Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn từ khi mô hình du lịch sinh thái cộng đồng rừng dừa Cẩm Thanh phát triển, cuộc sống người dân nơi đây thay da đổi thịt. Thu nhập bình quân đầu người đạt 31,5 triệu đồng/năm. Hộ nghèo chỉ còn 2 hộ thuộc diện bảo trợ xã hội.
Du khách xếp hàng tại một bến thúng
Sôi động làng quê
Con đường đến thôn 2 và thôn 7 xã Cẩm Thanh nay đã được bê tông hóa, sạch sẽ, xe cộ vào ra tấp nập. Từ một vùng quê heo hút giờ trở nên sôi động từ khi mô hình du lịch sinh thái vùng này phát triển. Hầu hết hộ dân trước đây sống bằng ngư nghiệp nay đã chuyển đổi sang nhiều nghề khác nhau, trong đó có nghề chèo thúng, một nghề mà nam phụ lão ấu đều làm được.
Hàng ngày, sau 9 giờ, con đường vào khu du lịch sinh thái Cẩm Thanh chật kín xe du lịch. Còn trên mặt nước, hơn 700 thuyền thúng neo chờ chở khách tham quan. Ông Lê Đình Bảy (76 tuổi, ngụ thôn 2, xã Cẩm Thanh) hào hứng cho biết nhờ chèo thúng đưa khách đi tham quan rừng dừa, ông kiếm được 300.000-400.000 đồng/ngày.
“Trước đây, làm nghề chài lưới, cuộc sống bấp bênh, cá đánh bắt được cũng chỉ đủ ăn. 2 năm qua, khi có mô hình du lịch sinh thái, tôi chuyển sang chèo thúng, vừa khỏe, vừa có tiền. Như tháng rồi, tôi tiết kiệm cũng được hơn chục triệu đồng”, ông Bảy chia sẻ.
Vợ chồng ông Nguyễn Giang (64 tuổi) và bà Phạm Thị Phải (61 tuổi), cũng ở thôn 2, cho biết có ngày “trúng mánh” khách “bo” 500.000 đồng, thu nhập từ nghề chèo thúng của hai vợ chồng ông khoảng 12-15 triệu đồng/tháng.
“Nếu so với đi biển, chèo thúng cho khách du lịch nhàn hơn cả chục lần. Vừa rồi, biển động 3 tháng, nếu không có cái nghề chèo thúng này thì cả làng đói hết. Hơn nữa, từ hồi có nghề này, thanh niên trong xã cũng không còn tụ tập, uống rượu thường xuyên như trước vì bận phục vụ khách du lịch”, ông Giang nói.
Con đường trải dài từ đầu thôn đến bến thúng, nhà hàng quán xá mọc lên san sát, đông nghịt khách nước ngoài. Quán của bà Trịnh Thị Nhạn (65 tuổi) ở thôn 2 trước đây chỉ là một quán bán cà phê cho tài xế. Từ khi du lịch phát triển, bà mở quán rộng thêm; anh con trai út cũng dẫn vợ con về phụ buôn bán với gia đình.
“Khách vô chừng, có bữa cả trăm khách nối đuôi nhau vô mua hàng, cả nhà không xoay xở kịp. Bình quân mỗi ngày gia đình tôi thu nhập 700.000-1 triệu đồng. Dân ở đây bữa nay thong thả cũng nhờ du lịch, chứ cái hồi đi biển, đến mùa mưa gió chỉ có ngồi khóc chờ thành phố cứu trợ thôi”, bà Nhạn cho biết.
Quán bà Nhạn bán đủ loại mặt hàng, từ cà phê giải khát đến bún, trái cây, nón mũ, hàng lưu niệm… Khách cần gì có đó. Theo bà, gần 2 năm qua, dân ở thôn ai cũng làm du lịch, chủ yếu là chèo thúng, hướng dẫn khách nước ngoài tham quan rừng dừa và bán hàng lưu niệm.
