Loạn thị trường máy lọc nước

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều thương hiệu máy lọc nước, nhưng giá cả và chất lượng thì… “hên, xui”.
Loạn thị trường máy lọc nước

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều thương hiệu máy lọc nước, nhưng giá cả và chất lượng thì… “hên, xui”.


Một loại, nhiều giá

Dãy cửa hàng nằm san sát trên đường Hồng Bàng (quận 5) bày bán hàng chục chủng loại máy lọc nước. Theo bà chủ một cửa hàng tại đây cho biết, các thương hiệu được khách hàng hỏi mua nhiều nhất là Kangaroo, Kanofi, Geyser, Jenpec hay Coway với giá từ 3 - 6 triệu đồng/máy. Cửa hàng cũng có một số mẫu thương hiệu Việt Nam, nhưng người tiêu dùng vẫn chuộng các hàng nhập khẩu từ Mỹ, Nga hoặc Nhật Bản, bởi họ cho rằng chất lượng máy có phần vượt trội hơn. Một số khách hàng eo hẹp về tài chính thường mua các máy lọc xuất xứ từ Đài Loan hay Trung Quốc dù mức chênh lệch trên thực tế chỉ từ 500.000 - 1 triệu đồng/máy.

Trên thị trường có rất nhiều thương hiệu máy lọc nước, nhưng giá cả và chất lượng thì…
“hên, xui”.


Anh N.V.L., từng có nhiều năm buôn bán mặt hàng máy lọc nước thừa nhận, giá cả mỗi cửa hàng cho từng dòng sản phẩm máy lọc nước cũng khác nhau, bởi hiện nay hầu hết máy lọc nước trên thị trường đều là hàng lắp ráp. Linh kiện được nhập khẩu hoặc xách tay từ nước ngoài nên giá cả rất vô chừng. Khi lắp ráp, tùy theo nhu cầu của khách hàng mà các cửa hàng có cách bố trí số lượng lõi lọc và tầng lọc khác nhau. Ngay cả lõi lọc cũng có 5-7 loại và chỉ có người trong nghề mới phân biệt được lõi nào chính hãng hay hàng nhái.

Mới đây, tại Hà Nội, một thanh niên đã nghĩ cách in hình, khắc nhãn hiệu để làm giả hàng ngàn lõi lọc nước của một hãng nổi tiếng. Khi bắt tay thực hiện, anh ta mua các lõi lọc nước chưa in nhãn mác trôi nổi trên thị trường với giá 30.000 đồng/chiếc. Sau quá trình gia công, thiết bị được trà trộn vào sản phẩm chính hãng và được bán với giá gần 200.000 đồng/chiếc. Từ tháng 6 đến tháng 10-2014, đối tượng này đã làm giả hơn 4.500 lõi lọc nước, thu lời 290 triệu đồng. Tại “xưởng sản xuất” của đối tượng này, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra và thu giữ thêm hàng ngàn lõi lọc nước “dỏm”.

Theo đánh giá mới đây của Sở Y tế TPHCM, hầu hết mẫu nước sông tại TPHCM không đạt quy chuẩn, do có hàm lượng sắt, amoni, tổng dầu mỡ, tổng chất rắn lơ lửng, vi sinh không đạt giới hạn cho phép. Đặc biệt, trong lưu vực thu nước của các nhà máy nước ở TPHCM còn nhiều cơ sở sản xuất xả nước thải nhưng chưa được quản lý chặt chẽ. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước từ thượng nguồn chưa được giải quyết triệt để. Trong khi đó, hệ thống cấp nước của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) dù đã được cải thiện nhưng áp lực nước còn yếu, hầu hết người dân phải bơm lên bồn chứa… nên chất lượng nước không đảm bảo, thường bị nhiễm vi sinh. Qua kiểm tra 1.400 mẫu nước ở những khu vực chưa có mạng lưới cấp nước, Sở Y tế TPHCM xác định chỉ có 58 mẫu (4,14%) đạt chỉ tiêu lý hóa (độ pH thấp, hàm lượng sắt cao…).

Cân nhắc tính năng

Các chuyên gia cho rằng để đảm bảo sức khỏe, người dân cần áp dụng các biện pháp lọc thêm một bước nữa tại gia đình trước khi sử dụng. Giải pháp dễ nhất là đầu tư một máy lọc nước phù hợp. Hiện nay, máy lọc nước chủ yếu sử dụng hai công nghệ chính là RO và Nano. 

PGS-TS Vương Đình Đước, Viện Kỹ thuật tài nguyên nước và môi trường TPHCM cho biết, máy lọc nước RO lọc được nước tương đối tinh khiết, loại bỏ gần như hoàn toàn các chất khoáng và các chất vi lượng có trong nước. Tuy được coi là ưu điểm nhưng cũng chính là nhược điểm của máy này. Nếu lạm dụng nước lọc từ máy lọc nước RO, từ nước uống đến nấu nướng thì trong thời gian ngắn người sử dụng sẽ mắc bệnh thiếu vi chất, thiếu khoáng chất, mất cân bằng điện giải… Còn máy lọc Nano có nhiều ưu điểm hơn như diệt tất cả vi khuẩn và virus, loại bỏ các tạp chất có hại, clo dư, kim loại nặng, thuốc trừ sâu, các hạt lơ lửng, độ cứng dư thừa và giữ lại hàm lượng khoáng chất có trong nước. Tuy nhiên, trong trường hợp nước bẩn nặng hoặc nguồn nước bị nhiễm lợ, nhiễm mặn thì giải pháp máy lọc nước RO lại hiệu quả cao hơn.

Ngoài ra, cần theo dõi và thay thế lõi lọc nước theo định kỳ, vì sau một thời gian sử dụng, các tạp chất sẽ tích tụ ở lõi lọc cùng với nhiều sinh khuẩn, có thể bít kín màng lọc hoặc gây hiện tượng thẩm thấu ngược sẽ gây hại cho nguồn nước. “Thực tế, việc thay lõi lọc phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng nước đầu vào và tần suất sử dụng của từng gia đình. Tuy nhiên, sau 1 năm sử dụng nên cân nhắc thay lõi là tốt nhất”, PGS-TS Vương Đình Đước cho biết thêm .

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục