Áp lực tăng tỷ giá khá lớn

Thị trường tài chính thời gian qua có nhiều biến động. Trong ngày 6-12, vàng SJC trong nước “nhảy múa” liên tục, có thời điểm tăng gần 500.000 đồng/lượng; Tỷ giá USD bật tăng trở lại, USD trên thị trường tự do đã tiến sát 23.300 đồng/USD.
Áp lực tăng tỷ giá khá lớn

Thị trường tài chính thời gian qua có nhiều biến động. Trong ngày 6-12, vàng SJC trong nước “nhảy múa” liên tục, có thời điểm tăng gần 500.000 đồng/lượng; Tỷ giá USD bật tăng trở lại, USD trên thị trường tự do đã tiến sát 23.300 đồng/USD.

Nguy cơ nhập lậu vàng

Mặc dù thị trường vàng thế giới đã chững lại nhưng giá vàng SJC trong nước ngày 6-12 đã tăng mạnh khiến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới được kéo giãn lên đến 4,5 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, trong phiên sáng, giá vàng SJC được các doanh nghiệp tăng lên 450.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm trước, lên mức 36,35 triệu đồng/lượng mua vào và 36,8 triệu đồng/lượng bán ra. Đến cuối giờ chiều, giá vàng đã giảm lại 1.500 đồng/lượng so với buổi sáng. Cập nhật giá vàng vào khoảng 16 giờ 30 tại thị trường TPHCM, Công ty SJC niêm yết giá vàng ở mức 36,35 triệu đồng/lượng mua vào và 36,65 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 150.000 đồng chiều mua và 300.000 đồng chiều bán so với hôm trước. Cùng thời điểm tại Hà Nội, Tập đoàn DOJI báo giá vàng SJC ở mức 36,35 triệu đồng/lượng mua vào và 36,55 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 250.000 đồng chiều mua và 200.000 đồng chiều bán. Thị trường vàng thế giới có giá chốt phiên tại New York đêm ngày 5-12  giảm 7,1 USD/ounce, chốt ở 1.171 USD/ounce. Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á vào khoảng 16 giờ 30 ngày 6-12 (giờ Việt Nam) trên sàn Kitco tăng nhẹ, giao dịch xung quanh mốc 1.171,9 USD/ounce mua vào và 1.172,9 USD ounce bán ra. Mức giá này sau khi quy đổi thấp hơn giá vàng SJC gần 4,5 triệu đồng/lượng.

Mua bán vàng tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Liên quan đến thị trường vàng trong nước, các doanh nghiệp kinh doanh vàng cho biết, nhu cầu vàng trong nước thời gian qua không nhiều, giao dịch nghiêng về chiều mua nhiều hơn nhưng biến động không đáng kể. Nguyên nhân vàng SJC tăng mạnh chủ yếu là do tỷ giá USD/VND tăng cao. Nhận định về thị trường vàng, đại diện Công ty SJC cho biết, giá vàng thế giới giảm sâu so đà bán tháo diễn ra liên tục trên thị trường. Quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR hôm qua đã bán ra 0,32 tấn vàng và trong 14 phiên gần đây, quỹ này đã bán ra tổng cộng hơn 85 tấn vàng, giảm mức nắm giữ xuống còn 869,9 tấn. Ngoài ra, với dự báo của các chuyên gia phân tích thị trường thế giới là FED sẽ nâng lãi suất cơ bản đồng USD thêm 0,25% lên mức 0,5%-0,75% trong cuộc họp cuối cùng của năm 2016 bổ sung thêm sức mạnh cho đồng USD và gây áp lực mất giá cho vàng. Riêng giá vàng trong nước những ngày gần đây liên tục bị đẩy giá lên cao đồng thời kéo giãn biên độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lên mức gần 4,5 triệu đồng/lượng. “Mức chênh lệch này là rất cao so với mức độ biến động của giá vàng thế giới trong thời gian gần đây. Điều này có thể sẽ dẫn đến tình trạng nhập lậu vàng từ nước ngoài vào Việt Nam” - vị này nhận định.

