Di tích Măng Đen

Là cửa ngõ phía Đông của tỉnh Kon Tum, có vị trí chiến lược quan trọng ở Bắc Tây Nguyên, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Măng Đen (huyện Kon Plông) được Khu V và tỉnh Kon Tum xây dựng thành vùng căn cứ cách mạng, góp phần thiết lập một hành lang liên lạc chiến lược Bắc - Nam; vừa là hướng chủ yếu để vận chuyển khí tài, lương thực thực phẩm phục vụ chiến trường Tây Nguyên và chiến trường miền Nam, vừa là một trong những điểm tập kết lực lượng của các đơn vị bộ đội chủ lực nhằm chi viện cho chiến trường B3 và Kon Tum.

Là cửa ngõ phía Đông của tỉnh Kon Tum, có vị trí chiến lược quan trọng ở Bắc Tây Nguyên, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Măng Đen (huyện Kon Plông) được Khu V và tỉnh Kon Tum xây dựng thành vùng căn cứ cách mạng, góp phần thiết lập một hành lang liên lạc chiến lược Bắc - Nam; vừa là hướng chủ yếu để vận chuyển khí tài, lương thực thực phẩm phục vụ chiến trường Tây Nguyên và chiến trường miền Nam, vừa là một trong những điểm tập kết lực lượng của các đơn vị bộ đội chủ lực nhằm chi viện cho chiến trường B3 và Kon Tum.

Địch cũng nhận thấy đây là vị trí trọng yếu của Kon Plông nói riêng, Tây Nguyên nói chung nên ngay sau khi đánh chiếm Tây Nguyên, Mỹ-ngụy đã tập trung xây dựng tại đây các cứ điểm quân sự vững chắc tại khu vực đèo Măng Đen, Măng Buk, đồn Kon Plông và hệ thống đồn bốt dọc theo quốc lộ 5 (QL 24 ngày nay), tạo thành cụm cứ điểm trấn ải phía cực Bắc Tây Nguyên, trong đó Măng Đen được Mỹ xây dựng thành cảng hàng không quan trọng để yểm trợ cho toàn bộ hệ thống cứ điểm trên địa bàn huyện Kon Plông.

Vào giữa năm 1974, Tỉnh ủy Kon Tum và Bộ Tư lệnh B3 đã chủ trương tấn công tiêu diệt các cứ điểm của địch nhằm mở rộng vùng giải phóng, tạo đà tiến về vùng tạm chiếm Kon Tum. Trước sức mạnh tấn công của lực lượng H16, H29, cùng bộ đội chủ lực Trung đoàn Bộ binh 28 (Sư đoàn 10 - Quân đoàn 3) và một số binh chủng kỹ thuật của ta, ngày 30-10-1974, toàn bộ Ban chỉ huy (BCH) Tiểu khu Kon Tum, BCH Tiểu khu Chương Nghĩa và BCH Tiểu đoàn Bảo An 254 của ngụy đều đã bị ta vô hiệu hóa; 226 tên địch bị tiêu diệt, bắt sống 168 tên (trong đó có tên trung tá chỉ huy trưởng và 25 sĩ quan).

Cùng với thắng lợi tại các cứ điểm Đăk Pét, Măng Bút, chiến thắng Măng Đen đã góp phần mở rộng vùng giải phóng đến sát thị xã Kon Tum, tạo thế và lực mới cho chiến dịch Tây Nguyên, mở đường giải phóng Sài Gòn, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước. Khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Măng Đen đã được Bộ VH-TT (cũ) công nhận là Di tích Lịch sử - Danh thắng cấp quốc gia vào năm 2002. Tháng 10-2005, quân và dân huyện Kon Plông vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trần Hoài Nam

Tin cùng chuyên mục