Hoa nở giữa dòng Thạch Hãn

Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, hàng ngàn cựu chiến binh trang phục áo lính sờn bạc, lặng lẽ thả xuống dòng sông Thạnh Hãn những cánh hoa đăng tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 40 năm về trước.
Hoa nở giữa dòng Thạch Hãn

Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, hàng ngàn cựu chiến binh trang phục áo lính sờn bạc, lặng lẽ thả xuống dòng sông Thạnh Hãn những cánh hoa đăng tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 40 năm về trước.

Hoàng hôn dần chìm xuống đáy sông Thạch Hãn, dòng người ngược xuôi về đây lặng lẽ tụ hội. Bên bến sông, ai đó thầm thì: Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm. Mấy vần thơ này là của Lê Bá Dương, chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm xưa và hiện là nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh thuộc Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Nhưng chuyện ông là người đầu tiên thực hiện nghĩa cử tri ân đồng đội bằng việc thả những cánh hoa xuống dòng sông Thạch Hãn thì ít người biết.

Cựu chiến binh Lê Bá Dương (đeo kính) cùng đồng đội thả hoa đăng, tri ân các anh hùng liệt sĩ yên nghỉ dưới dòng sông Thạnh Hãn.

Cựu chiến binh Lê Bá Dương (đeo kính) cùng đồng đội thả hoa đăng, tri ân các anh hùng liệt sĩ yên nghỉ dưới dòng sông Thạnh Hãn.

Câu chuyện bắt đầu từ một ngày tháng chạp năm 1968. Sau một đợt công tác đặc biệt, Lê Bá Dương đến thăm mẹ của Nguyễn Hoàng Quế, một người bạn học và là đồng đội mới hy sinh trong một trận đánh ác liệt tại khu vực xã Gio An, Gio Linh, Quảng Trị. “Ngân ngấn nước mắt, mẹ nghẹn ngào: Chưa có giấy báo tử nhưng qua mấy chú thương binh ra điều trị ở gần nhà, bác đã biết Quế hy sinh. Đầu tên mũi đạn, không Quế thì người khác con ơi… Bác chỉ mong biết nơi nó nằm lại để khi nước nhà thống nhất để đưa về hương khói… Không thể tả hết niềm đau lúc đó của tôi khi phải nén lòng giấu kín sự hy sinh của bạn mình không để lại một chút hình hài.

Càng đau hơn khi dìu người mẹ già yếu từng bước ra bờ ao để bà thắp nén hương vọng về phương Nam… Mẹ sụp xuống cắm một nén hương bên bờ ao rồi cũng đôi tay khô gầy run run ấy, mẹ ngắt bông dâm bụt buông vào mặt ao như thầm thì: “Không biết mẹ có còn sống đến ngày giải phóng mà vào đón con về? Thôi thì nhờ nước, nhờ sông, mẹ gửi cho con chút hương khói. Con ở nơi xa có linh thiêng hãy nhận cho mẹ yên lòng” - cựu chiến binh, thương binh 1/4 Lê Bá Dương, hồi tưởng.

Sau ngày đất nước sạch bóng quân thù, trong một lần về thăm đồng đội nằm lại nơi chiến trường Quảng Trị xưa, cựu chiến binh Lê Bá Dương nhớ về màu hoa dâm bụt đỏ chói mẹ liệt sĩ Nguyễn Hoàng Quế gửi cho con chút hương khói… Ông đã kết bè hoa bằng những cây sậy, những bông hoa tứ quý, hoa mồng gà, hoa dại thả xuống dòng sông Thạnh Hãn. Và rồi, hình ảnh người đàn ông nói tiếng xứ Nghệ, mua sạch hoa ở chợ Triệu Hải (nay chợ Quảng Trị), vừa đi, vừa khóc, lang thang dọc theo bến sông thả hoa đã gây sự chú ý của tất cả những người dân buôn bán, sống quanh khu vực này.

Cũng từ đây, cựu chiến binh Lê Bá Dương không còn lặng lẽ thả hoa đăng một mình mà có sự đồng hành của nhiều người bạn là cựu chiến binh Thành cổ Quảng Trị. Đặc biệt, từ năm 2007 đến nay, hai bến thả hoa ở hai bờ sông Thạch Hãn, đoạn phía trước mặt Thành cổ Quảng Trị đã được triển khai xây dựng, đồng thời thể theo ước nguyện của các cụ lão thành xin trồng 81 cây phượng bên bờ kè Nam sông Thạch Hãn tượng trưng cho 81 ngày đêm mùa hè khói lửa tại Thành cổ Quảng Trị. 

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục