Hướng tới Asian Games 2010

Cầu lông Việt Nam - Một chuyến phiêu lưu

Cầu lông Việt Nam chỉ góp mặt 2 tay vợt ở sân khấu lớn Asian Games 2010. Nguyễn Tiến Minh dự nội dung đơn nam, trong khi Vũ Thị Trang đấu ở nội dung đơn nữ. Dĩ nhiên, Tiến Minh được đánh giá có triển vọng tiến xa hơn đồng nghiệp nữ trong cuộc đua đầy khó khăn ở Quảng Châu. Chỉ có điều, như chính tay vợt số 1 Việt Nam thừa nhận, anh vẫn chưa có duyên với các sân khấu lớn…
Cầu lông Việt Nam - Một chuyến phiêu lưu

Cầu lông Việt Nam chỉ góp mặt 2 tay vợt ở sân khấu lớn Asian Games 2010. Nguyễn Tiến Minh dự nội dung đơn nam, trong khi Vũ Thị Trang đấu ở nội dung đơn nữ. Dĩ nhiên, Tiến Minh được đánh giá có triển vọng tiến xa hơn đồng nghiệp nữ trong cuộc đua đầy khó khăn ở Quảng Châu. Chỉ có điều, như chính tay vợt số 1 Việt Nam thừa nhận, anh vẫn chưa có duyên với các sân khấu lớn…

Cầu lông Việt Nam - Một chuyến phiêu lưu ảnh 1

Điều người hâm mộ mong nhất là Tiến Minh sẽ tự vượt qua chính mình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đối thủ là... chính mình!

Nhiều tay vợt hàng đầu thế giới từng là bại tướng của Nguyễn Tiến Minh. Thậm chí, hồi tháng 6 năm ngoái, Tiến Minh còn hạ bệ tay vợt số 1 thế giới Lee Chong Wei ở giải Singapore mở rộng. Nhiều đồng nghiệp, kể cả giới chuyên môn cầu lông thế giới cũng đã kinh ngạc trước sự tiến bộ khó tin của tay vợt Việt Nam. Anh liên tiếp chinh phục các thứ hạng cao trên bảng tổng sắp của BWF và hiện đang xếp hạng 7 thế giới (tính đến tháng 8-2010).

Tuy nhiên, có một thực tế mà người ta buộc phải chấp nhận, cũng như đối với chính bản thân Nguyễn Tiến Minh, là anh thường thua những trận rất bất thường trước những đối thủ... bình thường (chưa kể là vô danh), và đều ở những sân chơi quan trọng như giải vô địch châu Á, Olympic hay nhỏ hơn như SEA Games.

Nhiều người vẫn nhớ như in hình ảnh Tiến Minh lủi thủi rời thảm đấu Olympic Bắc Kinh 2008 sau trận thua 1-2 trước Hsieh Yu Hsing (Đài Loan) ngay trận đầu tiên. Trong khi Hsieh mới thua Tiến Minh cách đó không lâu ở giải toàn Anh và bị xếp cửa dưới trong cuộc đối đầu này, vậy nhưng, tay vợt Việt Nam không giải quyết được trận đấu theo cách thông thường nhất. Tâm lý bất ổn, đường cầu quá hiền lành và sự loay hoay trên sân đã nhanh chóng khép lại giấc mơ mới chỉ vừa bắt đầu, rất hụt hẫng…

Cũng mới đây thôi, Tiến Minh lại ngậm ngùi rời giải vô địch châu Á 2010 ở tứ kết, sau khi thua tay vợt Hafiz Hashi (Malaysia) 1-2, người kém anh đến 17 hạng trên bảng xếp hạng thế giới. Ngay tại sân nhà, ở giải Việt Nam mở rộng 2010, Tiến Minh thậm chí còn gác vợt 0-2 trước Chen Yuekun vô danh đến từ Trung Quốc. Chen có hạng 274 thế giới, trong khi Tiến Minh đang xếp hạng 9.

Tâm lý bất ổn định hình như là rào cản mà Nguyễn Tiến Minh khó vượt qua nhất. Vì lẽ đó, ngay cả khi được kỳ vọng nhất, tay vợt số 1 Việt Nam cũng có thể mang đến cho người hâm mộ một sự hụt hẫng khó tả.

Trước mắt Nguyễn Tiến Minh là sân chơi lớn Asian Games 2010, nơi anh tiếp tục được kỳ vọng, được đặt trọn niềm tin sẽ giúp cầu lông Việt Nam nở mày, nở mặt cùng bạn bè châu Á. Nhưng trước khi đến Quảng Châu để bước vào những trận đấu cuộc đời, có lẽ trong Tiến Minh, một cuộc chiến khác đang diễn ra, đấy là cuộc chiến với… chính mình!

Viễn cảnh "chống gai"

Với trình độ và thực tài của Nguyễn Tiến Minh, việc anh tiến xa ở nội dung đơn nam chẳng có gì ngạc nhiên. Ít ra thì Tiến Minh cũng được xếp là hạt giống số 5 ở nội dung này. Hai đối thủ đầu tiên Kashyap Parupalli (Ấn Độ) và Tanongsak (Thái Lan) không phải là rào cản quá ghê gớm đối với Minh, bởi tay vợt Ấn Độ mà Tiến Minh gặp ở trận ra quân còn kém anh quá xa cả về danh tiếng lẫn trình độ, hay tay vợt Tanongsak (Thái Lan) hiếm khi thắng được anh trong mỗi lần đối đầu, nên tỷ lệ chiến thắng của Tiến Minh được đánh giá tuyệt đối. Thử thách khắc nghiệt chỉ bắt đầu từ vòng tứ kết, vì rất có thể đối thủ của Minh khi đó sẽ là Lin Dan, tay vợt số 2 thế giới người Trung Quốc. Ở bán kết, Tiến Minh có thể đụng Taufik Hidayat (Indonesia).

Nói chung, về lý thuyết, nếu vẽ cho Tiến Minh một lộ trình thì thậm chí anh có thể lọt vào đến trận chung kết để tái ngộ với Lee Chong Wei (Malaysia) - người từng ngả mũ chào thua anh hồi tháng 6 năm ngoái. Nhưng trên thực tế và dựa vào kinh nghiệm chiến trường không mấy ổn định của Tiến Minh ở các giải đấu quan trọng, ít người dám đặt cược cho cuộc phiêu lưu của anh đi xa quá vòng tứ kết!

THANH LÂM

Tin cùng chuyên mục