Lặng lẽ di tích miền Trung

Miền Trung - dải đất duyên hải gánh trên vai hàng ngàn di tích văn hóa, lịch sử. Thiết lập con đường di sản miền Trung nhằm đánh thức, khai thác lợi thế giá trị các di tích này mang lại. Vậy nhưng đằng sau những di tích luôn được quan tâm đầu tư, tôn tạo, phục dựng, hàng trăm di tích vẫn lặng lẽ, chịu số phận hẩm hiu đứng lên bên lề dòng chảy cuộc sống.
Lặng lẽ di tích miền Trung

Miền Trung - dải đất duyên hải gánh trên vai hàng ngàn di tích văn hóa, lịch sử. Thiết lập con đường di sản miền Trung nhằm đánh thức, khai thác lợi thế giá trị các di tích này mang lại. Vậy nhưng đằng sau những di tích luôn được quan tâm đầu tư, tôn tạo, phục dựng, hàng trăm di tích vẫn lặng lẽ, chịu số phận hẩm hiu đứng lên bên lề dòng chảy cuộc sống.

  • Hoang vắng

Nằm ở tổ 24, phường Quảng Phú, cách trung tâm TP Quảng Ngãi chừng 3km, di tích Bùi Tá Hán đìu hiu, ảm đạm. Được công nhận di tích quốc gia năm 1990, nhưng gần như không được đầu tư, tôn tạo. Mặt sân từ cổng vào chính tự đã bong tróc, hư hỏng nặng. Diện tích khuôn viên được trồng sắn, gừng, khoai lang, cỏ dại mọc um tùm.

Bà Võ Thị Hoa, dâu đời thứ 14 họ Bùi, ngậm ngùi kể: “Hàng năm, cứ vào ngày rằm tháng 5 (âm lịch), con cháu họ Bùi tề tựu làm giỗ cho ông, tự góp tiền, chứ chả có chính sách chăm lo gì. Tui phận dâu họ Bùi, ý thức trông coi hương hỏa cha ông là chuyện đáng làm nên tranh thủ lúc không đi làm đồng ở nhà phát cỏ hoang. Khuôn viên rộng, chưa dọn hết phía trước, phía sau đã mọc xanh rì trở lại”.

Góp phần vào sự đìu hiu, lặng lẽ chung của các di tích là Diên Niên, Phước Bình ở xã Tịnh Sơn (huyện Sơn Tịnh) - nơi mà cách đây 47 năm, lính đánh thuê Nam Triều Tiên đã dồn 280 thường dân vô tội tại sân trường thôn Phước Bình và đình thôn Diên Niên dùng súng tiểu liên bắn xối xả, giết hại. Được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1994, giờ chỉ là một tấm bia cũ kỹ với những dòng ghi sơ sài tên tuổi của vài chục nạn nhân, chữ còn chữ mất. Trong khuôn viên di tích rác thải xả tràn lan, chiếc xe tang của hộ dân nào đó làm dịch vụ “gửi tạm”.

Trong các địa phương miền Trung, có lẽ Quảng Nam là mảnh đất còn lưu giữ nhiều di tích văn hóa Chăm. Được xây dựng vào cuối thế kỷ 10 đến đầu thế kỷ 11, trong thời kỳ Champa chuyển kinh đô từ Quảng Nam về Bình Định. Dưới thời vua Yan Pu Ku Vijaya, ba ngọn tháp Chiên Đàn thuộc xã Tam An, huyện Phú Ninh vẫn đứng sừng sững dù đã trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử và tàn phá của chiến tranh.

Lặng lẽ tháp Chiên Đàn. Ảnh: HÀ MINH

Lặng lẽ tháp Chiên Đàn. Ảnh: HÀ MINH

Vậy nhưng, nếu khu đền tháp Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên) luôn tấp nập du khách tham quan, khám phá thì Chiên Đàn vẫn lặng lẽ, hoang phế dần vì không nằm trong tuyến tour du lịch chủ yếu (!). Để bảo vệ di tích khỏi bị xâm hại, ngành văn hóa Quảng Nam đã dựng lên cánh cổng sắt thô cứng, xù xì đối lập hẳn với cái mềm mại, huyền bí của họa tiết, hoa văn chạm khắc, sắp xếp trên thân tháp. Ở những góc, cạnh của tháp bị xuống cấp đã được trám vào đó những viên gạch… mới toanh khiến văn hóa Chăm bị “pha trộn”, rất choải.

