Thiếu bột khó gột nên hồ

Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ GD-ĐT công bố và đón nhận sự quan tâm đặc biệt của xã hội sau thời gian dài chờ đợi.

dù có nhiều điểm tiến bộ, xây dựng tiêu chí - “chân dung mới” của học sinh ở từng cấp học nhưng soi kỹ lại dự thảo chưa đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng về tạo cú hích chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Phải chăng, vì tham vọng quá lớn nên chương trình đặt ra nhiều mục tiêu và bị các chuyên gia, quản lý giáo dục đánh giá là nặng nề, chưa giảm tải, ôm đồm nhiều nội dung.

Không chỉ chuẩn bị chưa kỹ, thiếu các điều kiện cơ bản để triển khai chương trình mới, Bộ GD-ĐT cũng chưa đặt người thầy vào vị trí quan trọng nhất, phải đầu tư đồng bộ với việc xây dựng chương trình mới. Thực tế cho thấy, chương trình, sách giáo khoa mới dù có hay đến đâu nhưng thiếu đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên đạt chuẩn thực hiện thì tính khả thi sẽ không cao. Vấn đề này đã được cảnh báo từ nhiều năm qua nhưng khi “nước đến chân”, các nhà lãnh đạo, quản lý giáo dục lại đau đầu, không biết xoay xở thế nào. Thử hỏi có bao nhiêu “thuyền trưởng” đủ tài trí lèo lái con tàu giáo dục theo hướng đi mới? Thử hỏi có bao nhiêu giáo viên ở các cấp học có thể thích ứng với đòi hỏi cao của chương trình giáo dục phổ thông mới?

Trách nhiệm đặt lên đôi vai của họ thật nặng nề nhưng quyền được trao đến đâu để vận dụng linh hoạt, sáng tạo chương trình mới và tạo ra sản phẩm giáo dục đạt chất lượng cao? Không ít hiệu trưởng bộc bạch rằng, khi chưa được trao quyền chủ động tổ chức bộ máy, hoạt động giáo dục theo hướng tiên tiến, được tuyển giáo viên giỏi nghề, sa thải người không đạt yêu cầu thì sao có thể nâng cao chất lượng đào tạo theo yêu cầu mới. Qua đánh giá sơ bộ, chỉ có khoảng 20% giáo viên đạt chuẩn mới, có trình độ về ngoại ngữ, tin học, có thể tham gia dạy học sáng tạo, dạy tích hợp, cho thấy sức ì, tảng băng tụt hậu trong đội ngũ giáo viên rất lớn. Do được đào tạo dạy một môn riêng lẻ nên việc chuyển đổi để thích ứng với yêu cầu dạy học sáng tạo, dạy tích hợp đối với họ khá nan giải.

Theo Viện Nghiên cứu giáo dục TPHCM, việc đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên cho lực lượng giáo viên mới dừng ở bước làm cho có, kết quả thấp, lãng phí lớn. Trong khi trường học cần những người thầy năng động, dạy học sáng tạo, lấy học sinh làm trung tâm thì các trường sư phạm vẫn ì ạch, chậm đổi mới phương pháp đào tạo theo yêu cầu của chương trình phổ thông mới. Vì thế, giáo viên mới ra trường thiếu năng lực, trình độ, kỹ năng sư phạm để tổ chức hoạt động giáo dục hiệu quả. Ngoài đồng hành hướng dẫn học sinh học tập sáng tạo, trải nghiệm thực tế, họ phải biết phát huy năng lực, sở trường của người học. Và trước mắt, ngành sư phạm vẫn ôm nỗi buồn khó giải tỏa khi chưa tạo được lực hút hấp dẫn người tài, học sinh giỏi đầu quân làm nhà giáo. Như thế, lấy ở đâu thầy giỏi để dạy học trò, giúp các em trang bị, mở mang tri thức ở thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ và giới trẻ khát khao được gắn mác “công dân toàn cầu”.

Có thể nói, chuẩn đầu ra của chương trình phổ thông mới đã tiệm cận với tiêu chí của mô hình giáo dục tiên tiến. Theo đó, tiếng Anh được dạy cho học sinh từ lớp 1 và giáo dục thẩm mỹ cũng được coi trọng khi tăng thời lượng dạy môn mỹ thuật, âm nhạc 3 tiết/tuần ở bậc THPT. Điều này rất hay và cần thiết! Thế nhưng, để thực hiện mục tiêu quốc sách về giáo dục thẩm mỹ, dạy tiếng Anh đạt chuẩn quốc tế từ bậc tiểu học thì lâu nay, ngành giáo dục các địa phương, trong đó có TPHCM phải chạy bở hơi tai cũng không tuyển đủ giáo viên. Thực tế này cho thấy mục tiêu đặt ra thì lớn nhưng điều kiện thực thi lại không thể đáp ứng. Nếu thiếu các giải pháp đồng bộ, kịp thời tháo gỡ cơ chế chính sách về thu nhập, cải thiện đời sống cho giáo viên thì mơ ước có thêm học sinh giỏi, người tài đầu quân vào nghề “trồng người” vẫn xa vời.

Dù mệnh lệnh đổi mới, chấn hưng giáo dục là cấp thiết nhưng nếu chúng ta không chuẩn bị kỹ điều kiện cần và đủ để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới thì tính khả thi sẽ không cao. Xin hãy cân nhắc vì “thiếu bột… khó gột nên hồ”.

Tin cùng chuyên mục