Nhiên liệu sinh học bế tắc đầu ra

Xăng sinh học (E5) bán nhỏ giọt khiến hàng loạt nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (ethanol) đang rơi vào tình cảnh “sống dở chết dở”. Mục tiêu triển khai bán đại trà loại xăng này khó đạt được.
Nhiên liệu sinh học bế tắc đầu ra

Xăng sinh học (E5) bán nhỏ giọt khiến hàng loạt nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (ethanol) đang rơi vào tình cảnh “sống dở chết dở”. Mục tiêu triển khai bán đại trà loại xăng này khó đạt được.

Đầu tư xong… trùm mền

Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 177 về việc phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” tại Việt Nam, với mục tiêu tổng quát là phát triển nhiên liệu sinh học (ethanol), góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.

Theo đó, một số chỉ tiêu cụ thể được đề ra như đến năm 2010, xây dựng và phát triển được các mô hình sản xuất thử nghiệm và sử dụng ethanol quy mô 100.000 tấn xăng sinh học E5 và 50.000 tấn dầu sinh học B5/năm, bảo đảm đáp ứng 0,4% nhu cầu xăng dầu của cả nước; đến năm 2025 sẽ sản xuất khoảng 2,1 tỷ lít ethanol, đáp ứng 5% tổng nhu cầu xăng dầu…

Ngay sau khi chương trình này được triển khai, hàng loạt dự án sản xuất ethanol nhanh chóng ra đời. Theo thống kê của Bộ Công thương, đến đầu năm 2015 cả nước có 7 nhà máy sản xuất ethanol, với tổng vốn đầu tư hơn 8.400 tỷ đồng.

Đổ xăng E5. Ảnh: THÀNH TRÍ

Không chỉ đầu tư vào nhà máy sản xuất ethanol, nhiều doanh nghiệp đã chi thêm một khoản chi phí lớn để đầu tư vào hệ thống phối trộn, điểm bán xăng sinh học (E5). Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, việc sản xuất ethanol không mang lại lợi nhuận mong muốn, xăng E5 cũng gặp khó khăn khi tiêu thụ nhỏ giọt. Do vậy, chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, các nhà máy sản xuất ethanol đều trong tình trạng hấp hối, lần lượt đóng cửa, ngừng hoạt động.

“Có nhà máy đã xây xong nhưng đóng cửa khi chưa kịp hoạt động. Có nhà máy đi vào hoạt động nhưng nợ nần, nguy cơ phá sản. Có nhà máy xây giữa chừng bỏ dở, chôn vốn hàng ngàn tỷ đồng… Bởi với sức tiêu thụ xăng E5 trên thị trường hiện nay, nếu doanh nghiệp tiếp tục bám trụ thì càng lỗ nặng, sản phẩm làm ra chỉ tồn kho hoặc bán dưới giá vốn”, đại diện một doanh nghiệp sản xuất ethanol trần tình.

Báo cáo mới nhất của Bộ Công thương nhìn nhận, cả nước hiện có 4 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học, nhưng chỉ nhà máy của Công ty Tùng Lâm còn hoạt động. Việc cung cấp ethanol nhiên liệu để phối trộn lượng xăng sinh học E5 chủ yếu từ 2 nhà máy nhiên liệu sinh học của doanh nghiệp này với tổng công suất 150.000 tấn/năm, chỉ đủ để phối trộn trên 3 triệu tấn xăng sinh học E5/năm.

Khó triển khai đại trà

Tính riêng tại TPHCM, sau một năm triển khai đưa xăng E5 vào thị trường cũng chỉ đạt hơn 50% theo yêu cầu Chính phủ đề ra. Sản lượng cung ứng chiếm 4,2% tổng sản lượng xăng tiêu thụ toàn địa bàn.

“Giá xăng E5 chênh lệch với xăng khoáng không nhiều nên không thu hút người dùng. Bên cạnh đó, mức chiết khấu không cao khiến doanh nghiệp không mặn mà với mặt hàng này. Chưa kể, nguồn cung hiện nay khá bấp bênh do hầu hết nhà máy sản xuất ethanol đều đã đóng cửa. Do đó, nếu không có chính sách đột phá, chủ trương tiêu thụ xăng E5 đại trà trong cả nước khó thực hiện được”, đại diện Phòng Thương mại Sở Công thương TPHCM nói.

Trước viễn cảnh tiêu thụ èo uột của xăng E5, mới đây Sở Công thương TPHCM và đại diện nhiều doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đã có kiến nghị Bộ Công thương xem xét lùi thời gian triển khai đại trà xăng sinh học E5 trên toàn quốc trong năm 2017.

Theo Sở Công thương, tính đến tháng 10-2016, tại TPHCM đã có trên một nửa trong tổng số hơn 500 cửa hàng xăng dầu tham gia phân phối xăng sinh học E5. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ bình quân chưa cao, chỉ đạt 8.330m³/tháng. Do đó, để thu hút sự quan tâm của người sử dụng, Sở Công thương kiến nghị giảm thuế, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt, chiết khấu hoa hồng, phí môi trường để giảm giá xăng E5.

Trong văn bản kiến nghị, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho rằng, không mặn mà bán xăng sinh học một phần do nguồn nguyên liệu đầu vào - nguồn cung ethanol - và đầu ra không ổn định. Chưa kể tỷ lệ hao hụt cao trong quá trình vận chuyển, bảo quản và việc đầu tư các máy pha trộn, hệ thống bể chứa khiến chi phí của doanh nghiệp đội lên nhiều.

Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Nga, Đại học Quốc gia TPHCM, việc các nhà máy sản xuất xăng E5 thua lỗ chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới mục tiêu thay thế hoàn toàn xăng truyền thống bằng xăng sinh học E5. Do đó, Chính phủ phải có những chính sách hợp lý hơn để việc thay thế diễn ra suôn sẻ; có thể cho doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực xăng sinh học hoặc nhập khẩu từ nước ngoài nếu giá thấp hơn xăng truyền thống...

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục