Bán dần... công viên địa chất toàn cầu

Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là Di sản Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu. Đây là CVĐC đầu tiên của Việt Nam, cũng là công viên thứ hai tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, ý thức bảo vệ thiên nhiên của người dân địa phương vẫn còn nhiều điều đáng bàn.
Bán dần... công viên địa chất toàn cầu

Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là Di sản Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu. Đây là CVĐC đầu tiên của Việt Nam, cũng là công viên thứ hai tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, ý thức bảo vệ thiên nhiên của người dân địa phương vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Tỉnh Hà Giang đang nỗ lực thúc đẩy du lịch phát triển tại khu vực đặc biệt này. Ban Quản lý CVĐC cũng cho biết, ngay từ khi đi vào hoạt động đã tích cực tham mưu cho tỉnh Hà Giang quảng bá hình ảnh gắn với bảo vệ di sản địa chất. Lãnh đạo các huyện trong vùng CVĐC cũng khẳng định quyết tâm của địa phương mình về bảo vệ cảnh quan của CVĐC.

Ông Hạng Dương Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, cho biết việc khai thác đá cảnh đã bị cấm hoàn toàn tại địa phương. Chính quyền cơ sở và các xóm, thôn trên địa bàn cũng đã tích cực vào cuộc, vận động nhân dân chấm dứt hoàn toàn hoạt động khai thác đá cảnh, đá xây dựng tại các khu vực cấm nhằm bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái và địa mạo công viên địa chất cao nguyên đá.

Đá tại công viên địa chất bị tỉa dần làm đá cảnh.

Đá tại công viên địa chất bị tỉa dần làm đá cảnh.

Tuy nhiên, khi đến nơi địa đầu Tổ quốc, khách du lịch luôn được chào mời mua đặc sản của miền cao nguyên đá, đó là lan rừng và... đá. Lan rừng đủ các chủng loại khoe sắc, được người dân khai thác từ rừng thuộc các Khu bảo tồn thiên nhiên, bày bán công khai tại các chợ phiên, khóm nhỏ có giá chừng 10.000-20.000 đồng, khóm lớn cũng không đến 100.000 đồng. Song phần lớn số lan rừng khai thác được đều có tư thương từ biên giới sang thu mua toàn bộ với giá từ 200.000-400.000 đồng/kg, tùy thời điểm.

Tại chợ phiên xã Tùng Vài (huyện Quản Bạ), anh Vừ Mí Vàng ở xã Cao Mã Pờ vừa bán được 2 bó lan rừng, nhận gần 1 triệu đồng, hớn hở bảo: “Phiên trước 400.000 đồng/kg, phiên này có 200.000 đồng (chợ vùng cao họp 7 ngày/phiên). Không biết họ mua làm gì, chỉ biết họ mua thì mình bán, tuần nào cũng vào rừng lấy. Cây thấp thì leo lên lấy, cây cao không trèo được thì chặt đổ xuống  lấy”. Anh Vàng cũng công nhận xã đã phổ biến quy định không được khai thác lan rừng đem bán nhưng “bán được tiền, mình không lấy thì người khác cũng lấy, mình đem bán ở chợ chứ có bán giấu đâu mà sợ”.

Chủ tịch UBND xã Tùng Vài Cao Xuân Nghì khá bức xúc trước tình trạng tài nguyên của cao nguyên đá đang chảy qua biên giới. Theo ông Nghì, xã đã làm hết trách nhiệm của mình, việc còn lại thuộc các ngành chức năng như Kiểm lâm, Quản lý thị trường...

Khác với lan rừng, đá cảnh khai thác từ CVĐC Đồng Văn lại chủ yếu được đưa về các tỉnh miền xuôi để làm non bộ với giá rẻ mạt. Ngay tại xã Quản Bạ, chúng tôi đã xem cảnh mua bán diễn ra rất vui vẻ. Người phụ nữ bán đá xởi lởi trò chuyện, bảo đá này do chồng chị đào về. Được cái quanh nhà chỗ nào cũng toàn đá, chả việc gì phải đi xa, các nhà xung quanh nhà nào cũng đào đá, mua bao nhiêu cũng có nhưng muốn mua nhiều phải đặt trước mấy hôm vì đào được đến đâu có người mua hết luôn đến đấy.

Do tiện đường, xe ô tô thường xuyên đỗ lại mua đá. Mua một viên giá 30.000 đồng, trả 20.000 đồng cũng được. Mua nhiều chỉ 15.000 đồng thôi. Tài xế xe tải 30M-7554 đang chọn mua khá nhiều các khối đá cao khoảng 30-40cm, nặng trên dưới 10kg, hình thù rất đẹp cho biết mua về làm tiểu cảnh trang trí vườn nhà. Đá trên này hình thù đẹp nên mang về Hà Nội rất được chuộng. Thấy chúng tôi giơ máy ảnh chụp, người lái xe vội trả tiền rồi lái xe đi, trong khi đó người phụ nữ vẫn tiếp tục chào bán đá. Thấy chúng tôi xem mãi vẫn không ưng, chị ta ái ngại hẹn chiều quay lại sẽ có vô khối đá mới đào về, tha hồ mà chọn.

Thiết nghĩ, trước tình trạng xâm hại di sản quý như vậy, các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn kịp thời những vi phạm trước khi quá muộn.

Bạch Liễu

Tin cùng chuyên mục