Phong phú đặc sản tết

Ghi nhận từ các chợ, mãi lực bắt đầu tăng mạnh sau ngày tiễn Táo quân 23 tháng Chạp. Không chỉ các loại đặc sản truyền thống quen thuộc, nhiều mặt hàng cao cấp, giá vài triệu đồng/ký, cũng được người tiêu dùng đặt mua.
Phong phú đặc sản tết

Ghi nhận từ các chợ, mãi lực bắt đầu tăng mạnh sau ngày tiễn Táo quân 23 tháng Chạp. Không chỉ các loại đặc sản truyền thống quen thuộc, nhiều mặt hàng cao cấp, giá vài triệu đồng/ký, cũng được người tiêu dùng đặt mua.

Khách chọn mua đặc sản Tết Đinh Dậu 2017 tại chợ An Đông vào chiều tối 25 tháng Chạp. Ảnh: GIA HÂN

Đặc sản... nhà làm

Được ưa chuộng và tìm mua nhiều là các loại thực phẩm “nhà tự làm”, không chất bảo quản, được người quen truyền miệng hoặc trên những “shop” facebook có uy tín, giao hàng tận nơi. Năm nay có rất nhiều loại mứt mới: Vỏ bưởi sấy vị chanh vừa dùng thay mứt, vừa trị, ngăn ngừa viêm họng của Trường Đại học Nông Lâm; các loại quả sấy dẻo tự nhiên như hồng sấy Đà Lạt, cam, chanh dây, xoài sấy dẻo, mứt rong sụn, mứt sung… với mức giá bán dao động từ 200.000 - 300.000 đồng/kg, tùy loại. Chính vì thông qua các mối bán hàng thân thuộc, được kiểm chứng qua các bữa ăn hàng ngày, nên đặc sản tết tự làm được nhiều khách hàng khó tính ưa chuộng.

Anh Lê Văn Tốt, ngụ tại Trường Chinh (quận Tân Bình), cho biết tết năm nào anh cũng đặt mua hàng của người quen ở Mường Phăng (Điện Biên) để ăn tết và làm quà biếu. Nào là thịt trâu (850.000 đồng/kg), lợn gác bếp (500.000 đồng/kg), rượu táo mèo, gạo nếp nương, nếp cẩm đủ loại... Riêng món cá kho làng Vũ Đại (có địa chỉ bán tại đường Nguyễn Văn Công, quận Gò Vấp) - một đặc sản miền Bắc nổi tiếng, luôn nhộn nhịp khách đặt hàng. Món đặc sản truyền thống này chế biến khá kỳ công, lựa từ loại cá trắm đen trên 5 kg/con, kho cá trong niêu đất 16 giờ liên tục bằng củi nhãn để tạo vị thơm, ngon…  Ông Nguyễn Bá Toàn, Giám đốc Công ty Thương mại đặc sản Việt Nam, cho biết tết này lượng khách đặt cá để ăn, làm quà biếu đi nước ngoài từ 20% - 30%. Giá mỗi niêu cá kho từ 1 - 3kg có giá lần lượt từ 500.000 - 800.000 đồng, niêu 4 kg giá 1 triệu đồng…

Đặc sản cao cấp hút khách

Các thương hiệu thịt, nấm, hải sản có giá bạc triệu năm nay được phân khúc khách hàng thu nhập cao quan tâm. Đại diện một số điểm bán thịt bò Kobe (Nhật Bản) tại quận 1, Tân Bình, quận 7 thừa nhận giới có tiền đã chuyển hướng tiêu dùng trong vài năm trở lại đây. Xu hướng tìm mua, thưởng thức đặc sản giá cao ngất ngưỡng thể hiện rõ nhất trong dịp tết này. Ghi nhận ở một điểm chuyên doanh thịt bò Kobe tại Nguyễn Thái Bình (quận 1), mặc dù giá thăn nội bò Kobe trên 4,5 triệu đồng/kg, nhưng nhiều khách hàng vẫn đặt 2 - 3 kg/phần để tặng người thân. Bên cạnh đó, thịt nai (thăn nội) New Zealand đang bán có giá gần 2 triệu đồng/kg; bào ngư xanh Tasmania (Australia) có giá 4,5 - 5,1 triệu đồng/kg (loại 4 - 8 con/kg, con càng lớn thì giá càng mắc); cá tuyết cắt khúc đánh bắt ở Đại Tây Dương, xuất xứ Na Uy có giá từ 900.000 - 1,2 triệu đồng/kg… đều bán rất chạy.

Tết Đinh Dậu, năm con gà, nên nhiều người tiêu dùng cũng “đua” đặt gà Đông Tảo ăn thử cho biết. Mức giá thị trường dao động từ 400.000 - 600.000 đồng/kg tùy nơi bán. Trước đây, loại gà sang chỉ dành để tiến vua này cực hiếm, khó mua, giá “trên trời”, nay thì dễ mua hơn do người nuôi và bán nhiều hơn. Theo ông Vũ Ngọc Tuấn, chủ một trang trại gà Đông Tảo ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai), trang trại ông vừa cung cấp cho thị trường tết này hơn 1.000 con gà, với mức giá dao động từ 300.000 - 350.000 đồng/kg, mỗi con đạt trọng lượng trung bình 3 -4 kg, giá gà trống mắc hơn gà mái 50.000 đồng/kg.

Cuối năm, cả người bán, người mua đều tất bật với trăm công ngàn việc. Người bán vội kinh doanh, người tiêu dùng ít thời gian rảnh để có thể chuẩn bị đủ đầy mâm cỗ tết, quà biếu, tặng… Việc tìm mua hàng thực phẩm trực tuyến, giao tận nhà, sau khi đã dùng thử trong năm, chiếm lượng lớn. Tuy nhiên, mua bán qua mạng cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh”. Tết đến, nhu cầu mua bán qua mạng tăng cao hơn, nên người mua cần cảnh giác bởi đây cũng là thời điểm “làm ăn” của những kẻ thiếu lương tâm, bán hàng chụp giựt thu lợi bất chính. Điển hình như trường hợp một số bạn đọc Báo SGGP cách đây ít ngày mua nhầm hộp bánh có giá gần 100.000 đồng, nhưng khi khui ra chỉ có 3 chiếc bánh quy nhỏ bằng đồng xu; hay một trường hợp khác chọn mua nem chua đặc sản đã bị lừa vì đằng sau lớp vỏ dày chỉ là mẩu nem nhỏ xíu, thậm chí chỉ là cục đá cuội!

 Khách nước ngoài tấp nập mua đặc sản Việt

Ghi nhận nhanh của phóng viên trong ngày 24-1 (nhằm ngày 27 tháng Chạp), tại một số chợ truyền thống chuyên doanh đặc sản khô sỉ và lẻ của TPHCM như Bến Thành (quận 1), An Đông (quận 5), Bình Tây (quận 6)…,  khách mua sắm tăng mạnh. Trong số đó, nhiều du khách lựa mứt trái cây sấy khô (hồng, sung, kiwi, dừa nước…), khô cá các loại để gửi ra nước ngoài biếu, tặng người thân. Một số tiểu thương chợ Bến Thành cho biết, thông thường, khách đặt hàng tết đi các nước cách nay khoảng 20 - 30 ngày. Bà Ngô Thị Thanh Hồng, Phó ban Quản lý chợ An Đông, thông tin các khách hàng đến từ Đài Loan (Trung Quốc) chọn mua đặc sản tết mấy ngày này tăng mạnh. Giá bán các mặt hàng đặc sản cũng tăng từ 10% - 20% so với ngày bình thường.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục