Ngư dân loay hoay tìm vốn

Khó tiếp cận vốn vay
Ngư dân loay hoay tìm vốn

Khai thác các nguồn lợi thủy sản trên biển, đặc biệt là việc đánh bắt xa bờ của ngư dân các tỉnh miền Trung nói riêng và cả nước nói chung đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất là không tiếp cận được với các nguồn vốn vay để mua sắm ngư cụ, sửa chữa tàu thuyền, tái sản xuất... Từ đó cho thấy, cần có những chính sách hỗ trợ ngư dân về nguồn vốn vay, để ngư dân có điều kiện bám biển, góp phần giữ gìn chủ quyền Tổ quốc.

Không tiếp cận được vốn vay, việc đóng mới tàu thuyền thật không dễ dàng.

Không tiếp cận được vốn vay, việc đóng mới tàu thuyền thật không dễ dàng.

Khó tiếp cận vốn vay

Từ tờ mờ sáng, tại cảng cá Vĩnh Lương (Nha Trang - Khánh Hòa) tàu thuyền tấp nập đổ về cảng bán cá, làm không khí thêm náo nhiệt.

Lão ngư Nguyễn Văn Đức cho biết: “Tôi vừa cập cảng lúc 4 giờ sáng, sau một đêm vật lộn với sóng biển. Chuyến đi biển này trừ chi phí chỉ kiếm hơn 150.000 đồng. Cả nhà tôi có 7 miệng ăn nhưng chỉ trông vào chiếc thuyền cũ này thôi. Thuyền không ra biển, cả nhà coi như đói. Những năm trước, mỗi lần nhổ neo về là kiếm được cả nửa triệu đồng, nhưng giờ nguồn thủy sản ven bờ cạn kiệt dần, khiến đánh bắt khó khăn.

Nhiều ngư dân đã mạnh dạn cầm cố, vay vốn ngân hàng để mua tàu thuyền lớn, ngư cụ hiện đại để vươn ra biển, đánh bắt xa bờ, tiếp tục bám trụ với nghề. Nhưng những ngư dân không có tài sản thế chấp ngân hàng như chúng tôi, điều kiện kinh tế khó khăn nên chỉ quanh quẩn đánh bắt gần bờ. Cứ thế, khó càng thêm khó”.

Ông Nguyễn Thanh Vân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lương (Nha Trang - Khánh Hòa), cho biết: “Hiện toàn xã có 489 tàu thuyền các loại nhưng chủ yếu là tàu thuyền có công suất nhỏ, dưới 90CV. Những năm gần đây, khai thác hải sản gặp nhiều khó khăn, giá cả lại leo thang nên đời sống càng chật vật hơn. Đa số người dân trong xã đều làm nghề biển, tuy nhiên, tàu thuyền nhỏ, ngư cụ lạc hậu nên không thể vươn xa khai thác. Xã đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, cần có chính sách hỗ trợ cho ngư dân tiếp cận được vốn vay cũng như hỗ trợ dầu cho ngư dân bám biển nhưng xem ra thật khó khăn”.

Theo ông Vân, để người dân tiếp cận được các nguồn vốn vay cần có sự bảo lãnh của Nhà nước với các ngân hàng.

Theo đại diện Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Bình Thuận, trước đây, ngân hàng tạo điều kiện cho ngư dân thế chấp bằng chính con tàu đang đánh bắt để vay vốn nhưng việc thu hồi vốn không hề đơn giản bởi rất ít ngư dân tự giác trả nợ. Hơn nữa, hoạt động sản xuất trên biển rủi ro cao, hiệu quả thất thường, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hồi nợ... Còn đối với ngư dân không có tàu thuyền thế chấp hoặc tàu thuyền nhỏ thì việc được tiếp cận vốn vay càng khó.

Ông Điện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết: “Từ trước đến nay, ngư dân tỉnh Phú Yên chỉ tiếp cận được với vốn vay từ các ngân hàng thương mại chứ chưa có tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn vay thương mại cũng không dễ dàng. Để được vay vốn, nhiều ngư dân phải kết hợp với nhau, cùng lập dự án đóng mới tàu thuyền, có cầm cố mới có thể vay”.

Không thể vươn xa

Theo nhiều ngư dân, trước đây ngư trường dồi dào là động lực thúc đẩy ngư dân mạnh dạn ra khơi. Nhiều ngư dân sẵn sàng vay tiền “nóng” để trữ nhiên liệu ra khơi dài ngày, vì thường sau mỗi chuyến đi biển họ đều có lãi. Nhưng nay, trước tình hình nhiên liệu tăng giá, thời tiết bất thường, sản lượng đánh bắt ngày một kém, ngư trường lại bị tàu lạ quấy nhiễu… nên dù muốn bám biển cũng chẳng dễ dàng gì.

Tại Khánh Hòa, sản lượng đánh bắt thủy hải sản hàng năm khoảng 65.000 – 68.000 tấn. Trước năm 2009, Khánh Hòa chỉ có trên 6.000 tàu cá, đến cuối năm 2009 tăng gần gấp đôi (sau khi có chủ trương hỗ trợ tiền dầu của Chính phủ). Thế nhưng, sản lượng đánh bắt cũng không có nhiều chuyển biến.

Trong số hơn 10.000 tàu thuyền đánh bắt hải sản tại Khánh Hòa chỉ có khoảng 500 tàu có khả năng đánh bắt xa bờ, số còn lại công suất nhỏ nên chỉ tập trung khai thác ven bờ, nhất là trong các đầm, vịnh. Do đó, nguồn lợi thủy sản ven bờ ở Khánh Hòa đang đứng trước nguy cơ bị tận diệt.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Khánh Hòa, hơn 80% tổng lượng hải sản khai thác hàng năm được đánh bắt ở vùng ven bờ. Đây là dấu hiệu rõ ràng của tình trạng khai thác quá mức ở vùng này. Số lượng loài có nguy cơ tuyệt chủng và cạn kiệt ngày càng tăng; năng suất đánh bắt và kích cỡ của các loài cá đều bị giảm. Tỷ lệ các loài cá có giá trị cao như cá thu, cá chim, cá hồng, cá song… giảm mạnh, thay vào đó là những loài cá tạp, kém chất lượng.

Ngư dân Nguyễn Duy Khanh (xã Phước Đồng, Nha Trang) phân tích: “Do làm ăn không có lãi, nhiều tàu thuyền không thể vươn ra biển xa để khai thác hải sản nữa, vì càng đi càng lỗ. Do đó, nhiều người cho tàu thuyền đánh bắt gần bờ, biết là hủy hoại môi trường và tận diệt nguồn lợi thủy sản nhưng đâu còn cách nào khác. Với gia đình tôi, để cầm cự với nghề, tôi đã cầm cố tàu để vay tiền ngân hàng. Tuy nhiên, khi đến ngân hàng tôi mới biết, chỉ có tàu vừa đóng mới có thể vay vốn. Hiện nay, đa phần tàu cá đã cũ nên không thể vay được, ngư dân đang khắc khoải để bám nghề”.

Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, cho biết hiện nay tỉnh Bình Thuận cũng gần như bất lực trong việc hỗ trợ ngư dân vay vốn, dù đã nhiều lần bàn bạc cùng các ngân hàng. Trong khi chúng ta đang khuyến khích ngư dân bám biển, rõ ràng vấn đề vốn vay là một trở ngại lớn.

Văn Ngọc

Tin cùng chuyên mục