Mưa, lũ hoành hành các tỉnh Nam Trung bộ

Thủ tướng yêu cầu không để người dân bị đói, khát

PNJ ủng hộ đồng bào vùng lũ 500 triệu đồng
Thủ tướng yêu cầu không để người dân bị đói, khát

* 10 người chết và mất tích
* Hơn 12.000ha hoa màu bị hư hại
* TPHCM hỗ trợ khẩn cấp Ninh Thuận và Khánh Hòa 6 tỷ đồng
* Bạn đọc Báo SGGP đã ủng hộ đồng bào vùng lũ 4,3 tỷ đồng

Tính đến tối 2-11, tại các tỉnh Nam Trung bộ đã có 6 người chết và 4 người mất tích vì lũ lụt, 186 nhà bị sập đổ, gần 2.000 căn nhà bị ngập, thiệt hại hơn 12.000ha hoa màu. Trên quốc lộ 1A từ Ninh Thuận đi Khánh Hòa và quốc lộ 27, tỉnh lộ và các tuyến đường liên huyện, liên xã còn ngập sâu gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.

Nhiều ngôi nhà tại huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) bị nước lũ nhấn chìm. Ảnh: VĂN NGỌC

Nhiều ngôi nhà tại huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) bị nước lũ nhấn chìm. Ảnh: VĂN NGỌC

Ngày 2-11, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện khẩn số 1993/CĐ-TTg về công tác phòng chống mưa lũ, gửi các bộ ngành chức năng và UBND các tỉnh, thành phố Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, yêu cầu: Huy động mọi lực lượng, phương tiện thực hiện việc sơ tán dân cư ở ven sông, các khu vực thấp trũng bị ngập sâu, có nguy cơ ngập sâu, sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn, tổ chức hỗ trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho nhân dân tại các khu vực sơ tán, vùng bị ngập sâu, chia cắt, không để người dân bị đói, khát, rét, chỉ đạo kiểm tra, xử lý kịp thời các sự cố, đảm bảo an toàn cho hồ chứa, đê điều. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ trên địa bàn, chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” tổ chức dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, vật tư, phương tiện, lực lượng tại các địa bàn xung yếu, chủ động đối phó với tình huống mưa lũ lớn, ngập lụt trên diện rộng, chia cắt, sạt lở, lũ quét có thể xảy ra.

Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cũng có công văn yêu cầu các địa phương tiếp tục huy động mọi lực lượng, phương tiện, vật tư để tập trung cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích; tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ gia đình có người bị nạn, nhà bị sập, hư hỏng. Khắc phục sửa chữa các tuyến đường giao thông, nhanh chóng thông xe tại các điểm còn ách tắc.

Nhiều nơi tại các tỉnh Nam Trung bộ chìm sâu trong nước lũ. Ảnh: Văn Ngọc

Nhiều nơi tại các tỉnh Nam Trung bộ chìm sâu trong nước lũ. Ảnh: Văn Ngọc

Tối 2-11, lãnh đạo TPHCM đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa 6 tỷ đồng. Dự kiến, sáng nay (3-11), lãnh đạo TP sẽ cử đoàn đến trực tiếp Ninh Thuận, Khánh Hòa và chuyển thêm 10 tấn hàng (gạo, mì gói, quần áo) để động viên, chia sẻ với người dân vùng lũ hai địa phương này. Qua gần 1 tháng vận động, tính đến 16 giờ ngày 2-11, Ủy ban MTTQ TP đã tiếp nhận gần 33 tỷ đồng, hơn 162.000kg hàng hóa ủng hộ cho đồng bào vùng lũ các tỉnh miền Trung.

Chiều 2-11, đại diện Báo SGGP tại Khánh Hòa đã trao số tiền 12 triệu đồng hỗ trợ 6 gia đình có nạn nhân chết và mất tích do lũ lụt tại các tỉnh Nam Trung bộ, đây là số tiền do Ban Biên tập Báo SGGP hỗ trợ khẩn cấp giúp bà con bị thiệt hại do lũ sớm ổn định cuộc sống.

