Áp lực lớn từ hệ thống phân phối ngoại

Thị trường ngày càng dày đặc nhà phân phối ngoại, doanh nghiệp (DN) Việt có nguy cơ bị đánh bật khỏi kênh phân phối hiện đại vì nhiều loại phí và mức chiết khấu đòi hỏi quá cao. Đó là băn khoăn của hàng trăm DN, các nhà phân phối nội tại hội nghị thực trạng ngành bán lẻ Việt Nam, diễn ra ngày 3-6 tại TPHCM.
Áp lực lớn từ hệ thống phân phối ngoại

Thị trường ngày càng dày đặc nhà phân phối ngoại, doanh nghiệp (DN) Việt có nguy cơ bị đánh bật khỏi kênh phân phối hiện đại vì nhiều loại phí và mức chiết khấu đòi hỏi quá cao. Đó là băn khoăn của hàng trăm DN, các nhà phân phối nội tại hội nghị thực trạng ngành bán lẻ Việt Nam, diễn ra ngày 3-6 tại TPHCM.

Đuối sức với trăm kiểu tăng phí

Thống kê doanh thu từ các hệ thống phân phối hiện đại cho thấy, doanh thu trung bình năm của hệ thống Co.opmart là 26.000 tỷ đồng/năm, Vingroup 8.000 tỷ đồng, Satra 1.500 tỷ đồng, Citimart 1.000 tỷ đồng, Metro 13.000 tỷ đồng, Big C 13.000 tỷ đồng, Group Aeon 6.000 tỷ đồng, Lotte mart 5.000 tỷ đồng, Emart 500 tỷ đồng. Đặc biệt, doanh thu từ hệ thống cửa hàng tiện ích với khoảng 800 cửa hàng (thuộc hệ thống phân phối ngoại) là 4.000 tỷ đồng/năm. Từ đó có thể thấy, cán cân doanh thu thị trường bán lẻ trên kênh phân phối hiện đại đã nghiêng về khối DN ngoại khi đạt mức 53% trên tổng doanh thu. Số còn lại thuộc hệ thống phân phối nội mà chủ yếu chỉ tập trung vào Co.opmart.

Mua củ quả VietGAP tại một siêu thị trong nước. Ảnh: CAO THĂNG

Cùng với tỷ lệ cán cân doanh thu nghiêng về nhà phân phối ngoại thì áp lực tồn tại và cạnh tranh của DN Việt ngay trên thị trường sân nhà cũng ngày càng lớn. Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho biết sự đổ bộ của các DN phân phối nước ngoài đến với một quốc gia sẽ kéo theo một loạt hàng hóa thương hiệu ngoại đến với người tiêu dùng bản địa. Nhà phân phối có toàn quyền lựa chọn sản phẩm trưng bày trong không gian của mình. Tại hệ thống siêu thị Metro đã thấy khá rõ điều đó, thời gian đầu khi vào Việt Nam thì ưu tiên bán hàng Việt Nam, nhưng càng về sau, hàng Việt dần bị loại bỏ và thay vào đó là sản phẩm của các nước khác như Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Việc loại bỏ sản phẩm Việt Nam cũng được họ tiến hành rất “hợp lý”. Ông Hưng nhấn mạnh, họ buộc các DN trước khi đưa hàng vào siêu thị phải trải qua một quy trình đăng ký, kiểm tra, kiểm định chất lượng rất phức tạp. Mặt khác, DN phải trả hàng loạt các chi phí như trưng bày, phí mở mã hàng, phí thuê quầy kệ, quảng cáo hay thưởng doanh số… Mức chi phí này cũng được tăng rất tùy tiện theo từng năm. Đơn cử như chi phí chiết khấu thương mại từ 20% - 30%/năm và tăng thêm từ 1% - 3%/năm. Ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bibica, cho biết năm 2015, công ty phải trả chi phí quầy kệ cho một siêu thị là 1,2 tỷ đồng nhưng đến năm nay, công ty được thông báo tăng mức chi phí thuê quầy kệ lên 2,2 tỷ đồng mà không có bất kỳ lý do nào. Đó là chưa kể, nhà cung cấp càng lâu, càng trung thành thì lại càng phải chịu mức chiết khấu thương mại càng cao.

