Xã hội hóa văn hóa ở ĐBSCL: Lúng túng, thiếu chiều sâu

Đa dạng thị trường văn hóa
Xã hội hóa văn hóa ở ĐBSCL: Lúng túng, thiếu chiều sâu

Xã hội hóa (XHH) văn hóa là một chủ trương đúng nhằm làm bộ mặt văn hóa thêm khởi sắc, sống động. Hơn 10 năm qua, bên cạnh một số thành tích, nút thắt đó ở ĐBSCL vẫn chưa được tháo gỡ.

Biểu diễn đờn ca tài tử ở TP Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Lợi

Biểu diễn đờn ca tài tử ở TP Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Lợi

Đa dạng thị trường văn hóa

Từ năm 1997, Chính phủ ra Nghị quyết 90/CP và năm 1999 ra Nghị định 73/1999/NĐ-CP về chính sách khuyến khích XHH đối với các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, y tế, thể dục thể thao. Qua hơn 10 năm thực hiện, công tác XHH các hoạt động văn hóa ở ĐBSCL đạt được những thành công nhất định. Nhiều dịch vụ văn hóa (nhất là khu vực dễ thu lợi nhuận) đã chuyển từ khu vực công lập ra ngoài công lập như dịch vụ trang trí kẻ vẽ, quảng cáo, nhà sách, kinh doanh văn hóa phẩm, cà phê, bar ca nhạc, dịch vụ in ấn, karaoke, internet, nhiếp ảnh... Đặc biệt, trong cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, ở nhiều nơi, nhân dân đã tự tổ chức, không chờ đợi nguồn đầu tư của nhà nước.

Cụ thể như Hội Báo xuân Nhâm Thìn TP Cần Thơ vừa qua trưng bày và phục vụ công chúng hơn 430 ấn phẩm báo, tạp chí xuân của trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước. Sự kiện trên được tổ chức thường niên và trở thành một điểm nhấn đặc sắc.

Đài PTTH Vĩnh Long đã năng động hợp tác hoặc độc lập triển khai các chương trình mới (Thần tài mơ ước, Ngôi nhà trong mơ, Vượt lên chính mình…) thu hút lượng khán giả lớn bởi tính nhân văn cao được sự tài trợ của nhiều doanh nghiệp. Đây là đơn vị có nguồn thu cao nhất nhì so với các đài PTTH khác trong khu vực. Vĩnh Long cũng có hơn 3.000 hộ tư nhân hành nghề dịch vụ văn hóa với tổng vốn trên 100 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu người dân.

Văn hóa... mất giá

Một trưởng phòng thuộc Sở VH-TT-DL Vĩnh Long cho biết: XHH văn hóa chủ yếu là di tích, thể dục thể thao hoặc những dịch vụ dễ tạo lợi nhuận chứ hiếm doanh nghiệp mặn nồng với việc XHH văn hóa nghệ thuật thuần túy. Nhuận bút thấp nên ấn phẩm của Hội VHNT (300 bản/kỳ; 6 kỳ/năm) chủ yếu dành tặng ban ngành, phát cho hội viên… Điều này phổ biến ở hầu hết các tỉnh thành trong khu vực. Các nhà văn hóa, rạp chiếu phim… từ Cà Mau ngược lên Long An hầu hết trống vắng, xuống cấp.

Tại Cần Thơ, có 6 - 7 bệnh viện và chừng đó trường đại học – trung tâm giáo dục tư nhân nhưng lĩnh vực văn hóa chưa thấy cơ sở ngoài công lập nào có danh có phận. Trung tâm Văn hóa Ô Môn được đầu tư trên 7 tỷ đồng, cao nhất so các quận, huyện khác nhưng vẫn heo hút. Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ 500 chỗ ngồi, có máy lạnh chỉ phục vụ hội diễn, hội thi là chính. Câu lạc bộ “Sấu Con” là sân chơi dành cho thiếu nhi từng sôi nổi một thời nay trầm lắng do phải nộp thuế như dịch vụ ăn uống, giải khát khác. Có đơn vị văn hóa XHH bằng cách cho thuê khai thác mặt bằng nhưng phải trích nộp lại đến 2/3 nguồn thu.

Nhiều công trình văn hóa lớn kêu gọi đầu tư suốt thời gian dài vẫn chưa “động đậy” như Nhà hát Tây Đô trị giá hơn 100 tỷ đồng vừa được nâng cấp khoảng 5 tỷ đồng, chưa kể mỗi năm Nhà nước bỏ ra thêm 3 tỷ đồng cho bộ máy hoạt động nhưng thu về không đáng kể. Chính cơ sở này mấy năm trước tư nhân đã đặt vấn đề thuê, mỗi năm nộp ngân sách khoảng 500 triệu đồng. Cách đây hơn 10 năm, đề xuất thành lập Trung tâm Văn hóa Trấn Giang do tư nhân điều hành đã làm “hốt hoảng” nhiều người. Kinh phí ít, vướng cơ chế, nhiều rủi ro… khiến các đơn vị văn hóa nhà nước co cụm, không hào hứng. Văn hóa… mất giá là vấn đề cần phải lo, không chỉ với những người trực tiếp chịu trách nhiệm.

Trong khi “dịch vụ công” lúng túng, đợi chờ ngân sách, “dịch vụ tư” đã làm thị trường văn hóa nơi đây khá sôi động. Đã nhiều năm nay, có một nhóm khoảng 10 người là đạo diễn, biên kịch phim, biên đạo múa, nhà báo, nhiếp ảnh, nhạc sĩ, đồ họa sân khấu… tự liên kết “tác chiến” và tạo ra sản phẩm văn hóa có giá trị.

Với vai trò chủ đạo, các đơn vị sự nghiệp văn hóa cần là chất xúc tác, dẫn đầu trong XHH văn hóa bằng cách nhanh chóng hơn trong chuyển đổi sang cơ chế cung ứng dịch vụ công ích có đầy đủ quyền tự chủ về tổ chức, quản lý và hạch toán chi phí, cân đối thu chi theo Nghị định 43/NĐ-CP/2006. Những công trình văn hóa trọng điểm, các lĩnh vực ít hoặc không thu lợi nhuận, vùng sâu vùng xa… vẫn rất cần sự đầu tư thích đáng của Nhà nước.

Vũ Thống Nhất

Tin cùng chuyên mục