Ngư dân Gò Công vững vàng bám biển

Bất chấp sóng to, gió lớn và hiểm nguy rình rập từ tàu lạ, ngư dân Gò Công vừa có chuyến ra khơi đánh bắt hải sản ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa trở về với những chuyến tàu đầy ắp cá.
Ngư dân Gò Công vững vàng bám biển

Bất chấp sóng to, gió lớn và hiểm nguy rình rập từ tàu lạ, ngư dân Gò Công vừa có chuyến ra khơi đánh bắt hải sản ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa trở về với những chuyến tàu đầy ắp cá.

  • Bám biển

Chúng tôi đến ấp xóm Lăng, xã Tân Phước (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) vào ngày cả đoàn tàu đánh bắt đang chuẩn bị ra khơi. Đây là một trong hai làng biển của tỉnh có đoàn tàu đánh bắt xa khơi ở thềm lục địa phía Nam, vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa của Tổ quốc. Tiếng cười nói vui vẻ làm xôn xao cả một khu vực tàu cập bến ở ấp Lăng của xã Tân Phước.

Thông lệ lễ Nghinh Ông ở Vàm Láng diễn ra vào tháng 3 Âm lịch hàng năm nhưng ở xã Tân Phước được tổ chức vào ngày 14 - 16 tháng 5 Âm lịch, vì đây là thời gian mà đoàn tàu đánh bắt từ thềm lục địa phía Nam, quần đảo Trường Sa trở về.

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tuấn và vợ cùng chiếc tàu 350CV vừa trở về sau chuyến đánh bắt.

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tuấn và vợ cùng chiếc tàu 350CV vừa trở về sau chuyến đánh bắt.

Anh Nguyễn Văn Định (ấp 4, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông), chủ tàu TG 93639TS có công suất 200 CV vừa trở về sau chuyến đánh bắt gần 4 tháng ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa cho biết, cả đoàn tàu đánh bắt xa khơi của ấp Lăng chuyến rồi thắng đậm. Trung bình mỗi tàu đánh bắt được từ 12 - 15 tấn cá mú, cá chẽm, cá tráp… được bán với giá 40.000 - 45.000 đồng/kg. Mỗi thuyền viên trên tàu được chia khoảng 20 triệu đồng cho chuyến đi vừa qua.

Cả làng biển ấp Lăng và những ấp lân cận của xã Tân Phước đã có gần 90% cư dân làm nghề biển vì hiện nay đây là nơi duy nhất ở Gò Công tồn tại làng nghề đánh bắt xa khơi lâu đời nhất. Tại ấp Lăng có dòng họ Nguyễn đã bốn đời đi biển với nghề đánh bắt xa bờ, nổi tiếng với nghề câu lưới rê.

Ngư dân Nguyễn Văn Ru (ấp Lăng, xã Tân Phước) được xem là người đầu tiên tiến ra Trường Sa đánh bắt hải sản, giờ đã qua tuổi lục tuần, kể lại: “Lúc bấy giờ toàn tỉnh chỉ có 6 chiếc tàu, trong đó có 2 chiếc là của gia đình tui, ra ngư trường ở Trường Sa để đánh bắt. Mỗi chuyến đi lúc bấy giờ mất khoảng 1,5 tháng. Lúc đó ngoài vùng biển này, cá nhiều lắm, toàn cá lớn, mỗi chuyến đánh bắt được khoảng 15 - 20 tấn/tháng”.

Còn lão ngư 63 tuổi Nguyễn Văn Lưu, đi biển từ năm 17 tuổi, vẫn luôn hào hứng khi kể về một lần ra khơi khi chỉ trong vòng tuần lễ đầu, đã lưới được 1.000 con cá gộc, cá đường có trọng lượng 9 - 10kg/con. Mỗi buổi chiều sau khi thả lưới, mọi người trên tàu nhìn xuống mặt nước biển và khi thấy cá dính lưới, đặc biệt là khi gặp đàn cá đường (dài cả sải tay) hội tụ, kêu éc éc là kéo lưới quên cả mệt, thậm chí bỏ cả cơm chiều.