Chưa hết, khi các bên phân phối thực hiện các chương trình khuyến mãi hoặc mở các điểm bán mới, DN cung ứng hàng phải hỗ trợ chi phí khuyến mãi bằng cách giảm giá bán từ 15% - 30% trong thời gian 10 - 30 ngày. Ngoài ra, DN còn phải chi thêm những khoản chi phí không chính thức cho nhân viên siêu thị để hàng được đưa lên quầy kệ nếu không hàng sẽ bị nhét trong kho... 

Liên kết hoặc chết trên sân nhà

Trước thực tế trên, một vấn đề mấu chốt, cấp bách được các DN đặt ra tại hội nghị là cần phải thực hiện tăng cường tính kết nối giữa các nhà sản xuất nội địa nếu không muốn bị đánh bật ngay trên sân nhà. Kinh nghiệm từ việc các DN cung ứng thủy, hải sản đàm phán thành công mức chiết khấu thương mại với một số hệ thống phân phối ngoại vừa qua là một điển hình. Khi tạo được tiếng nói chung, các DN đã buộc các nhà phân phối ngoại không những không được tăng mức chiết khấu thương mại như thông báo mà còn phải giảm mức chiết khấu nếu muốn có hàng phục vụ thị trường. Do vậy, cần phát huy hơn nữa vai trò của các hiệp hội, hội ngành nghề trong việc kết nối giải quyết những khó khăn của DN trước những chính sách phi lý mà nhà phân phối đang thực hiện. Bên cạnh đó, ông Chiến cho rằng, DN nên nhân rộng mô hình chia sẻ hạ tầng phân phối. Theo đó, những DN không cùng ngành hàng vẫn có thể liên kết để cùng sử dụng hạ tầng hệ thống phân phối nhằm giảm chi phí đầu tư ban đầu, vừa giúp tránh phụ thuộc hệ thống phân phối hiện đại.

Về lâu dài, Nhà nước cần ban hành chính sách để hỗ trợ DN nội trên thị trường bán lẻ, đây là chuyện cần làm ngay trong giai đoạn hiện nay. Trước tiên, Bộ Công thương và các địa phương cần phải quy hoạch lại việc phát triển thị trường bán lẻ. Trong đó, phải áp dụng các quy tắc ưu tiên các điểm bán lẻ cho DN trong nước. Quan trọng hơn, cần kiểm tra có hay không việc ưu đãi cạnh tranh không lành mạnh của các nhà phân phối ngoại đối với hàng hóa trong nước và hàng hóa chính quốc. Đồng thời, điều chỉnh những chính sách ưu đãi đầu tư bất hợp lý theo hướng ưu tiên nhà phân phối ngoại tại các địa phương để chạy theo thành tích về thu hút đầu tư. Có như vậy, nhà phân phối nội và DN nội mới có cơ sở để tồn tại và phát triển trong bối cảnh hiện nay.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Công ty Thương mại Saigon Food, bức xúc vì DN biết là với những chi phí do nhà phân phối đặt ra thì không thể có lời nhưng DN không có lựa chọn nào khác, đành phải xếp hàng tại hệ thống phân phối hiện đại cả nội và ngoại để xin được vào hàng. Việc phải chấp nhận yêu sách quá đáng của các nhà phân phối còn bởi đây không phải là việc bán hàng, mà còn là vấn đề quảng bá và tạo hình ảnh thương hiệu sản phẩm của DN. Điều này cho thấy, các nhà phân phối đang có quyền lực rất lớn và chính quyền lực này đã cho phép họ hành xử rất tùy tiện với các nhà sản xuất. Trong khi đó, gần như không thấy có bất kỳ sự kiểm soát cần thiết nào của các cơ quan chức năng liên quan về vấn đề này.


ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục