Cần cơ chế cho xăng sinh học

Trao đổi quanh nội dung bài: “Nhiên liệu sinh học bế tắc đầu ra”, đăng trên báo SGGP ngày 6-1, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như cơ quan quản lý đều thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có cơ chế chính sách phù hợp để thực hiện bằng được lộ trình đã đưa ra.
Cần cơ chế cho xăng sinh học

Trao đổi quanh nội dung bài: “Nhiên liệu sinh học bế tắc đầu ra”, đăng trên báo SGGP ngày 6-1, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như cơ quan quản lý đều thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có cơ chế chính sách phù hợp để thực hiện bằng được lộ trình đã đưa ra.

Tổng Giám đốc Công ty Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) TRẦN THẾ TRUYỀN:

Xem xét lại cách tính thuế, phí

Thời gian qua, liên Bộ Công thương và Tài chính đưa ra quy định việc tính giá cơ sở cho xăng sinh học E5 RON92 mới chỉ giải quyết phần tính chi phí, chứ chưa đạt được mục tiêu cuối cùng là làm cách nào khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng sinh học. Trong khi mục tiêu quan trọng nhất là giải quyết vấn đề môi trường, sau đó là hỗ trợ nông dân, những người làm nông nghiệp để sản xuất nguyên liệu E100.

Chính vì vậy, theo chúng tôi cần có chính sách rõ ràng. Có thể áp dụng đồng thời sử dụng xăng E5 và xăng khoáng RON 92 (còn gọi là A92), nhưng mức chênh lệch giá bán lẻ theo cách tính hiện nay là quá thấp, không khuyến khích người tiêu dùng sử dụng. Theo chúng tôi, khoảng cách giá bán lẻ giữa 2 loại xăng trên nên chênh lệch ít nhất 1.000 đồng/lít. Để đạt được khoảng cách này, thứ nhất cần giảm giá nguyên liệu E100. Bởi theo bảng tính giá cơ sở, giá nguyên liệu E100 hiện chỉ cao hơn giá (CIF + thuế nhập khẩu) xăng A92 là 234 đồng/lít. Với biện pháp giảm giá nguyên liệu, có thể hỗ trợ nông dân và những người sản xuất nông nghiệp sản xuất E100 từ ngân sách nhà nước. Mặt khác, áp dụng tăng thuế môi trường đối với xăng khoáng cao hơn hiện nay 1.000 đồng/lít (thuế môi trường xăng khoáng là 4.000 đồng/lít), giữ nguyên thuế môi trường đối với xăng E5 như hiện nay.

Đổ xăng sinh học E5. Ảnh: THÀNH TRÍ

Giải pháp khác, chỉ sử dụng xăng E5 và loại bỏ hoàn toàn xăng khoáng A92. Theo đó, đề nghị khoảng cách giá bán lẻ giữa xăng khoáng A95 và xăng E5 chênh lệch ít nhất 1.500 đồng/lít; song song với áp dụng cách tính thuế môi trường như đã nêu. Trong cả hai cách trên, khi áp dụng tăng thuế môi trường đối với xăng khoáng hoặc tăng thuế môi trường đối với xăng khoáng A95 đều không ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước. Có như vậy mới tạo ra mức chênh lệch giá hợp lý thu hút người tiêu dùng sử dụng xăng sinh học.

Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM NGUYỄN HUỲNH TRANG:

Giảm giá bán, hỗ trợ nhà máy sản xuất ethanol

 Như Báo SGGP cũng như các đầu mối kinh doanh xăng dầu phản ánh, hiện nay các nhà máy sản xuất nguyên liệu trong nước đóng cửa, hoạt động cầm chừng dẫn đến nguồn nguyên liệu của nguồn cung ethanol không ổn định, khiến chi phí thu mua, chế biến, tỷ lệ hao hụt cao trong quá trình bảo quản, dẫn đến chi phí sản xuất ethanol cao và giá thành xăng sinh học E5 cao. Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn giữ thói quen truyền thống, dẫn đến việc kinh doanh xăng sinh học E5 không hiệu quả. Đến nay, đã có một số doanh nghiệp có văn bản đề nghị Sở Công thương về việc tạm ngưng kinh doanh xăng E5, do sản lượng bán ra rất thấp và mức chiết khấu không cao, không bù đắp được chi phí hoạt động của cửa hàng.

