Trầy trật điện Lý Sơn

“Khát” điện
Trầy trật điện Lý Sơn

Người dân trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) luôn hy vọng về một ngày sẽ được sử dụng điện ổn định. Niềm hy vọng ấy cứ được chợt lóc sáng lên rồi… tắt ngủm.

Hơn hai năm thi công, Nhà máy nhiệt điện Lý Sơn mới chỉ xây dựng được hai khung nhà điều hành. Ảnh: HÀ MINH

Hơn hai năm thi công, Nhà máy nhiệt điện Lý Sơn mới chỉ xây dựng được hai khung nhà điều hành. Ảnh: HÀ MINH

“Khát” điện

Lý Sơn mùa này nóng, ở trong phòng cứ hầm hập. Anh bạn đồng nghiệp ra khoảng sân trước nhà trọ cởi trần ngồi phe phẩy chiếc quạt vì không biết phải làm gì, không điện chẳng thể xem tivi, không có pin sạc máy tính… Bức bí quá, tôi tìm gặp ông Trần Phúc Sinh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện, ông Sinh cười nói: “Chuyện thường ngày ở huyện… Lý Sơn ấy mà! Không có điện nên giáo viên trên đảo không biết sử dụng máy vi tính và mạng internet. Học sinh trên đảo thiệt thòi về công nghệ thông tin”.

Ghé tiệm Internet Biển Xanh ở xã An Vĩnh, ông Phan Đình Tuấn - chủ tiệm than thở: “Đầu tư gần cả trăm triệu đồng mua 11 máy vi tính, thiết bị mạng, bàn ghế và cả máy phát điện để kinh doanh, mong muốn có đồng ra, đồng vào. Nếu cùng một lúc không có từ 4 khách hàng trở lên sử dụng, coi như ngày đó lỡ tiền dầu chạy máy nổ”. “

Với hơn 22.000 dân sinh sống, Lý Sơn gồm ba xã An Vĩnh, An Hải và An Bình (đảo Bé). Huyện đảo bắt đầu được cấp máy phát điện chạy bằng dầu diesel từ năm 2009, công suất 1,5 MW. Tuy nhiên, cũng mới đủ để cấp cho 2 xã An Hải và An Vĩnh với chế độ cấp 6 giờ mỗi ngày (từ 17 giờ đến 23 giờ) theo phương thức cách nhật (cấp cho An Hải thì An Vĩnh bị cắt và ngược lại).

Vì vậy, gây khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất của người dân, hạn chế sự phát triển các loại hình kinh tế của địa phương”, ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết.

Chờ đến bao giờ?

Để giải bài toán điện cho Lý Sơn, Chính phủ đã giao Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi xây dựng nhà máy nhiệt điện công suất 6MW, vốn đầu tư hơn 237 tỷ đồng; trung bình mỗi năm cung cấp khoảng 3 triệu kWh cấp điện thông suốt 24/24 giờ phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho các hộ dân trên đảo. Dự án được khởi công cuối tháng 7-2009, kế hoạch phát điện đầu quý 2 năm 2011.

Vậy nhưng, sau 2 năm thi công, chỉ có hai khung nhà ở và nhà điều hành được dựng lên. Trên công trường của dự án hiện tại vắng lặng, chỉ có một xe múc, hai xe ben bất động và vài công nhân lui tới.

Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: “Đến nay, nhà đầu tư mới thực hiện được việc giải tỏa, san lấp mặt bằng, làm kè chắn sóng, nhà điều hành, hệ thống tường rào. Chưa thấy vận chuyển những thiết bị, máy móc để lắp đặt nên chưa biết bao giờ mới xong”.

Nguyên nhân chậm theo ông Nguyên một phần có lẽ do khi thiết kế, chủ đầu tư không khảo sát kỹ địa điểm, vị trí xây dựng nhà máy nên khi đi vào hoạt động, bụi than sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng các hộ lân cận…”.

Một nguyên nhân nữa khiến dự án bị “treo” là do Vinacomin và EVN vẫn chưa thỏa thuận được giá bán điện. Bài toán về giá điện lại một lần nữa được đặt ra với dự án nhiệt điện Lý Sơn. Liệu lần này người dân trên đảo có được sử dụng điện ổn định hay không?

Tôi đặt câu hỏi với ông Võ Xuân Huyện, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn – ông không trả lời mà kể: “Đã từng có hai dự án phong điện đến với Lý Sơn. Đó là dự án điện gió/diezel công suất 3.000 kW vốn đầu tư 6 triệu USD được cấp phép năm 2002 do Công ty TNHH Eden (Hàn Quốc) đầu tư và dự án điện gió của Công ty CP Điện gió Lý Sơn (liên doanh của ba công ty từ CHLB Đức) với vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng, công suất 8 - 10MW nhưng không có dự án nào “đậu” lại được cũng vì chủ đầu tư và EVN không thống nhất được giá bán điện. Một khi nhà đầu tư và nhà quản lý điện chưa ngã ngũ được về giá, độ “nóng” trên đảo Lý Sơn vẫn chưa thể giải được nhiệt”.

Hà Minh

Tin cùng chuyên mục