Lao đao vì hàng nhái

Làm hàng giả dễ bị phát hiện, xử phạt cũng nặng hơn. Trong khi đó, luật và các văn bản dưới luật về xử lý hàng nhái còn chưa rõ ràng, nên vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp khốn đốn vì hàng nhái! Thực tế này cũng đang xảy ra tại 2 công ty: Công ty liên doanh Bột Quốc Tế (Intermix) và Công ty TNHH Bột mì Đại Phong. 

Bao bì nhái gây nhầm lẫn

Suốt 2 tháng qua, 2 công ty Intermix và Bột mì Đại Phong phải thành lập tổ công tác chỉ để… đi kiện hàng nhái! Hai mặt hàng bán rất chạy của 2 công ty này là “Bột bánh xèo, bánh khọt Hương Xưa” Mikko và “Bột mì đa dụng (bột mì số 8)” đang bị một đơn vị khác làm nhái y hệt mẫu mã và tung ra bán khắp các chợ, từ thị trường miền Tây đến TPHCM.

Sản phẩm Hương Xưa và Hương Quê (có bao bì y hệt Hương Xưa) bày bán trên thị trường.

Ảnh: THANH HẢI

Đại diện Công ty Intermix cho biết, Intermix là công ty liên doanh với Nhật, nhờ áp dụng hệ thống quản lý và công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản nên gần 10 năm qua, các dòng sản phẩm bột bánh xèo, bột bánh khọt, bột bánh bao, bánh bông lan, bột mì đa dụng… thương hiệu Mikko của công ty bán rất chạy ở thị trường trong nước. Gần đây, doanh số sụt giảm, qua điều tra phản hồi từ hệ thống đại lý, Intermix mới phát hiện trên thị trường đang xuất hiện hàng nhái. Dòng sản phẩm Bột bánh xèo Hương Xưa bị nhái thành Hương Quê với mẫu mã bao bì giống hệt từ màu sắc đến kiểu chữ. Logo Intermix hình cầu vòng đỏ cũng bị nhái thành Vinamix giống hệt, chỉ khác mấy chữ cái đầu! Phía làm hàng nhái còn giới thiệu với tiểu thương các chợ rằng, đây là bao bì mới của bột bánh xèo Hương Xưa! 

Tại sạp hàng của tiểu thương Kim Chi thuộc chợ Cái Răng (TP Cần Thơ), chúng tôi thấy bày bán cùng lúc cả 2 thương hiệu bột bánh xèo Hương Xưa và Hương Quê trên quầy kệ. Chị Kim Chi cho hay: “Tôi cứ tưởng sản phẩm Hương Xưa thay đổi nhãn hiệu thành Hương Quê, nên lấy cả 2 loại cho khách hàng dễ lựa chọn, vì giá cả khá chênh lệch. Sản phẩm giống nhau đến mức khi giao hàng cho khách tôi bỏ nhầm Hương Quê vào thùng đựng Hương Xưa. Khách nhận hàng, phản ánh lại tôi mới biết”.

Công ty Bột mì Đại Phong cũng trong tình trạng tương tự. Lâu nay mặt hàng Bột mì số 8 hình trái táo đỏ trên bao bì bán rất chạy. Gần đây, thị trường xuất hiện nhân viên tiếp thị đến chào mời Bột mì trái lê nhưng logo quả táo đỏ trên bao bì thì y hệt quả táo và bao bì của Đại Phong. Tên nhà sản xuất hàng nhái cũng na ná luôn: Công ty Bột mì Đại Nam!

Ai bảo vệ doanh nghiệp chân chính?

