trở việc đơn vị thi công nạo vét luồng từ cảng Kỳ Hà đến cảng Tam Hiệp vì cho rằng việc nạo vét sẽ gây sạt lở bờ sông, sụt nứt nhà cửa nhưng chính quyền chưa đền bù và giải quyết thỏa đáng.

Dự án nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà được khởi công xây dựng vào tháng 6-2009 do Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Kỳ Hà - Chu Lai làm chủ đầu tư. Tổng chiều dài nạo vét toàn bộ tuyến luồng vào cảng Kỳ Hà từ phao số 0 đến bến Tam Hiệp dài 11km. Dự án còn có đoạn kè bảo vệ và chống sạt lở bờ biển thôn 2 xã Tam Hải bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn. Tổng vốn đầu tư dự án hơn 828 tỷ đồng.

Điều đáng nói, kể từ ngày khởi công nạo vét đến nay, dự án gặp phải sự phản đối quyết liệt của người dân xã Tam Hải và chính quyền phải tổ chức đối thoại 3 lần nhưng chưa tìm được tiếng nói chung. Ngày 22-5, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tiếp tục tổ chức đối thoại với 11 hộ dân tại Đồn biên phòng cảng Kỳ Hà nhưng “cấm cửa” báo chí.

Tại cuộc đối thoại này, người dân vẫn đề nghị chính quyền tổ chức giải tỏa, đền bù thỏa đáng cho dân trước khi thực hiện dự án hoặc phải tổ chức kè bờ sông và cam kết không gây sụt nứt nhà dân, mới được tiếp tục dự án. Tuy nhiên, giữa chính quyền và người dân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung và ông Huỳnh Khánh Toàn vẫn chỉ đạo các đơn vị thi công tiếp tục ra quân thi công vào ngày 3-6.

Khi 3 sà lan nạo vét lòng sông cũng là lúc hàng trăm người dân xã Tam Hải tập trung và phản đối dữ dội. Nhiều người bất chấp nguy hiểm bơi ghe ra giữa lòng sông, lên tận các sà lan để yêu cầu dừng việc nạo vét. Công an huyện Núi Thành, Công an xã Tam Hải được huy động để bảo vệ trật tự nhưng cuối cùng, một lần nữa đơn vị thi công phải tạm dừng việc nạo vét.

Ông Ngô Xê (44 tuổi, thôn 2, Đông Tuần, xã Tam Hải) sống sát mép sông Trường Giang, bức xúc: “Mấy lần họp, đối thoại, chúng tôi yêu cầu phải di dời hoặc xây kè rồi mới nạo vét. Lãnh đạo tỉnh, huyện hứa với dân sẽ xây kè nhưng mãi không thấy. Nạo vét dưới sông, trên bờ nhà dân nứt nẻ, sạt lở ai chịu trách nhiệm”.

Chị Bạch Thị Mười (42 tuổi, trú thôn 2, Đông Tuần, xã Tam Hải) đại diện cho các hộ dân nêu nguyện vọng: Người dân hoàn toàn không muốn chống đối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, việc nạo vét lòng sông dẫn đến gây sạt lở bờ sông, sụt nứt nhà cửa nên người dân không an tâm sinh sống làm ăn. Người dân đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam và các đơn vị liên quan phải xây kè chống sạt lở bờ sông trước khi cho nạo vét lòng sông để đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng nhân dân; hoặc UBND tỉnh Quảng Nam cho giải tỏa và đền bù thỏa đáng để người dân đi nơi khác ở. Nếu như không thực hiện 2 phương án trên mà đơn vị thi công vẫn tiếp tục thi công, người dân sẽ tiếp tục cản trở.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho biết, đến nay dự án đã hoàn thành được 90% khối lượng công việc. Đa số người dân ủng hộ dự án, chỉ một số hộ cản trở việc nạo vét vì cho rằng gây sạt lở nhưng không được đền bù. Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục vận động người dân, đối thoại với dân. Trong trường hợp bất khả kháng, nếu không đạt được sự đồng thuận của người dân, tỉnh sẽ cân nhắc việc dừng dự án và bàn giao lại cho Bộ GTVT.

NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục