Chưởng môn Cửu Long võ đạo tại Pháp, võ sư Trần Hoài Ngọc: "Dạy võ Việt phải kết hợp với truyền bá văn hóa Việt"

Chưởng môn Cửu Long võ đạo tại Pháp, võ sư Trần Hoài Ngọc: "Dạy võ Việt phải kết hợp với truyền bá văn hóa Việt"

Tôi khởi nghiệp từ một anh lao công trên đất Pháp, nhưng sau hơn 30 năm, tôi đã xây dựng một cơ nghiệp vững vàng nơi xứ người. Quan trọng hơn, tôi đã dạy cho hơn 4.000 môn sinh tại Pháp không chỉ về võ cổ truyền Việt Nam, qua đó còn giúp họ hiểu hơn về văn hóa của người Việt Nam. Tôi nghĩ, tôi và gia đình tôi đã cố gắng trả hiếu với tổ quốc, với cội nguồn bằng cách đem võ cổ truyền và y thuật cũng như văn hóa người Việt truyền bá một cách hữu hiệu nơi xứ người…”. Võ sư Trần Hoài Ngọc - Chưởng môn Cửu Long võ đạo tại Pháp đã nhìn lại chặng đường hơn 30 năm sinh sống và dạy võ của mình tại Pháp như vậy. Nhấp một ngụm trà, mắt nhìn xa xăm, giọng ông chợt chùng xuống khi nhớ lại những ngày đầu mình khởi nghiệp trên đất Pháp…

Chưởng môn Trần Hoài Ngọc (giữa) cùng vợ và các con tại võ đường Cửu Long võ đạo. Ảnh: Nhơn Tâm

Chưởng môn Trần Hoài Ngọc (giữa) cùng vợ và các con tại võ đường Cửu Long võ đạo. Ảnh: Nhơn Tâm

o0o

Ngày ấy, chàng thanh niên Trần Hoài Ngọc lặn lội từ Huế vào Sài Gòn mưu sinh. Tại đây, ngoài công việc hằng ngày, Trần Hoài Ngọc còn tầm sư học võ để trao dồi thêm những kiến thức võ học mà ông vốn đã đam mê từ nhỏ. Không chỉ chú tâm vào võ cổ truyền, ông còn học thêm các môn võ khác như taekwondo. Đặc biệt, Trần Hoài Ngọc được các võ sư Nhật Hạnh, Hồ Văn Hợi hết lòng truyền dạy những tuyệt kỹ của môn phái Cửu Long võ đạo. Tố chất cần cù, chịu khó của một thanh niên miền Trung giúp Trần Hoài Ngọc tiến bộ rất nhanh, sau đó được các bậc tiền bối trong môn phái truyền ngôi Chưởng môn khi ông chỉ mới tròn 26 tuổi.

Năm 1979, Trần Hoài Ngọc cùng vợ và đứa con thơ mới 17 tháng tuổi sang Pháp sinh sống. Những ngày tháng đầu tiên nơi đất khách quê người, để chống chọi lại cái giá lạnh khắc nghiệt của vùng miền Tây nước Pháp (thành phố Nantes), Hoài Ngọc càng luyện võ thường xuyên hơn, vừa cho ấm người, vừa duy trì sức khỏe để có sức làm những công việc nặng nhọc như: khuân vác, quét rác… Thấy ông hiền lành lại có võ nghệ cao cường, nên nhiều người dân địa phương bắt đầu gửi con đến để nhờ ông dạy giúp.

Ông kể: “Do võ Việt của mình chưa được công nhận và chưa cho phép mở phòng tập, nên tôi phải xin vào Tổng hội Karate, và ở đó, tôi dạy võ cổ truyền Việt Nam dưới cái vỏ bọc... karate. Sau gần 10 năm giảng dạy tại đây, tôi đã mở được 32 phòng tập và giao lại cho 32 học trò giỏi nhất của tôi giảng dạy và tiếp tục phát triển rộng ra, còn tôi đưa gia đình xuôi về miền Nam nước Pháp để sinh sống…”

Về miền Nam nước Pháp, gia đình ông chọn Nice để ở và tiếp tục mở các phòng tập để truyền bá Cửu Long võ đạo. Đang kể, giọng ông chợt cao lên, pha lẫn chút tự hào: “Người Pháp yêu võ Việt chỉ một phần, phần khác có lẽ họ nhìn vào gia đình tôi, một gia đình thuần Việt, con cái học hành đến nơi đến chốn và luôn hiếu thảo với cha mẹ, nên họ gửi con họ vào học với mong muốn con của họ cũng giỏi và hiếu thảo như người Việt…”.

Helen Trần trong một tiết mục biểu diễn trong Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định. Ảnh: N.T

Helen Trần trong một tiết mục biểu diễn trong Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định. Ảnh: N.T

Con trai đầu của ông là David Trần, ngoài công việc của một bác sĩ ngành xương khớp, anh còn là trưởng tràng của môn phái Cửu Long võ đạo và đang kiêm thêm công tác huấn luyện cho cảnh sát của thành phố Nice. Con trai thứ hai là Antone Trần, hiện là bác sĩ khoa nhi cũng nhiều năm liền vô địch quyền thuật Việt Nam tại Pháp. Con gái thứ ba Delphine Trần theo học ngành thực phẩm dưỡng sinh và cũng nhiều năm liền vô địch quyền thuật Việt Nam tại Pháp, hiện cô đã có bằng HLV khí công của Pháp.

Đặc biệt, cô gái út là Helene Trần 4 năm liền vô địch quyền thuật Việt Nam tại Pháp, hiện cô đang theo học Đại học TDTT ở Pháp. Cô đã 2 lần về Việt Nam để tham gia Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định. Cô tâm sự: “Tôi mong muốn sau khi tốt nghiệp Đại học TDTT tôi có đủ bằng cấp để có thể phát triển hơn nữa Cửu Long võ đạo nói riêng, và võ cổ truyền Việt Nam nói chung ở Pháp…”.

o0o

Khi chia tay với chúng tôi để trở về Pháp, võ sư Trần Học Ngọc bộc bạch: “Tôi rất mong võ cổ truyền Việt Nam sẽ ngày càng lớn mạnh hơn nữa trên thế giới. Muốn vậy, tôi nghĩ là các bậc võ sư của các môn phái, những người đang đem võ cổ truyền Việt Nam đi truyền bá ở nước ngoài cần phải ngồi lại cùng nhau để cùng nhau tìm một sự thống nhất chung, và nhất là phải bỏ qua tất cả những cái tôi cá nhân để đạt được cái mục đích chung là: nâng tầm võ Việt…”

LONG THẠNH

Tin cùng chuyên mục