Các tỉnh Nam Trung bộ tập trung ứng cứu dân vùng lũ

An Bang
Các tỉnh Nam Trung bộ tập trung ứng cứu dân vùng lũ

(SGGPO). Sáng nay, 3-11, Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung – Tây Nguyên, cho biết: Từ chiều tối qua đến sáng nay, mưa đã giảm trên hầu hết các địa phương từ Bình Thuận đến Quảng Ngãi, lũ trên các sông bắt đầu xuống chậm, nhưng vẫn còn ở mức cao (trên dưới báo động 3). Dự báo, trong ngày hôm nay, lũ trên các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận tiếp tục xuống chậm. Trong khi đó, lũ trên các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum có khả năng lên trở lại và ở mức báo động 2, báo động 3; đặc biệt, lũ trên các sông ở Quảng Ngãi sẽ vượt mức báo động 3 từ 0,1 m đến 0,4 m.

Đến đầu giờ sáng nay, hầu hết các địa phương tỉnh Khánh Hòa tiếp tục bị ngập sâu từ 0,5 m đến 1,5 m. Tại Ninh Thuận, hàng ngàn ngôi nhà ven sông Cái Phan Rang thuộc 5 huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc, Ninh Sơn, Thuận Nam và TP. Phan Rang-Tháp Chàm bị ngập từ 1 m đến 3,5 m, nhiều vùng bị cô lập hoàn toàn. Đặc biệt tại Phú Yên do cả 3 hồ thủy điện Sông Hinh, Krông Hnăng, Sông Ba Hạ trên dòng sông Ba đồng loạt xả lũ với tổng lưu lượng 8.300 m3/giây nên khả năng nhiều vùng hạ du Phú Yên bị ngập lụt nặng nề trong những ngày tới.

Tràn Huỳnh Mai trên tuyến tỉnh lộ 640 nối thị trấn Tuy Phước đi các xã khu Đông huyện Tuy Phước (Bình Định) đã bị ngập sâu gần 1 m. Ảnh: Hoàng Trọng

Tràn Huỳnh Mai trên tuyến tỉnh lộ 640 nối thị trấn Tuy Phước đi các xã khu Đông huyện Tuy Phước (Bình Định) đã bị ngập sâu gần 1 m. Ảnh: Hoàng Trọng

Các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận đã tổ chức sơ tán 8.400 hộ/33.846 người đến nơi an toàn. Trong đó, Phú Yên đã di dời 321 hộ/1.178 người ở các vùng ven sông suối, trũng thấp, ven cửa sông của 2 huyện Tuy An, Đồng Xuân và thị xã Sông Cầu. Khánh Hòa đã di dời (chủ yếu là di dời tại chỗ) 1.525 hộ/6.452 người tại 6 huyện Vạn Ninh, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Khánh Sơn, 2 thị xã Cam Ranh, Ninh Hòa. Ninh Thuận đã di dời 6.554 hộ/26.216 người. Còn tại Đắk Lăk, 20 hộ dân tại Buôn Lêch, xã Krông Jin, huyện MĐrắc đã phải sơ tán do mưa lớn gây xói lở một số đoạn kênh của đập Ea Lai, Buôn Um và Buôn Pao; chính quyền đã di dời 3 hộ bị nước ngập nước đến nơi an toàn ở thôn 3 xã xã Jang Kang huyện Krông Bông. 

Theo thống kê chưa đầy đủ, đến đầu giờ sáng nay, mưa lũ đã làm 8 người chết (Phú Yên: 3 người; Khánh Hòa: 5 người); 7 người mất tích (Khánh Hòa: 1, Phú Yên: 1, Ninh Thuận 4, Bình Định: 1 người) và 2 người bị thương. Lũ lụt cũng đã làm cho 5.378 nhà bị ngập (Khánh Hòa: 481, Ninh Thuận: 4.897); 835 nhà bị đổ, sập, trôi; 78 nhà bị hư hại, tốc mái; hơn 17 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn trái bị ngập, hư hại. Tổng thiệt hại ước tính 400 tỷ đồng (Khánh Hòa 200 tỷ đồng, Ninh Thuận 200 tỷ đồng).

Mặc dù đến sáng nay, lũ đã rút, nhưng giao thông nhiều nơi vẫn bị chia cắt do bị ngập và sạt lở đất đá. Tại Phú Yên, các tỉnh lộ: 641, 642, 643, 646, 647 một số đoạn bị ngập từ 0,5 m đến 1 m gây ách tắc giao thông; tỉnh lộ: 644, 645, 649, 650 một số đoạn vẫn còn bị ngập, mặt đường xói lở, đi lại khó khăn. Tại Khánh Hòa, tuyến đường Khánh Lê Lâm Đồng bị sạt lở 3 vị trí, hiện đang được thu dọn, dự kiến ngày 5-11 sẽ thông tuyến, đường Nguyễn Tất Thành bị sạt lở 3 vị trí, hiện đã thông 1 làn xe, đường Lập Định – Suối Môn vẫn ách tắc giao thông do ngập và sập mố cầu tràn Vĩnh Thái, đường từ sân bay Cam Ranh đến cầu Long Hồ bị sụp cống, sạt lở 2/3 đường.

Tại  Ninh Thuận, giao thông bị tắt nghẽn do nước tràn qua mặt đường từ 0,5m -1 m trên các tuyến QL1A, QL 27, tỉnh lộ. Các tuyến giao thông liên huyện, liên xã, liên thôn ở các huyện Ninh Sơn, Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc, Thuận Nam và TP Phan Rang-Tháp Chàm bị ngập cục bộ từ 0,7 m đến 1 m, có nơi bị ngập trên 2m. Lực lượng công an tỉnh, công an các huyện và lực lượng xung kích tại chỗ tiếp tục túc trực để hướng dẫn an toàn giao thông.

Các địa phương vẫn rốt ráo huy động mọi lực lượng, phương tiện ứng cứu dân vùng trũng thấp, vùng bị chia cắt; sửa chữa các tuyến đường để nhanh chóng thông xe tại những điểm còn ách tắc.
Thực hiện lệnh hành quân khẩn cấp của Bộ Công an, từ chiều ngày 2-11, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Duyên Hải Nam Trung bộ (đóng tại Đà Nẵng) đã điều động 2 tiểu đoàn với hơn 100 cán bộ chiến sỹ khẩn trương triển khai lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn gồm: 5 xuồng máy cao tốc, 7 xe đặc chủng, hơn 300 áo phao cứu sinh; nhiều trang thiết bị cứu nạn cứu hộ và lương thực, thực phẩm kịp thời ứng cứu cho nhân dân vùng lũ tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà và Ninh Thuận.

Đến sáng nay, Trung đoàn Cảnh sát cơ động đã có mặt tại các địa phương triển khai công tác cứu dân trong vùng lũ lớn.

Nguyễn Hùng


Phú Yên: Huyện Đồng Xuân bị cô lập hoàn toàn

Đến 14 giờ chiều ngày 3-11, tại các huyện trong tỉnh Phú Yên, trời vẫn tiếp tục mưa, nhiều khu vực dân cư bị ngập nước, nhiều tuyến đường bị ách tắc, gây thiệt hại về người và của.

TP.Tuy Hòa, đến chiều 3-11, vẫn bị ngập nặng do nước lũ thượng nguồn và nước xả hồ thủy điện ngày 2/11 đổ về. Các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Công Trứ, Hùng Vương,… ngập nặng. Chợ Tuy Hòa (chợ lớn nhất TP) nước cô lập tứ phía, sáng nay các tiểu thương chuyển sang họp chợ trời tại ngã 5 ở TP.

Tại huyện Tây Hòa, khoảng 21 giờ ngày 2-11, anh Trần Minh Dương (21 tuổi), trú thôn Phú Nông (xã Hòa Bình 1, H.Tây Hòa, Phú Yên) trên đường về nhà, bị nước cuốn mất tích. Đến đầu giờ chiều 3-11, lực lượng cứu hộ mới tìm được xác. Trước đó, Phú Yên đã có 4 người chết và mất tích do lũ cuốn trôi.

