Coi chừng bị... Blatter lừa !

Coi chừng bị... Blatter lừa !

Tất nhiên, người ta không nói huỵch toẹt về hành động lừa bịp, nhưng đấy chỉ là vấn đề câu chữ. Cũng chẳng khác biệt là mấy khi Luật sư Sylvia Schenk cảnh tỉnh dư luận về cái gọi là “Ủy ban chống tham nhũng” mà Chủ tịch FIFA Sepp Blatter tuyên bố cách đây vài ngày là ông đang có kế hoạch thành lập.

Luật sư Schenk là cố vấn cao cấp của tổ chức chống tham nhũng quốc tế Transparency International. Ông bình luận về động thái mới đây nhất của Sepp Blatter: “Thoạt nghe, ý tưởng của Blatter có vẻ tốt đẹp. Nhưng đấy hoàn toàn có thể là động tác giả để đánh lừa dư luận, với hy vọng mọi người sẽ hướng đến cái ủy ban ấy và quên đi những vấn đề lớn đang tồn tại trong hàng ngũ FIFA”.

Chủ tịch FIFA Sepp Blatter.

Chủ tịch FIFA Sepp Blatter.

Cũng chỉ vài ngày sau khi luật sư Schenk phân tích “động tác giả” của Blatter, đến phiên luật sư Gubter Hirsch, thành viên của Ủy ban đạo đức FIFA, đưa đơn từ chức. Ông nói rõ nguyên nhân từ chức trong bức thư gửi đến Claudio Sulser, người đứng đầu Ủy ban đạo đức FIFA: phản đối tình trạng FIFA thiếu kiên quyết trong việc chống tham nhũng. Luật sư Hirsch viết: “Những gì xảy ra trong thời gian gần đây cho thấy những người có trách nhiệm trong hàng ngũ FIFA thật sự không muốn đấu tranh chống tham nhũng, không muốn đấu tranh chống lại những việc làm vi phạm quy định về đạo đức của FIFA”.

Một chuyên gia khác trong lĩnh vực chống tham nhũng, luật sư người Mỹ David Larkin cũng bình luận: “Đã có rất nhiều cáo buộc về tình trạng tham nhũng trong hàng ngũ FIFA xuất hiện trong khoảng chục năm gần đây. Nhưng uy tín của FIFA tan vỡ không phải vì bản thân những cáo buộc ấy, mà vì cách đối phó quá tồi tệ của FIFA mỗi khi xuất hiện cáo buộc”. Bây giờ cũng vậy.

Nếu như Blatter lập ra một Ủy ban chống tham nhũng thì đấy chỉ là chuyện bình mới rượu cũ. Vấn đề không phải là Ủy ban chống tham nhũng sẽ gồm những ai, hoặc nói rộng hơn là diện mạo mới của FIFA sẽ như thế nào. Vấn đề cũng vẫn như cũ: FIFA có muốn điều tra cáo buộc tham nhũng liên quan đến các nhân vật cộm cán như Ricardo Texeira, Nicolas Leoz, Issa Hayatou hay không. Hành động từ chức của chính thành viên Gubter Hirsch trong Ủy ban đạo đức FIFA là câu trả lời rõ ràng: “FIFA không muốn điều tra”.

Đã có Ủy ban đạo đức FIFA nhưng lại “trói tay” ủy ban ấy, thì còn lập ra Ủy ban chống tham nhũng làm gì nữa? Ý tưởng của Sepp Blatter bị phản đối bởi chính Chủ tịch AFC Mohamed Bin Hammam - vốn luôn là đồng minh thân cận với Blatter. Bin Hammam phàn nàn tại phiên họp Hội đồng AFC, vừa diễn ra trước ngày khai mạc Asian Cup 2011 (có Blatter tham dự): tại sao Chủ tịch Blatter không bàn với Ban chấp hành FIFA trước khi tuyên bố một kế hoạch lớn như vậy? Có thể hiểu là các thành viên FIFA cao cấp như Bin Hammam không biết gì về kế hoạch thành lập Ủy ban chống tham nhũng FIFA.

Ủy ban chống tham nhũng mà Sepp Blatter vừa quảng cáo sẽ gồm những thành viên “không chỉ thuộc giới thể thao mà còn thuộc giới tài chính, văn hóa, kinh doanh, chính khách…”. Ai nấy đều biết: thành viên cốt cán của FIFA hiện nay cũng đều là những nhân vật như thế, chứ đâu phải ông nào cũng xuất thân là người của thể thao. Nói thẳng ra thì một ủy ban như vậy sẽ chỉ có giá trị nếu nó hoàn toàn độc lập với FIFA, và tất nhiên không thể là do Blatter hay FIFA thành lập. Blatter có muốn thấy một ủy ban như vậy xuất hiện, với nhiệm vụ điều tra xem FIFA tham nhũng chỗ nào, khi mà chính Ủy ban đạo đức của FIFA đã không được bật đèn xanh để làm việc ấy?

Khoan nói đến các thành viên có quyền bỏ phiếu, ngay cả các thành viên của Ủy ban kỹ thuật vốn không bỏ phiếu, cũng đã tha hồ tham nhũng rồi. Cựu HLV trưởng đội tuyển Anh Graham Taylor từng ngồi ở ủy ban này. Ông kể: “Khi tôi đi họp FIFA, FA đã trả tiền vé. Một thành viên FIFA khác bảo tôi là cứ mở một tài khoản riêng ở Thụy Sĩ, FIFA sẽ thanh toán tiền vé cũng như mọi chi phí khác, trả vào đấy. Còn vé của tôi thì cứ để LĐBĐ ở nước tôi thanh toán. Thành viên ấy bảo, ai cũng làm thế, và rủ tôi tham gia vào cái gọi là CLB ấy”.

Những chuyện như vậy diễn ra đã gần 20 năm nay. Chủ tịch Bayern Munich Uli Hoeness bình luận: “Đã đến lúc Sepp Blatter và các quan chức FIFA khác phải tự hỏi, họ có muốn tiếp tục tồn tại như thế không”. Cũng theo Hoeness thì đừng kỳ vọng vào bất cứ ủy ban mỹ miều nào. Ông nhận định: “Chỉ khi nào các LĐBĐ mạnh như Anh, Đức, Tây Ban Nha, Pháp cảm thấy quá ngán ngẩm rồi, chỉ khi nào những liên đoàn ấy quyết tâm đứng lên quét dọn, thì mới mong có sự thay đổi”.

TIỂU QUYÊN

Tin cùng chuyên mục