Trước thực trạng trên và để triển khai thực hiện áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống hiệu quả theo lộ trình của Chính phủ, Sở Công thương TPHCM cũng đã có kiến nghị gửi cơ quan chức năng. Trước mắt, cần xây dựng chính sách, tạo điều kiện, hỗ trợ các nhà máy sản xuất ethanol tái hoạt động; có kế hoạch đảm bảo nguồn cung E100 (ethanol) cho sản xuất, phối trộn xăng sinh học E5, đảm bảo an ninh năng lượng trong trường hợp triển khai đồng loạt thay thế toàn bộ xăng khoáng A92 bằng xăng sinh học E5. Nghiên cứu cơ chế hỗ trợ, chính sách giảm thuế, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt (hiện nay doanh nghiệp phải đóng 10% đối với xăng khoáng và 8% đối với xăng E5), chiết khấu hoa hồng, phí, môi trường… để giảm giá thành nguồn ethanol, giảm giá bán xăng sinh học E5 thấp hơn giá bán xăng khoáng A92 khoảng 1.000 - 2.000 đồng/lít, tạo yếu tố hấp dẫn, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng. Ngoài ra, hỗ trợ một phần chi phí pha chế, sản xuất, lưu thông, bảo quản xăng E5 nhằm giảm áp lực, khó khăn cho các doanh nghiệp. Ban hành, sửa đổi các quy định về đánh giá, chứng nhận hợp quy, sử dụng phụ gia, tiêu chuẩn, quy chuẩn để hỗ trợ doanh nghiệp pha chế, sản xuất xăng sinh học E5, tránh vướng mắc về kỹ thuật cũng như quy định về quản lý nhà nước.

Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Bộ Công thương NGUYỄN PHÚ CƯỜNG:

Kiên trì thực hiện theo lộ trình

Hiện nay, việc cung cấp ethanol nhiên liệu để phối trộn lượng xăng sinh học E5 chủ yếu từ 2 nhà máy nhiên liên sinh học của Công ty TNHH Tùng Lâm với tổng công suất 150.000 tấn/năm, đủ để phối trộn 3 triệu tấn xăng sinh học E5/năm. Giá bán khoảng 13.000 đồng/lít. Tuy nhiên, lợi nhuận doanh số và chiết khấu chưa đủ mạnh để khuyến khích các đại lý và cửa hàng xăng dầu tham gia kinh doanh xăng E5. Việc xây dựng, lắp đặt trang thiết bị, phụ trợ, bồn bể, các cột bơm xăng E5 tại các đại lý và cửa hàng xăng dầu đòi hỏi đầu tư về mặt bằng cũng như nguồn vốn, dẫn đến các chủ cửa hàng còn nhiều do dự, ngần ngại đầu tư.

Bên cạnh đó, việc tồn tại trên thị trường hai loại xăng khoáng A92 và E5 đã gây tâm lý không tốt cho người tiêu dùng cũng như khó khăn cho cơ quan quản lý và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong tổ chức sản xuất kinh doanh, quản lý chất lượng và chống gian lận thương mại… Để đạt được mục tiêu đưa xăng E5 ra thị trường thay thế dần dần xăng khoáng A92, Bộ Công thương kiến nghị cho phép tồn tại song song hai loại xăng khoáng RON 92 và E5 RON 92 đến hết ngày 31-12-2017. Kể từ ngày 1-1-2018 chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95.

LẠC PHONG ghi

Tin cùng chuyên mục