Đến chiều ngày 3-11, đường Duy Tân, thành phố Tuy Hòa vẫn mênh mông nước. Ảnh: An Bang

Đến chiều ngày 3-11, đường Duy Tân, thành phố Tuy Hòa vẫn mênh mông nước. Ảnh: An Bang

Ông Nguyễn Văn Giảng (Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình 1) cho biết, nơi anh Dương bị nước cuốn nằm trong vùng ảnh hưởng của hệ thống thủy điện trên sông Ba; hiện tại, nhiều thôn trong xã Hòa Bình 1 đang bị nước lũ cô lập, người dân phải dùng ghe để lưu thông.

Tại Sơn Hòa, lãnh đạo huyện cho biết, đã tập trung phương pháp ứng phó, nếu có nước lớn. Hiện mực nước Sông Ba tại thị trấn Củng Sơn đạt cao trình 34,46m, xấp xỉ mức báo động 3. Rút kinh nghiệm mùa lụt bão 11/2009, những người dân ở vùng ven sông, suối như xóm Bãi Điều, khu phố Đông Hòa, thôn Thạnh Hội thuộc xã Sơn Hà đã chuẩn bị công tác phòng chống lụt bão an toàn.

Huyện Tuy An, đến 14 giờ ngày 3-11, mưa lũ đã làm ngập úng 160 ha lúa vụ 10-12, xói lở nhiều đập và kênh mương dẫn nước. Tại thôn Phú Hội và thôn Phú Lương (xã An Ninh Đông), lực lượng thanh niên xung kích, phối hợp với cán bộ chiến sĩ đồn Biên phòng 348 đang tập trung dùng 2.000 bao cát làm bờ bao để chắn sóng không cho triều cướng xâm thực thêm vào đất liền thuộc 2 thôn nói trên.

Theo Trung DBKTTV Phú Yên, dự báo từ  12 đến 24 giờ tới, lũ trên các sông duy trì ở mức cao và đạt mức trên dưới báo động 3: Sông Ba tại Củng Sơn dưới mức báo động 3, Sông Đà Rằng tại Phú Lâm ở mức báo động 3, Sông Kỳ Lộ tạ Hà Bằng dưới mức báo động 3, Sông Bàn Thạch tại Hòa Mỹ Tây: trên mức báo động III.

Từ sáng 2-11, huyện miền núi Đồng Xuân đã bị nước lũ cô lập hoàn toàn với các địa phương đồng bằng. Đến chiều cùng ngày, huyện Đồng Xuân đã di dời khẩn cấp 198 hộ dân với 823 nhân khẩu đến nơi an toàn

Nhiều nơi ở huyện Tuy An, bị chia cắt. Ngày hôm qua, tất cả học sinh trên địa bàn huyện đều phải nghỉ học. Ông Nguyễn Hữu Hành, Trưởng phòng Kinh tế huyện Tuy An, cho biết, lũ trên sông Bình Bá đã lên mức báo động 3 và đang tiếp tục dâng cao. UBND huyện Tuy An đã di dời khẩn cấp 39 hộ dân với 102 nhân khẩu tại các xã An Dân, An Ninh Đông và thị trấn Chí Thạnh đến nơi an toàn.

Quốc Thắng - Phan Phan - Hà Thanh - Đăng Trình

Hồ thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ không theo quy trình
do Thủ tướng Chính phủ quy định


Ngày 3-11, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành văn bản số 2458/UBND-KT về việc chấn chỉnh thực hiện quy trình vận hành hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện.

Văn bản nêu rõ: Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ trước khi xả lũ cường độ lớn (có thời điểm hơn 6.000m³/giây) đã không báo cáo UBND tỉnh, gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành di dời dân. Theo đó, Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ đã vi phạm điều 12 Quy trình vận hành liên hồ chứa theo quyết định 1757/QĐ-TTg ngày 23-9-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa các công trình thủy điện trên lưu vực sông Ba (gồm Sông Hinh, Sông Ba Hạ, Krông H’Năng, Ayun hạ và An Khê - KaNăk).

UBND tỉnh Phú Yên nghiêm khắc yêu cầu Công ty có biện pháp chấn chỉnh và thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành theo quyết định 1757 của Thủ tướng Chính phủ.

Hôm nay, mặc dù mực nước trong hồ Sông Ba Hạ đã giảm, lưu lượng lũ đổ về cũng giảm dần nhưng hồ vẫn xả lũ với lưu lượng khá lớn 4.700m³/giây. Đến 14 giờ chiều 3-11, lưu lượng xả còn 3.100m³/giây.

Xuân Quang


Bình Định: Lũ dâng nhanh, nhiều vùng bị cô lập

Từ đêm qua đến sáng nay (3-11), mực nước trên các sông ở Bình Định tiếp tục dâng cao. Đến 7 giờ sáng 3-11, mực nước sông Kôn tại Thạnh Hòa đã vượt mức báo động 2, mực nước sông Lại Giang tại An Hòa vượt báo động 1 là 0,8 m…

Tính đến trưa ngày 3-11, huyện An Lão đã có 45 ha lúa bị ngã đổ, bị ngập, 45 ha ngô và hoa màu bị mất trắng, 87 cống bị sói lở, 47 đập bổi bị sói lở, 2 cầu tạm và 5 chiếc xuồng bị trôi… Tổng thiệt hại là 1,7 tỉ đồng.

Sáng nay, 23.000 học sinh các cấp tiểu học và THCS trên địa bàn huyện Tuy Phước phải nghỉ học giữa chừng vì lũ dâng nhanh. Đê sông Gò Chàm tại xã Phước Hưng có đoạn bị lở sâu tới 1,5m. Theo ông Dương Minh Tân - Phó Chủ tịch xã Phước Hưng, mặc dù địa phương đã huy động lực lượng để cứu đê nhưng do nước lớn lại chảy xiết nên phải bó tay.

Các tuyến đường liên thôn, liên xã tại các xã phía Đông huyện Tuy Phước, Phù Cát, An Nhơn.. của tỉnh Bình Định đều bị ngập sâu từ 0,5 đến 1 m. Ảnh: Hoàng Trọng

Các tuyến đường liên thôn, liên xã tại các xã phía Đông huyện Tuy Phước, Phù Cát, An Nhơn.. của tỉnh Bình Định đều bị ngập sâu từ 0,5 đến 1 m. Ảnh: Hoàng Trọng

Hầu hết các xã khu đông huyện Tuy Phước như Phước Thắng, Phước Hoà, Phước Sơn, một số xã phía đông của huyện Phù Cát, An Nhơn, cùng nhiều khu dân cư phường Nhơn Bình, Nhơn Phú… thành phố Quy Nhơn đã bị lũ chia cắt, hàng ngàn nhà dân bị ngập nước. Tuyến đường ĐT 640 từ thị trấn Tuy Phước đi các xã khu đông của huyện Tuy Phước và các đường liên thôn, liên xã đã bị lũ chia cắt, có nơi ngập sâu từ 0,5 m đến 1m. Người dân phải dùng ghe, thuyền để đi lại. UBND các xã khu đông huyện Tuy Phước cũng đã huy động 10 xe tải để chở dân qua những đoạn bị ngập trên tuyến đường ĐT 640.

Ông Nguyễn Đình Huệ - Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: Tại các xã khu đông đã có 30% nhà dân bị ngập nước. Lũ đã vượt qua các tràn xả lũ ở đê Đông nên sẽ dâng nhanh trong chiều và tối nay (3-11). UBND huyện đã di dời 13 hộ dân ở xã Phước Thuận và huyện Tuy Phước. Nếu trong chiều ngày 3-11, nước lũ dâng lên đến mức báo động 3 huyện sẽ di dời khẩn cấp hơn 1.000 hộ dân tại các xã khu đông.

Hiện hồ Định Bình, hồ chứa nước lớn nhất tỉnh Bình Định, đã xả lũ với lưu lượng 200 m³/giây, mực nước tại hồ Núi Một cũng đã vượt qua bờ tràn với lưu lượng 45m³/giây, 42 hồ đập khác cũng đã xả nước với tổng lưu lượng khoảng 150m³/giây…

Sáng nay, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã cử 2 đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra và chỉ đạo các phương án phòng chống lũ.

Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các địa phương đặc biệt chú ý các cùng trũng thường xuyên bị ngập lũ, vùng núi thường xuyên bị sạt lở và các hồ chứa, phải đảm bảo an cho người dân cũng như phải sẵn sàng di dời dân, đề phòng lũ quét, lũ ống… Các hồ chứa nước phải liên tục theo dõi diến biến của thời tiết để xả lũ cho hợp lý, vừa phải đảm bảo đủ nước để phục vụ sản xuất vụ đông xuân sắp đến đồng thời phải biết điều tiết lưu lượng hợp lý để tránh gâp ngập lụt cho vùng hạ lưu...

HOÀNG TRỌNG


Quảng Bình nhận được 250 tỷ đồng và 3.000 tấn gạo.

Nhằm khắc phục hậu quả lũ lụt để ổn định đời sống nhân dân và phát triển sản xuất sau lũ. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 02/11/2010 Bộ Tài chính đã trích dự phòng ngân sách Trung ương từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho tỉnh Quảng Bình khắc phục hậu quả bão lũ; cứu đói, hỗ trợ dân sinh; khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các vùng bị thiệt hại do bão lũ với số tiền 250 tỷ đồng và 3.000 tấn gạo.

Theo báo cáo của Ban Cứu trợ tỉnh, tính đến 31-10-2010 đã có hơn 350 lượt tổ chức, cá nhân đến hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt gây ra với số tiền mặt là 35,6 tỷ đồng, hàng hoá quy ra tiền là 22,8 tỷ đồng. Phần lớn tiền và hàng trên đã được các tổ chức và cá nhân đưa trực tiếp về các địa phương. Ban Cứu trợ tỉnh cũng đã phân phối tiền (đợt 1) để thực hiện cứu trợ cho những gia đình có người chết, mất tích, bị thương nặng, nhà bị trôi... và hỗ trợ đời sống cho nhân dân các địa phương ngập nặng.

Nông dân vùng lũ ra đồng làm đất khôi phục sản xuất vụ Đông Xuân. Ảnh: Nhật Minh

Nông dân vùng lũ ra đồng làm đất khôi phục sản xuất vụ Đông Xuân. Ảnh: Nhật Minh

Các ngành, địa phương cũng đã đề xuất một số kiến nghị liên quan đến công tác cứu trợ ở cơ sở nhằm ổn định đời sống nhân dân, tiếp tục phát triển sản xuất. Đó là tập trung hỗ trợ về giống cây trồng, nhất là giống cho vụ đông xuân; hỗ trợ cho các gia đình có trâu bò, gia cầm bị chết và tàu thuyền bị chìm do lũ; hỗ trợ kinh phí để khôi phục các trạm bơm điện, đê điều, trường học; trợ cấp kinh phí cho các giáo viên trong vùng lũ...

Quảng Bình yêu cầu các địa phương, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm công tác cứu trợ khắc phục hậu quả lũ lụt; tiếp tục rà soát những mặt hàng cứu trợ còn tồn động để triển khai phân phối hết cho dân, vùng nào thiếu đói thì tiếp tục trợ cấp. Tỉnh sẽ hỗ trợ 100% giống vụ đông xuân cho những vùng bị lũ nặng.

Nhật Minh

Tin bài liên quan:

>> Mưa, lũ hoành hành các tỉnh Nam Trung bộ: Thủ tướng yêu cầu không để người dân bị đói, khát

>> Cứu hộ 3 tàu cá Bình Định gặp sự cố trên biển

>> Phú Yên lại đối mặt với lũ dâng cao

>> Các tỉnh Nam Trung bộ đối mặt với đợt lũ đặc biệt lớn

>> Lũ trên các sông từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận còn kéo dài nhiều ngày

Tin cùng chuyên mục