Anh Lê Văn Bình (27 tuổi), nhân viên Ban quản lý du lịch Cẩm Thanh, cho biết thu nhập của anh mỗi tháng khoảng 4 triệu đồng. Hiện ban có khoảng 35 người có nhiệm vụ tuần tra soát vé, giữ gìn an ninh trật tự trong khu vực, nhắc nhở và xử phạt những chủ hộ kinh doanh hay những thúng mở nhạc vượt quá quy định. “Nhờ du lịch nên nhiều người đỡ khổ. Tôi may mắn được vào làm ở đây, chứ trước đây cứ đụng đâu làm đó, công việc không ổn định...”, anh Bình tâm sự.
Cần giải pháp phát triển bền vững
Du lịch sinh thái Cẩm Thanh phát triển, ngoài việc chèo thúng, nghề làm tranh tre, dừa nước có bước phát triển khá tốt, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre, dừa của địa phương được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, các cơ sở chế biến sản phẩm mộc dân dụng sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng TP Hội An, năm 2017, khách du lịch là 82.526 người, tăng 76% so với năm 2016, doanh thu ước đạt 95,25 tỷ đồng, tăng 41,75 % so với năm ngoái.
Lượng khách tăng quá nhanh, phát sinh nhiều vấn đề như chèo kéo khách, tăng giảm giá hoặc phá giá, các hộ kinh doanh lớn lấn chiếm không gian trái phép, mở nhạc ầm ĩ làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và cả du khách. Vì vậy, cơ quan chức năng cần có một giải pháp căn cơ, để bình ổn và kiểm soát toàn bộ khu vực nhằm đảm bảo nhu cầu tham quan cũng như ổn định bền vững cuộc sống toàn bộ người dân trong khu vực.
Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh Lê Thanh cho biết trước đây thôn 2 và thôn 7 sống chủ yếu bằng ngư nghiệp. Mô hình du lịch sinh thái Cẩm Thanh phát triển đã giúp thay đổi đáng kể đời sống người dân. Thu nhập của người dân ngày càng nâng lên, con em có điều kiện được học hành, thành phố không còn phải hỗ trợ trong những mùa mưa bão, biển động như trước đây. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm qua từng năm. Năm 2017, 2 thôn còn khoảng 2 hộ nghèo, chủ yếu thuộc diện bảo trợ xã hội, thu nhập bình quân đầu người đạt 31,5 triệu đồng/năm. Du lịch phát triển khiến người theo ngư nghiệp cũng giảm, thời gian đi biển ít hơn.
“Hiện xã đã thành lập Ban quản lý du lịch Cẩm Thanh để quản lý kiểm soát hoạt động du lịch khu vực rừng dừa nước, tránh trường hợp tranh giành, bát nháo như trước. Đặc biệt, từ tháng 12-2017, UBND tỉnh cũng đã thống nhất cho ban quản lý tổ chức bán vé thí điểm và đã chính thức bán vé tháng 1-2018. Qua 1 tháng, có trên 42.000 lượt khách mua vé tham quan rừng dừa”, ông Lê Thanh cho biết.
Theo Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Dũng, lượng khách tăng nhanh là kết quả nổi bật minh chứng sức hút của điểm đến Cẩm Thanh nói riêng và Hội An nói chung. Bên cạnh niềm vui du lịch phát triển, người dân địa phương có cuộc sống no đủ, có công ăn việc làm, thành phố cũng đối diện nhiều thách thức, áp lực trong phát triển bền vững. Các quy hoạch, đề án về du lịch triển khai còn chậm so với tiến độ đề ra. Cơ sở hạ tầng, tiện ích phục vụ du lịch tuy được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ và đạt chuẩn để đáp ứng nhu cầu của du khách. Hiện thành phố đã triển khai phương án bán vé và kiểm soát vé chèo thúng, đội tuần tra luôn túc trực giữ an ninh và đảm bảo an toàn cho du khách.
“Việc triển khai các giải pháp về hạ tầng giao thông, xử lý môi trường, rác thải, nước thải hay xây dựng các khu vui chơi tại Cẩm Thanh và Cẩm Nam cũng đang được thành phố và các nhà đầu tư triển khai, phấn đấu trong năm 2018 này sẽ đưa vào hoạt động”, ông Dũng cho biết.