Vẫn trong tầm kiểm soát

Tỷ giá USD trong ngày 6-12 đã bật tăng trở lại. Tỷ giá trung tâm được NHNN tăng 2 đồng/USD lên 21.120 đồng/USD, tỷ giá tại các ngân hàng cũng đã đồng loạt tăng từ 20 - 40 đồng/USD lên 22.690 - 22.770 đồng/USD. Khảo sát giá USD trên thị trường tự do tại TPHCM, giá USD tăng mạnh 120 đồng - 150 đồng/USD, giao dịch phổ biến ở mức 23.230 đồng mua vào và 23.290 đồng bán ra. Trao đổi với Báo SGGP, một vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho hay, hiện cơ quan này vẫn theo sát diễn biến thị trường ngoại tệ. Theo vị này, tỷ giá USD thời gian qua mặc dù có tăng nhưng giá mua và giá bán vẫn bám sát nhau, chênh lệch giữa giá mua - bán không lớn cho thấy nhu cầu USD trên thị trường là nhu cầu thực. Về cơ bản cung cầu ngoại tệ không có yếu tố đột biến, thanh khoản tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân được các tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời và đầy đủ.

Nhận định về tỷ giá, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, trong năm 2016, NHNN đã áp dụng chính sách điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt khiến cho tỷ giá ổn định hơn các năm trước. Minh chứng cho thấy từ đầu năm đến nay VND mất giá khoảng 1,2%, so với các năm trước VND mất giá 2%-5%. Tuy nhiên, áp lực tăng tỷ giá từ nay đến cuối năm còn rất lớn, dự đoán trong năm 2016 VND sẽ mất giá từ 1,2%-2%. Phân tích các nguyên nhân dẫn đến áp lực tỷ giá còn tương đối lớn, theo ông Lực, cầu ngoại tệ từ các doanh nghiệp từ này đến cuối năm sẽ tăng lên do tính chất vụ mùa. NHNN vừa nới lỏng cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu (theo Thông tư 31/2016 của NHNN) cũng sẽ gây áp lực lên tỷ giá. Cùng với đó, áp lực về tăng lạm phát vào thời điểm cuối năm với mức dự kiến cả năm tăng 5%; FED có khả năng cao tăng lãi suất vào giữa tháng 12-2016 sẽ khiến đồng USD tăng giá, gây áp lực đối với các loại ngoại tệ, trong đó có 8 loại ngoại tệ mà NHNN đang đối chiếu trong rổ tiền tệ để tính tỷ giá cũng gây áp lực tên tỷ giá USD/VND. Ngoài ra, triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ khá tốt sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, hứa hẹn đưa ra các chính sách nới lỏng tài khóa, bảo hộ thương mại, bảo hộ doanh nghiệp Mỹ… tạo sức mạnh thêm cho USD, gây áp lực cho các đồng tiền khác, trong đó có VND. “Mặc dù áp lực tăng tỷ giá từ nay đến cuối năm khá cao nhưng theo tôi vẫn trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước” - ông Lực nhận định.

Thị trường chứng khoán mặc dù đón “tân binh” mới là Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) chính thức lên sàn nhưng VN-Index vẫn bị dìm sâu xuống 651 điểm do áp lực bán tháo của cả nhà đầu tư trong nước lẫn khối ngoại. Hàng loạt cổ phiếu giảm điểm mạnh khiến thị trường trong ngày 6-12 tràn ngập sắc đỏ. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 6-12, VN-Index giảm 8,72 điểm, còn 651,49 VN30 điểm; VN30-Index cũng giảm mạnh 9,06 điểm, còn 616,26 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 1,13 điểm, còn 79,34 điểm; HNX30-Index giảm 2,39 điểm còn 142,1 điểm.

HẠNH NHUNG

Tin cùng chuyên mục