Cùng ngày, Bộ Y tế đã hỏa tốc cấp cho 5 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên, Lâm Đồng và Bình Định, tổng số 140 cơ số thuốc, 500 áo phao và 600.000 viên Cloramin B.

Nhóm PV

Xác xơ Ninh Thuận

Tối 2-11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận về công tác phòng chống lũ lụt. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, hiện tình hình mưa lũ đang phức tạp, trong những ngày tới sẽ điều máy bay đến các vùng còn bị cô lập để di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Địa phương tiếp tục chuẩn bị nhân lực, vật lực để sẵn sàng đối phó với 3 đoạn đê sông Dinh chạy qua các phường Phủ Hà, Mỹ Hương và Đạo Long có nguy cơ bị vỡ khi nước lũ từ thượng nguồn tiếp tục đổ về với lưu lượng lớn. Trước mắt, Ninh Thuận tạm ứng ngân sách địa phương để chăm lo cho dân, kiên quyết không để người dân bị đói, rét.

UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 20.000 tấn gạo, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác giúp 30.000 hộ người dân trong vùng ngập lũ; 100 tỷ đồng hỗ trợ người dân xây dựng lại nhà cửa bị sụp đổ và cơ sở hạ tầng bị hư hỏng; hỗ trợ 1.500 tấn lúa giống cho người dân tái sản xuất...

Chiều ngày 2-11, tại Ninh Thuận trời đã bớt mưa nhưng nước lũ từ thượng nguồn vẫn ào ào đổ về. Cộng với thủy triều dâng cao, lũ rút chậm nên nhiều xã của các huyện Thuận Bắc, Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước vẫn chìm trong nước lũ từ 1 đến 4m, các tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn bị chia cắt hoàn toàn. Nhiều tuyến đường ở TP Phan Rang - Tháp Chàm ngập sâu trên 1m, một số phường bị cô lập.

Người dân các địa phương trên chưa khỏi hết bàng hoàng nhìn cảnh hoang tàn do lũ gây ra. Những đồng nho trĩu quả, đồng lúa đang thời làm đòng, đồng muối, ao tôm đã bị lũ cuốn trôi. Tại thôn Phước Khánh, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, sau 2 ngày mắc kẹt trong lũ, anh Đào Xuân Quang được lực lượng cứu hộ đưa ra trong tình trạng đói lả. Nhưng anh vẫn chăm chăm nhìn ngôi nhà bị ngập đến mái và 3 sào nho sắp thu hoạch bị cuốn trôi và nấc từng tiếng: Sau lũ biết lấy gì để sống hả trời!

Còn tại thôn Hộ Diêm, xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải, sau 1 ngày đêm sống trên mái nhà, 6 người trong gia đình bà Nguyễn Thị Tiệm mới được lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi vùng lũ. Bà Tiệm khóc rũ: Tài sản cả nhà, gia súc, gia cầm trôi sạch rồi! Đó chỉ là 2 trong hàng ngàn hộ dân trắng tay vì lũ tại Ninh Thuận.

Thiên tai vẫn chưa tha vùng đất này, vì theo dự báo của Trung tâm khí tượng - thủy văn, Ninh Thuận tiếp tục có mưa trở lại, mực nước các sông suối trong tỉnh sẽ tăng trở lại trong một hai ngày tới, nhiều nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Ông Đỗ Hữu Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Lực lượng chức năng tiếp tục tổ chức di dời các hộ dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở, vùng bị ngập, vùng thấp trũng ven sông, ven biển về nơi an toàn, cứu đói và cung cấp nước uống giúp bà con các vùng lũ vượt qua hoạn nạn.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, tính đến cuối ngày 2-11, trên địa bàn tỉnh có 4 người mất tích; 4.897 nhà bị ngập, 436 nhà bị sập, đổ, hư hỏng hoàn toàn. Về sản xuất nông nghiệp, tổng diện tích bị ngập 11.897 ha, nguy cơ mất trắng hoàn toàn, gần 7.200 con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi... ước thiệt hại trên 200 tỷ đồng.

X.Bính - V.Ngọc

Tin cùng chuyên mục