Suốt 2 tháng qua, Công ty Đại Phong và Intermix phải chạy đôn chạy đáo từ văn phòng luật sư đến Cục Sở hữu trí tuệ, từ TPHCM đôn đáo ra Hà Nội để khiếu nại. Cuối cùng cũng đã có kết luận giám định từ Viện Khoa học sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và công nghệ (KH-CN). Cầm trong tay các văn bản này, doanh nghiệp lại tiếp tục gửi đơn kêu cứu đến Thanh tra Bộ KH-CN, Ban chỉ đạo 389, Cục Quản lý thị trường (QLTT) và chi cục QLTT các tỉnh, thành. Nói theo Bà Huỳnh Kim Chi, Giám đốc Công ty Bột mì Đại Phong, đó là: “Doanh nghiệp (DN) lâu nay chỉ biết làm ăn, đâu có nắm gì về luật, kiện cáo. Giờ bị tình trạng này, kêu cứu đủ các nơi, ai chỉ sao là làm vậy… Riêng chuẩn bị giấy tờ để kiện cáo (dù mình đã có quyền sở hữu trí tuệ, được bảo vệ nhãn hiệu) thì phải mất cả tổ công tác, mấy chục ký giấy… phối hợp với luật sư giải quyết”.

Trước những phản ánh của DN, Báo SGGP đã trao đổi với ông Phạm Tứ Phương, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long. Ông Phương cho biết: “Sau khi nhận được đơn của Công ty Bột mì Đại Phong và Intermix, sở đã gửi mẫu ra Bộ KH-CN để giám định tổng thể hai sản phẩm từ bao bì, màu sắc, hình ảnh, thương hiệu... Vừa qua, tại buổi làm việc giữa sở và Vinamix (công ty đang bị kiện làm nhái sản phẩm bột bánh xèo), công ty này đã thừa nhận sai, hứa sẽ thay đổi bao bì không in “nhãn hiệu và hình” bị kiện, đồng thời sẽ thu hồi sản phẩm sai phạm. Hiện sở đang chờ kết luận tổng thể từ Viện Khoa học sở hữu trí tuệ; đồng thời tiến hành thành lập lực lượng liên ngành để kiểm tra Vinamix đã khắc phục, thu hồi sản phẩm đến đâu.

Tính đến thời điểm này, cả Chi cục QLTT Vĩnh Long và Chi cục QLTT Cà Mau đều đang đợi kết luận mẫu kiểm định thu được. Còn tại TPHCM, Chi cục phó Chi cục QLTT Nguyễn Văn Bách cho biết, mới nhận được đơn phản ánh của công ty và ông đã chỉ đạo các đội QLTT chuyên trách tìm hướng xử lý nếu các sản phẩm bày bán ở TP, đồng thời đề nghị DN cung cấp các địa chỉ đang kinh doanh, phân phối sản phẩm Hương Quê tại TPHCM để QLTT dễ xử lý. Tức là, DN vẫn phải chờ đợi...

Còn một vấn đề khác, đó là theo luật định, nếu ban kiểm tra liên ngành cùng phối hợp ra quân xử phạt thì mức cao nhất áp dụng cho đối tượng vi phạm hàng nhái là… xử phạt hành chính. Nhiều trường hợp, DN khởi kiện ra tòa, nhưng chờ tòa xử thì cũng phải xếp hàng!

 “Mỗi ngày trôi qua, thiệt hại kinh tế từ việc sản phẩm bị làm nhái rất nặng nề. Công ty đã nhanh chóng gửi kết luận giám định đến chi cục QLTT các tỉnh miền Tây và TPHCM về việc này. Dù có kết luận sai phạm từ Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, nhưng nhiều tuần qua, sản phẩm bột bánh xèo Hương Quê vẫn bày bán tràn lan, sai phạm của Vinamix chưa được cơ quan chuyên trách xử lý đến nơi đến chốn. Sự việc này khiến đối tác nước ngoài phản ứng gay gắt, ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín, thị phần hàng chục năm gầy dựng”, đại diện Intermix bức xúc nói.

Trong bối cảnh Nhà nước kêu gọi tích cực hỗ trợ DN (ưu đãi vốn vay, cơ chế, chính sách…) thì ngoài thị trường, “cuộc chiến” về các sản phẩm nhái, giả mạo, gần giống nhau diễn ra gay gắt nhưng vẫn chưa có cách nào “hạ nhiệt”. Không thể để DN đơn độc trong hành trình tìm lại công lý, rất cần có sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan chuyên trách về mọi mặt.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Tin cùng chuyên mục