Rời Chiên Đàn, chúng tôi hòa vào cõi tâm linh của Phật viện Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình). Từng được coi là trung tâm nghiên cứu, truyền bá Phật học có tầm cỡ trong khu vực Đông Nam Á, vậy nhưng, phải vạch những bụi cây um tùm mới tìm ra Tháp Sáng – dấu tích còn lại duy nhất của Phật viện Đồng Dương, hình khối cao khoảng 5m, rộng 3m, đã bị bụi thời gian bao phủ bằng những lớp rêu phong. Xung quanh Tháp Sáng những bụi dây leo, những tán bạc hà, keo lá tràm đang dần lấn át. Bên trong, hiện vật của Phật viện đã bị thất thoát, hàng ngàn viên gạch cổ đã bị người dân “khoét” về xây nhà từ lúc nào không ai hay.

Ông Trương Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc, xót xa: Phật viện Đồng Dương được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 2001, giờ như một phế tích. Xã cố gắng gìn giữ những gì có thể bằng cách… chèo chống mấy cái cột, mà cũng cách đây 7 - 8 năm rồi, không biết khi nào đổ?!

  • Sẽ được đánh thức?

Để tình trạng các di tích văn hóa, lịch sử xuống cấp sau khi được công nhận, theo bà Lê Thị Chung, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi là do phân cấp trách nhiệm quản lý, bảo vệ và trùng tu giữa các cơ quan chủ quản chưa rõ ràng. Chỉ một số huyện có bố trí một phần kinh phí để trùng tu, bảo vệ các di tích cấp tỉnh. Còn lại các địa phương khác hầu như “khoán trắng” cho bảo tàng tỉnh, trong khi chúng tôi không đủ lực.

Ông Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi cho rằng, trong số 26 di tích lịch sử quốc gia đã được công nhận, mới chỉ gần 10 di tích được rót vốn đầu tư, tôn tạo, số còn lại... khát vốn do kinh phí từ Chương trình mục tiêu chống xuống cấp di tích đối với di tích được xếp hạng di tích quốc gia do Bộ VH-TT-DL cấp cho tỉnh hàng năm vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu (trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 1 tỷ đồng). Do vậy, ngành VH-TT-DL cũng chỉ tôn tạo từng bước các di tích đang bị xuống cấp. Một số di tích khác như thảm sát Bình Hòa, thảm sát Diên Niên – Phước Bình… sở đã trình Bộ VH-TT-DL bố trí kinh phí để trùng tu trong năm 2012, với số vốn địa phương cần khoảng 10 tỷ đồng, nhưng chưa thấy Bộ hồi âm.

Sở VH-TT-DL đang xây dựng đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 đến 2020”; “Quy chế quản lý bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh” trình UBND tỉnh ban hành để có kế hoạch bố trí kinh phí hàng năm cho việc trùng tu, tôn tạo di tích (di tích cấp quốc gia và di tích cấp tỉnh).

Trong khi đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã thông qua đề án “Tu bổ cấp thiết di tích cấp tỉnh giai đoạn 2011-2020” với tổng kinh phí hơn 42 tỷ đồng. Hy vọng hàng trăm di tích xứ Quảng sẽ được đánh thức sau một giấc ngủ dài. Theo quyết định trên, từ năm 2011 tỉnh Quảng Nam sẽ lần lượt tu bổ 32 di tích xuống cấp nghiêm trọng và 89 di tích hiện là phế tích và đến năm 2020, hầu hết các di tích xuống cấp sẽ được trùng tu, bảo vệ. 

Hà Minh

Tin cùng chuyên mục