Thị trường nông sản nội địa - gần hay xa?

Trong năm 2017, cả 2 hiệp hội ngành hàng nông sản là gạo và thủy sản (cá tra) đưa ra mục tiêu: nội địa là thị trường cần phải khai thác thay vì các doanh nghiệp (DN) chỉ lo tìm kiếm thị trường ở các nước. Thật ra không phải bây giờ các DN xuất khẩu mới để mắt đến sân nhà.
Thị trường nông sản nội địa - gần hay xa?

Trong năm 2017, cả 2 hiệp hội ngành hàng nông sản là gạo và thủy sản (cá tra) đưa ra mục tiêu: nội địa là thị trường cần phải khai thác thay vì các doanh nghiệp (DN) chỉ lo tìm kiếm thị trường ở các nước. Thật ra không phải bây giờ các DN xuất khẩu mới để mắt đến sân nhà.

Manh nha từ cơn sốt lương thực năm 2008

Năm 2017 được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định là năm khó cho việc xuất khẩu gạo. Vì vậy, bên cạnh việc tích cực tìm kiếm thị trường mới, các DN chú trọng nhiều hơn đến thị trường nội địa. Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho rằng thị trường nội địa lúc này rất đặc biệt ở 2 điểm quan trọng: Khuếch trương lại nhãn hiệu, thương hiệu và có chiến lược giữ thị trường, nếu không sẽ bị lấn sân ngay. Các địa phương cần tham gia bằng việc giúp tổ chức hệ thống sản xuất lúa gạo như: Hệ thống canh tác để làm nền tảng tiến tới sản xuất hàng hóa lớn theo VietGAP; giúp nông dân sản xuất lúa sử dụng giống xác nhận từ 60% - 70% trở lên; hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, nối kết hậu cần logictics cho đồng bằng sông Cửu Long... Bắt đầu từ nhãn hiệu của DN, việc thuyết phục người tiêu dùng trong nước là cơ sở để xây dựng thương hiệu quốc gia.

  Xem giá chọn mua gạo trong nước tại siêu thị. Ảnh: THÀNH TRÍ

Vấn đề khai thác thị trường nội địa đã manh nha từ năm 2008 (khi xảy ra đợt sốt giá gạo ảo), bằng việc thành lập các cửa hàng bán lẻ để bình ổn thị trường, lập 2 trung tâm phân phối tại TPHCM và TP Cần Thơ. Nhưng hệ thống này gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. DN kinh doanh gạo nội địa phải đóng thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% nên giá bán luôn cao hơn gạo cùng loại của các tiểu thương, hộ cá thể. Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) lúc đó yêu cầu công ty thành viên xây dựng phương án củng cố và phát triển thị trường gạo nội địa. Một số công ty thành viên của Vinafood 2 tại ĐBSCL phát triển mảng kinh doanh nội địa như Sóc Trăng, Long An..; một số thương hiệu gạo đã có chỗ đứng trên thị trường. Nhưng để xây dựng được thương hiệu ngay tại chỗ không là chuyện đơn giản. DN không chỉ gắn kết với nông dân để có vùng nguyên liệu ổn định và đảm bảo chất lượng, mà còn phải trường vốn mới có thể trụ được vì cần thời gian dài.

Mỗi năm, thị trường nội địa tiêu thụ hơn 12 triệu tấn gạo, gấp 2 - 3 lượng gạo xuất khẩu, nhưng đây là 2 thị trường khác nhau. Kinh doanh nội địa, DN phải chịu 5% thuế VAT nên giá bán cao hơn các cửa hàng tư nhân. Ngoài ra phải kể đến thói quen của người tiêu dùng, chỉ có khoảng 5% người tiêu dùng sử dụng gạo đóng gói có nhãn hiệu với giá cao, trong khi 95% còn lại ăn gạo xá. Đó là lý do vì sao không ít DN nỗ lực khai thác thị trường ngay tại chỗ, xây dựng vùng nguyên liệu, gạo được đóng túi bán tại các cửa hàng, đại lý phân phối, siêu thị, nhưng hiệu quả còn hạn chế. Trong bối cảnh xuất khẩu ngày càng khó khăn, việc Nhà nước tham gia bằng việc tháo gỡ những vướng mắc như thuế VAT là điều cần sớm được giải quyết, để người tiêu dùng trong nước tiếp cận ngày càng nhiều đối với gạo đảm bảo về chất lượng và an toàn thực phẩm.   

