Nguy cơ mới vùng sông nước ĐBSCL: Nước ngầm suy giảm

Nổi danh là một vùng sông nước, ngoài diện tích nước mặt vô cùng phong phú, ĐBSCL còn có một hệ thống nước ngầm cũng phong phú không kém. Thế nhưng, trong điều kiện bất lợi của thời tiết và việc chủ động đưa nước mặn vào sâu trong nội đồng nuôi tôm, khai thác nước ngầm vô tội vạ, người dân đang đẩy nước ngầm đến nguy cơ suy kiệt.
Nguy cơ mới vùng sông nước ĐBSCL: Nước ngầm suy giảm

Nổi danh là một vùng sông nước, ngoài diện tích nước mặt vô cùng phong phú, ĐBSCL còn có một hệ thống nước ngầm cũng phong phú không kém. Thế nhưng, trong điều kiện bất lợi của thời tiết và việc chủ động đưa nước mặn vào sâu trong nội đồng nuôi tôm, khai thác nước ngầm vô tội vạ, người dân đang đẩy nước ngầm đến nguy cơ suy kiệt.

Khai thác tràn lan

ĐBSCL hiện có hơn 400.000 giếng nước ngầm cùng hàng trăm trạm cấp nước tập trung khai thác nước ngầm quy mô lớn. Hiện các đô thị trong vùng như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau gần như sử dụng 100% nước ngầm phục vụ sinh hoạt, sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, người dân ở nhiều vùng ven biển, nhiễm phèn, khô hạn còn dùng nước ngầm sản xuất hoa màu, nuôi trồng thủy sản.

Trong khi đó, tình trạng tự nhiên của các tỉnh, nhất là vùng bán đảo Cà Mau, hết sức phức tạp. Cà Mau không có nguồn nước ngọt nào ngoài nước mưa. Bạc Liêu, Sóc Trăng có hơn nửa diện tích nhiễm mặn. Các tỉnh ven biển còn lại như Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Long An, nguồn nước ngọt sạch trên các sông, rạch, ao, hồ không đủ phục vụ cho nhu cầu của đời sống và sản xuất.

Hiện Cà Mau đang là địa phương dẫn đầu ĐBSCL về khai thác nước ngầm với 137.988 giếng đang sử dụng, tổng công suất gần 400.000m³/ngày. Khai thác mạnh nhất là TP Cà Mau với 67.608m³/ngày, huyện Trần Văn Thời 61.188m³/ngày, huyện Đầm Dơi 48.178m³/ngày… Đặc biệt, xã Tắc Vân, TP Cà Mau có mật độ khai thác cao chóng mặt: 252 giếng/km².

Ông Nguyễn Hữu Cầm, Trưởng phòng Tài nguyên nước và khoáng sản, Sở TN-MT Cà Mau, cho biết: “Dự án đưa nước ngọt từ Hậu Giang về Cà Mau phục vụ sản xuất, sinh hoạt đã phá sản từ nhiều năm qua. Đối với Cà Mau, nguồn nước ngầm đóng vai trò vô cùng quan trọng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”.

Các nhà máy chế biến thủy sản có nhu cầu sử dụng nguồn nước ngầm rất lớn. Bình quân, chế biến mỗi tấn sản phẩm cần sử dụng 40 - 50m³ nước thì hàng trăm nhà máy sẽ sử dụng nguồn nước ngầm và xả nước thải ra môi trường một lượng lớn. 

Người dân ở Cà Mau sử dụng giếng nước ngầm. Ảnh: H.PHONG

Người dân ở Cà Mau sử dụng giếng nước ngầm. Ảnh: H.PHONG

Tỉnh ven biển Bạc Liêu có 6.168 giếng thì chỉ có 72 giếng cấp nước sinh hoạt tập trung. Sóc Trăng có 75.000 giếng khai thác nước ngầm, trong đó có 59.000 giếng của người dân tự khai thác; số giếng còn lại do Công ty Cấp nước, Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn, các cơ sở sản xuất kinh doanh khai thác và sử dụng.

Ngoài ra, một thực trạng phổ biến là tại Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang... đang có rất nhiều giếng khai thác nước ở độ sâu 90 - 120m để pha với nước mặn phục vụ nuôi tôm sú. Ven TP Bạc Liêu, bà con khoan nước ngầm để tưới tiêu cho rau màu. Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cũng tham gia tích cực vào quá trình khoan nước, nhằm phục vụ nước sạch cho trẻ em nông thôn.

Điều đáng lo ngại là các địa phương ở ĐBSCL hầu như không thể kiểm soát, quản lý được việc khai thác, sử dụng nước ngầm. Đa phần các giếng nước ngầm vẫn do người dân tự tổ chức khoan để sử dụng. Ngay tại Cà Mau cũng chỉ mới thu thuế đối với việc khai thác nước ngầm để sản xuất nước đá tinh khiết.

Đến mực nước chết

Thực tế quan trắc động thái mực nước tại TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) cho thấy: Mực nước tĩnh tầng số 9 (từ 307m - 376m) suy giảm 4,85m; tầng 8 (từ 157m - 307m) giảm gần 2m. Theo cảnh báo của Phó giáo sư-Tiến sĩ Dương Văn Viện, Trường Đại học Thủy lợi, tầng nước ngầm ở ĐBSCL đã tụt giảm từ 12m đến 15m. Nếu không có các biện pháp cấp bách từ bây giờ thì dự báo mực nước ngầm tại nhiều địa phương ở ĐBSCL sẽ xuống tới mực nước chết vào năm 2014.

Theo các nhà khoa học, sự phân bố của các khối nước mặn (ngầm) ở ĐBSCL phức tạp cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Nhiều nơi, các tầng chứa nước ngọt và nước mặn nằm đan xen nhau. Trong khi đó, việc khai thác, sử dụng nước ngầm tại ĐBSCL chưa khoa học, còn rất lãng phí, dẫn đến nguy cơ nhiễm mặn và ô nhiễm nguồn nước rất cao.

ĐBSCL hiện có hàng ngàn giếng khai thác nước ngầm hư hỏng, không còn sử dụng. Trong đó, Cà Mau có 3.238 giếng, Bạc Liêu 1.700 giếng, Trà Vinh 1.600 giếng… Những giếng nước này đang bị bỏ phế, không được trám, lấp đúng kỹ thuật dẫn đến nguy cơ sụp, lún tầng khai thác, suy thoái tầng nước, nhiễm mặn, ô nhiễm nguồn nước ngầm rất lớn.

Đáng lo hơn, tại Cà Mau, nước ngầm tầng nông đã bị nhiễm mặn; tại Bạc Liêu, khoan đến 120m cũng chưa thấy nước. Ở Sóc Trăng, có nơi phải khoan đến 500m, việc khai thác nước ngầm quá mức (khoảng 41.512 giếng khoan) cũng làm cho tỉnh Trà Vinh “gần” hơn với mặt nước biển khoảng 2m - 2,5m.

Trong điều kiện khó khăn đó, pháp luật hiện nay cũng chưa có quy định nào cụ thể và rõ ràng về việc bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngầm, có chăng chỉ là những lời cảnh báo của các nhà khoa học. Nước ngầm không phải là tài nguyên vô hạn. Do vậy việc bảo vệ nguồn nước đang rất cần thiết, nhất là trong điều kiện bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

Theo các nhà khoa học, việc làm khẩn cấp hiện nay là nhanh chóng triển khai dự án lấp trám toàn bộ giếng hư hỏng, ngưng sử dụng; gấp rút khảo sát, đánh giá có hệ thống hiện trạng nước ngầm toàn vùng và đưa ra chính sách quản lý hợp lý; nhanh chóng lập đề án quy hoạch khai thác và sử dụng nước trên địa bàn; quản lý chặt chẽ việc khai thác nhằm ngăn chặn tình trạng sụt giảm tầng nước ngầm, lún mặt đất…

BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục