Vú sữa tím lên đời

Trong lúc nhiều loại trái cây ở các tỉnh ĐBSCL luôn rơi vào cảnh rớt giá khiến nhà vườn lao đao, thì vú sữa tím ở Tiền Giang đang “lên đời” giúp nhiều hộ vươn lên khá giả. Nếu như vú sữa Lò Rèn lâu nay được thị trường ưa chuộng, giờ đây nhà vườn lại quay sang trồng vú sữa tím.
Vú sữa tím lên đời

Trong lúc nhiều loại trái cây ở các tỉnh ĐBSCL luôn rơi vào cảnh rớt giá khiến nhà vườn lao đao, thì vú sữa tím ở Tiền Giang đang “lên đời” giúp nhiều hộ vươn lên khá giả. Nếu như vú sữa Lò Rèn lâu nay được thị trường ưa chuộng, giờ đây nhà vườn lại quay sang trồng vú sữa tím.

  • Hút hàng, giá cao

Men theo con đường đan rợp mát, chúng tôi tìm về ấp Đông, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, một trong những nơi trồng vú sữa tím nhiều nhất ở Tiền Giang. Mấy ngày qua, người dân ấp Đông hồ hởi bởi trúng giá vú sữa tím.

Ông Lê Văn Tài, canh tác 1,2 công vú sữa tím, mừng ra mặt: “Vú sữa tím thu hoạch sớm vào giữa tháng 10-2012, giá cao kỷ lục bán thấy mê. Mỗi trái vú sữa loại lớn được thương lái mua với giá 40.000 - 50.000 đồng, nên sáng đi chợ chỉ cần bán 3 trái vú sữa tím là có tiền hơn hẳn bán 1 giạ lúa. Do hiệu quả kinh tế khá cao nên xứ này ai cũng mê trồng vú sữa tím”.

Nhà vườn ở Tiền Giang đang chuyển sang trồng vú sữa tím. Ảnh: HUỲNH LỢI

Nhà vườn ở Tiền Giang đang chuyển sang trồng vú sữa tím. Ảnh: HUỲNH LỢI

Đưa chúng tôi ra thăm vườn vú sữa tím, ông Tài cho biết hồi trước loại vú sữa tím chỉ để trồng ăn chơi, dù bán giá thấp vẫn bị người tiêu dùng chê. Vì vậy, nhà vườn xã Kim Sơn và các xã lân cận đều trồng vú sữa Lò Rèn và vú sữa Lò Rèn trở thành loại trái cây đặc sản nổi tiếng khắp nơi. Khoảng vài năm trở lại đây, thị trường miền Bắc bỗng nhiên chuyển sang ăn vú sữa tím. Nhu cầu càng lúc càng tăng nhưng nguồn cung khan hiếm nên được giá cao. Thấy vú sữa tím lên đời, năm 2007, ông Tài đốn hạ 1,2 công vú sữa Lò Rèn để trồng vú sữa tím. Sau hơn 3 năm chăm sóc, vườn vú sữa tím cho thu hoạch đợt đầu vào năm 2011 bán được 12 triệu đồng. Dự kiến năm nay, 1,2 công vú sữa tím đem lại thu nhập thấp nhất cũng 15 triệu đồng.

Theo ông Trần Thanh Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Sơn, những hộ trồng vú sữa tím đạt yêu cầu sẽ thu từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm. Nhờ vú sữa tím được giá, nhiều hộ xây nhà tường kiên cố, mua sắm nhiều tiện nghi trong gia đình, ổn định cuộc sống…