Lúc bấy giờ, bong bóng cá đường rất đắt, mỗi kilôgam (5 bong bóng) bán được gần 1/2 cây vàng nên khi gặp luồng cá đường nhiều, bạn ghe lúc này chỉ kéo lên, xẻ lấy bong bóng rồi bỏ thịt vì ghe có trọng tải nhỏ, không đủ sức chứa.

  • Chỗ dựa vững chắc

Hầu hết đoàn tàu 20 chiếc của ấp Lăng (xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông) đều đánh bắt ở ngư trường thềm lục địa phía Nam và quần đảo Trường Sa, thỉnh thoảng cũng đến Hoàng Sa. Đối với ngư dân khi đánh bắt hải sản ở khu vực này, nhà giàn ở thềm lục địa phía Nam, các đảo chìm, đảo nổi ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đã trở thành biểu tượng gần gũi, tượng trưng chủ quyền của Tổ quốc.

Điều đáng mừng là trong những năm gần đây, bệnh xá của các điểm đảo đã được trang bị các trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ y, bác sĩ của hệ thống các bệnh viện quân y nên đã đáp ứng được công tác cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân, thậm chí thực hiện được những ca phẫu thuật tương đối phức tạp mà trước kia phải chuyển về đất liền.

Thuyền viên Lê Văn Cảnh (35 tuổi, xóm Lăng) trên tàu TG 9235TS vào năm 2008 trong lúc đang đánh bắt ở ngư trường Trường Sa bị trật quai hàm rất nặng, sức khỏe anh suy giảm rất nhanh. Mặc dù gặp luồng cá lớn nhưng thuyền trưởng Nguyễn Văn Tuấn quyết định ngừng thả lưới để đưa anh Cảnh vào điểm đảo gần nhất để cấp cứu. Tàu ghé vào đảo Nam Yết ở phía Bắc quần đảo Trường Sa và được bác sĩ trên trạm quân y tiến hành giải phẫu kịp thời.

Lão ngư Nguyễn Văn Năm (63 tuổi, ấp Lăng), khẳng định: “Bộ đội Hải quân đối với ngư dân rất tình nghĩa. Khi tàu ngư dân hết dầu, nước ngọt, cứ ghé đảo sẽ được hỗ trợ; còn những lúc biển động, có bão lớn, phải vào trú bão ở các đảo còn được các anh chia sẻ chỗ ở và thực phẩm”.

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tuấn nhớ mãi lần mà anh cùng các thuyền viên được cứu sống khi tàu bị chìm năm 2000. Lúc đó, 3/4 số tàu của anh bị ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên bị chìm, chiếc tàu do anh lái chìm ngay cửa biển. Anh và các thuyền viên đeo phao và bám với nhau trôi dạt trên biển gần một đêm.

Khi phao trôi vào gần đến nhà giàn DK1 nhưng sóng to không thể tấp vào được nên anh Tuấn và người em cố gắng bơi vào nhà giàn cầu cứu. Nhờ sự nhiệt tình của cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn liên hệ với trung tâm cứu hộ nên toàn bộ thuyền viên của tàu được trực thăng cứu hộ đưa vào đất liền an toàn.

Tỉnh Tiền Giang đã có chiến lược ưu tiên phát triển những đội tàu cá công suất lớn đánh bắt hải sản xa bờ, bám biển dài ngày. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang, hiện nay toàn tỉnh có 1.356 chiếc tàu đánh bắt hải sản, trong đó 60% tàu có công suất lớn chuyên khai thác các ngư trường xa như Côn Đảo, Trường Sa… Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang cũng đã hướng dẫn và thành lập một tổ hợp tác khai thác trên biển ở xã Vàm Láng (huyện Gò Công Đông).

NGUYỄN PHÙNG LONG

Tin cùng chuyên mục