Báu vật mới ở Trường Sơn

Hai mươi hai báu vật mới
Báu vật mới ở Trường Sơn

Các nhà khoa học của Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh (BCRA) vừa tìm thấy 22 hang động tuyệt đẹp giữa rừng già Trường Sơn ở Quảng Bình. Họ xem đó là 22 báu vật mà Việt Nam sở hữu. Đặc biệt, trong 22 báu vật đó, có một hang động tuy nhỏ nhưng thạch nhũ được đánh giá là đẹp hơn cả thạch nhũ ở siêu hang động Sơn Đoòng.

Các hang động vừa tìm thấy rất đẹp giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ.

Các hang động vừa tìm thấy rất đẹp giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ.

Hai mươi hai báu vật mới

Nằm giữa núi rừng hoang sơ của Trường Sơn hùng vĩ, Phong Nha-Kẻ Bàng tiềm ẩn với những khối núi đá cao lớn và tuyệt đẹp. Nó mê hoặc những ai muốn khám phá hang động, nghiên cứu địa mạo, địa chất, đa dạng sinh học… Đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh đã trở lại Quảng Bình với mong muốn tìm kiếm thêm được nhiều hang động mới.

Đầu tháng 3-2012, trao đổi với chúng tôi, tiến sĩ Howard Limbert, trưởng đoàn đã nói: “Chúng tôi tin chắc rằng, chúng tôi sẽ khám phá thêm hang động mới, và hứa sẽ đưa về cho địa phương những tài sản danh giá của khoa học địa mạo địa chất mà không nơi nào có được”.

Và đúng như những gì mong đợi, họ đã tìm ra 22 hang động mới tuyệt đẹp, trong đó công sức lớn nhất vẫn thuộc về Hồ Khanh, người đàn ông hiền lành ở Sơn Trạch từng phát hiện hang động lớn nhất thế giới - Sơn Đoòng.

Theo mô tả của các thành viên trong đoàn khảo sát, 22 hang động này thuộc hàng lộng lẫy, măng đá, nhũ đá được tạo thành bởi các kết tinh của trầm tích đá vôi và thời gian hàng chục triệu đến hàng trăm triệu năm đã mài giũa thành những tác phẩm điêu khắc nhũ đá kỳ vĩ nhất mà “chúng tôi khó có thể tìm ra ở đâu”, Howard Limbert - trưởng đoàn phát biểu.

Đặc biệt tại hang Gió, nó có hình vòm, như một thánh đường kiểu gô tíc, nó có kích thước rất lớn và gần như là hình vòm cân xứng. Một kiểu cách “sáng tạo” vô song của tự nhiên về thể dáng hình học. Hang Gió nằm trong vùng lõi, nơi mà chưa có dấu chân người bình thường đặt đến, chỉ có người hay tìm kiếm hang động như Hồ Khanh với kinh nghiệm của mình, anh mới tìm ra kiệt tác hang động này.

Hồ Khanh cho biết: “Đây là hang động đẹp, khi các chuyên gia vào chụp ảnh, họ đã bất ngờ, nhưng lộng lẫy hơn gấp bội là một hang động khác, ấy là hang Vả, cách Sơn Đoòng 400m”, hang Vả cũng do Hồ Khanh tìm kiếm và anh được quyền đặt tên cho hang động này.

Đoàn thám hiểm cho biết, hang Vả chỉ dài 1,7km, rộng hơn 100m, nhưng thạch nhũ trong đó tráng lệ và đẹp hơn thạch nhũ ở Sơn Đoòng. Nó là một hang có sông ngầm chảy vào, thạch nhũ xếp từng hàng kiểu quân cờ, chúng mọc hình búp măng rất ngoạn mục mà đoàn thám hiểm chưa bao giờ nhìn thấy. Đoàn thám hiểm đã đi hết các ngóc nghách của hang Vả và đánh giá nó là hang động có lượng thạch nhũ dày đặc và đẹp hơn hết thảy các hang động khác, kể cả siêu hang động Sơn Đoòng.

Các tên Vả là tên của vùng đất địa phương, đó là nơi có nhiều cây Vả nên được Hồ Khanh chọn thế. Tuy nhiên đoàn thám hiểm đang xem xét đặt tên mới cho xứng tầm vẻ đẹp của hang động này.

Loài cá kỳ lạ trong hang động

Trong số 22 hang động mới phát hiện, người ta tìm thấy một số loài vật thể hiện sự phong phú và đa dạng sinh học của hệ sinh thái hang động. Một loài rận gỗ, một loài cuốn chiếu hang động và họ cũng ghi nhận được loài rắn ở ngoài di cư vào sinh sống trong hang động. Phía gần cửa hang, những loài tắc kè đổi màu theo màu xanh, màu lục, màu chàm của cành cây, thân cây cũng được phát hiện.

Loài rắn lục xanh lá cũng được tìm thấy với những bức hình chụp hài hòa, bắt mắt. Phía trên các hang động là vô số những loài thực vật với các kiều hình thù khó tả khi chúng sinh tồn trên thớ đá vôi không có đất.

Đoàn thám hiểm cũng trở lại hang động Tú Làn ở xã Tân Hóa, Minh Hóa để xác định chiều kích của thác nước trong hang động. Howard Limert nhận định: “Việc có thác nước trong hang động là điều độc đáo mà chúng tôi lần đầu nhìn thấy ở đây. Thác nước hơn mười mét, nhưng đó là một sự kỳ vĩ trong hang động”. Điều đặc biệt ở đây, các nhà khoa học phát hiện ở trong đó một loài cá bơi vượt thác. Chúng dùng đuôi và hai vây trước rất linh hoạt với các cú quẫy đuôi nhịp nhàng để xuyên dòng thác chảy xiết.

Các nhà khoa học chuyên về hang động không đi sâu tìm hiểu loài cá này nhưng họ cho rằng, chưa thấy trong hang động có cá bơi ngược thác, đó là sự kỳ lạ hạn hữu ở địa phương này. Cá được mô tả to như ngón áp út, có màu trắng bạc rất đẹp. Những người khảo sát hy vọng, những lần sau trở lại Tú Làn sẽ mời theo các nhà ngư loại học tìm hiểu xem chúng là loài cá gì, có phải là loài mới hay không.

Hiện các nhà thám hiểm vẫn vạch rừng tìm kiếm hang động và mới phát hiện thêm 2 hang động nữa cũng ở Phong Nha-Kẻ Bàng, nâng con số từ 22 hang động thành 24 hang động. Đó quả là điều bất ngờ thú vị.

Trường Sơn đi qua bao biến cố khói lửa, nhắc đến Trường Sơn ai cũng nghĩ đến những tháng ngày gian lao của hào hùng và hy sinh nhưng ẩn chứa trong đó là còn bao nhiêu bí mật cần khám phá. Thế mới biết, có một Trường Sơn sâu thẳm chiều kích của diệu kỳ tự nhiên.

Minh Phong

Tin cùng chuyên mục