  • Nỗi lo dịch bệnh hoành hành

Ông Huỳnh Văn Nghi, Chủ tịch Hội làm vườn xã Kim Sơn, cho biết ưu thế của vú sữa tím là màu sắc đẹp, trái to, vỏ dày nên vận chuyển đi xa không bị hư. Vú sữa tím thu hoạch sớm hơn vú sữa Lò Rèn khoảng 2 tháng, nên giá bán cao gấp đôi so với vú sữa Lò Rèn. Tuy nhiên, khi vào giai đoạn thu hoạch rộ thì giá vú sữa tím giảm còn 20.000 - 30.000 đồng/trái, nhưng vẫn đảm bảo nhà vườn có lãi. Trong 160ha vú sữa tím và vú sữa Lò Rèn ở xã Kim Sơn, nay người dân mạnh dạn trồng vú sữa tím nhiều hơn. Nguyên nhân do vú sữa Lò Rèn thời gian qua bị dịch bệnh làm chết cây hàng loạt. Đối với những diện tích bị chết cây khi cải tạo đất và trồng lại mới, vú sữa Lò Rèn vẫn tiếp tục chết, không hiệu quả, từ đó nhà vườn ngán ngại.

Ông Bùi Văn Hường, nhà vườn xã Kim Sơn trăn trở, vú sữa tím được giá nên nhiều hộ đổ xô trồng mới. Song cái khó hiện nay, cây giống sử dụng từ việc chiết cành theo kiểu truyền thống từ những cây củ trước đó, chưa ai nghiên cứu lai tạo ra loại giống nào mới. Bên cạnh đó, vú sữa tím từ 6 - 7 năm tuổi trở đi thường bị bệnh khô nhánh, hư rễ… dẫn đến chết cây hàng loạt, dù điều trị nhiều cách vẫn không cứu được. Có ý kiến cho rằng, do nhà vườn lạm dụng để vú sữa tím ra trái quá nhiều khiến cây bị kiệt sức, đồng thời dùng nhiều phân thuốc hóa học làm cây dễ bị chết.

Theo ông Huỳnh Hữu Hòa, Phó phòng NN-PTNT huyện Châu Thành, toàn huyện hiện có khoảng 3.200ha vú sữa các loại, trong đó vú sữa Lò Rèn chiếm chủ lực; riêng vú sữa tím chỉ vài trăm hécta. Hiện vú sữa tím được giá cao nhưng đầu ra phần lớn tiêu thụ nội địa, chỉ một ít xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Vì vậy huyện không chủ trương mở rộng diện tích vú sữa tím ào ạt dẫn tới “cung vượt cầu”, rớt giá - nhà vườn chịu thiệt. Kế hoạch đến năm 2015, huyện Châu Thành ổn định diện tích vú sữa khoảng 5.000ha, chủ yếu tập trung cho vú sữa Lò Rèn rồi mới đến vú sữa tím.

Hiện nhiều khu vườn bị lão hóa, cộng với dịch bệnh hoành hành làm chết cây tràn lan, nhưng chưa có giải pháp phòng trị hữu hiệu. Để phát triển bền vững vú sữa tím cũng như vú sữa Lò Rèn, cần tìm giải pháp khống chế dịch bệnh, giảm đến mức thấp nhất nạn chết cây để nhà vườn an tâm sản xuất. Vấn đề vượt khả năng của huyện rất cần sự giúp sức từ các ngành chức năng cấp cao hơn và các nhà khoa học. 

H. LỢI - N. THANH

Sa bô lời 200 triệu đồng/ha

Ông Huỳnh Văn Nghi, Chủ tịch Hội làm vườn xã Kim Sơn, huyện Châu Thành (Tiền Giang) cho biết 590ha sa bô trong xã đang vào vụ thu hoạch. Hiện giá sa bô loại lớn được thương lái mua 15.000 đồng/kg, với giá này người dân trồng sa bô thu lời khoảng 200 triệu đồng/ha/năm.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành, toàn huyện có trên 1.400ha sa bô, vài năm nay giá sa bô ổn định ở mức cao, cộng với lợi thế cho trái quanh năm nên nhiều hộ chọn loại cây này phát triển lâu dài.

A.BÌNH

Tin cùng chuyên mục