Cá tra - lần trở về thứ hai

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dù năm 2016 xuất khẩu cá tra có tốt hơn nhưng khó khăn vẫn còn nhiều: Thị trường châu Âu 3 năm liên tục sụt giảm, do bị cạnh tranh gay gắt bởi thông tin xấu xuất hiện trên nhiều nước; Mỹ dù là thị trường chính, nhưng không chỉ gặp khó khăn về mức thuế chống bán phá giá từ 0,36 - 0,6USD/kg, mà Mỹ còn triển khai chương trình giám sát cá da trơn đối với cá tra từ Việt Nam. Trước đây, Mỹ xét tiêu chuẩn FSIS cho thịt heo và thịt gia cầm xuất vào Mỹ cho các quốc gia châu Á. Nhưng chưa có quốc gia châu Á nào đạt được chứng nhận tương đồng. Đây là thách thức trực tiếp cho việc xuất khẩu cá tra vào Mỹ thời gian tới. Vì vậy, năm 2017 và những năm tiếp theo chỉ trông chờ vào thị trường châu Á, nhất là Trung Quốc, khi năm 2016 tăng đến 90%. Nhưng cũng không thể đặt quá nhiều kỳ vọng như đã từng kỳ vọng vào thị trường Nga trước đây. Ai cũng biết, Trung Quốc là thị trường tiềm năng của nhiều mặt hàng nông sản nhưng cũng đã không ít lần ngậm trái đắng vì sự bất ổn và đầy rủi ro của thị trường này. Không chỉ VASEP mà ngay cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến cáo DN xuất khẩu cá tra nên chú ý nhiều hơn đến thị trường nội địa. Các DN xuất khẩu có thể tập trung khai thác thị trường trong nước thông qua phương thức đưa sản phẩm cá tra vào hệ thống các siêu thị, kênh bán lẻ trực tuyến...

Chọn mua rau sạch tại một cửa hàng bình ổn giá. Ảnh: THANH TÂM

Còn nhớ, đầu những năm 2000, khi bị Mỹ áp mức thuế chống bán phá giá lên mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh, các DN xuất khẩu cá tra cũng đã từng có cuộc “về sân nhà” khá rầm rộ để có thể tiêu thụ hết lượng cá nguyên liệu trong dân và đã có những thành công bước đầu. Rất tiếc, khi mở được cửa vào thị trường các nước EU và nhiều nước khác thì các DN thủy sản lơ là thị trường trong nước. Đây là lần thứ hai DN xuất khẩu thủy sản phải trở lại sân nhà trong bối cảnh việc xuất khẩu sang các thị trường chính gặp nhiều khó khăn. Ngành hàng gỗ chế biến nội, ngoại thất từng lao đao khi kinh tế thế giới bị khủng hoảng, cũng đã tìm đường quay về sân nhà, nhưng gần đây có vẻ như các DN “lơi tay” khi thị trường nước ngoài hồi phục. Điều này cho thấy, thị trường nội địa gần hay xa tùy thuộc vào sự định vị và quyết tâm của DN cùng hiệp hội ngành nghề. Sân nhà có chắc mới có thể bay cao, bay xa, như cách làm của Ấn Độ với mặt hàng nhân điều.

Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN-PTNT) nhận định, thủy sản cho thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng để phát triển. Sản lượng tiêu thụ nội địa những năm gần đây tăng trung bình 7%/năm, giá trị tiêu thụ cũng tăng xấp xỉ 14%...

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết, năm nay sẽ phối hợp với các bộ ngành, hiệp hội, tổ chức hội chợ chuyên về cá tra tại Hà Nội, nhằm tăng cường giới thiệu, xúc tiến thương mại các sản phẩm cá da trơn tới người tiêu dùng trong nước. Theo Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, khoảng 400.000 tấn sản phẩm thủy sản các loại, trị giá 15.000 tỷ đồng với nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú được tiêu thụ thông qua các hệ thống phân phối trong nước mỗi năm. Hạn chế hiện nay là thủy sản đông lạnh tại thị trường nội địa chỉ chiếm tỷ trọng khiêm tốn, do thói quen tiêu dùng người Việt ưa chuộng hàng tươi sống.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục