Vì một vận hội lớn

Ngay sau khi có kết quả bốc thăm vòng chung kết U.20 World Cup, giới hâm mộ Việt Nam đã nghĩ ngay đến kỳ tích của đội tuyển futsal Việt Nam tại World Cup tháng 9 năm trước. Dù chỉ mới lần đầu tiên trong lịch sử được tham dự một kỳ World Cup nhưng futsal vẫn có chiến thắng đầu tiên và lọt vào vòng 16 đội mạnh nhất. Nếu futsal làm được thì tại sao đội tuyển U.20 lại không thể với một kết quả bốc thăm không có nhiều tên tuổi lớn trong bảng đấu.

Bất ngờ là một phần quan trọng làm nên sự hấp dẫn của bóng đá. Tuy nhiên, bất ngờ không chỉ đến từ sự may mắn của những lá thăm hay hy vọng vào sự kém cỏi của các đối thủ. Trước khi tạo ra kỳ tích ở World Cup, đội tuyển futsal đã trải qua hàng chục trận đấu với các đối thủ đẳng cấp cao, tập huấn liên tục ở những quốc gia mạnh nhất về bộ môn này. Chính những trải nghiệm và quá trình đầu tư có chiều sâu ấy mới tạo nên sự tự tin, bản lĩnh cho futsal Việt Nam ở sân chơi toàn cầu ngay từ những bước đầu tiên. Đa số chúng ta chỉ biết đến chiến thắng ở Colombia chứ ít ai biết về sự khổ luyện và các “cuộc chiến tinh thần” để vượt qua chính mình mà các cầu thủ phải trải qua suốt quá trình tập huấn.

Thế nhưng, có vẻ như đội tuyển U.20 lại chưa có những điều tốt nhất như futsal đã nhận được. Ngay khi vừa lên kế hoạch triệu tập cầu thủ khoảng 2 tháng trước khi sang Hàn Quốc dự World Cup, HLV Hoàng Anh Tuấn đã phải nhận một “cơn bão” chỉ trích khi cho rằng ông đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các CLB. Thậm chí, có cả một “chiến dịch phản đối” trên mạng xã hội và một số kênh truyền thông yêu cầu đội tuyển U.20 phải tôn trọng các CLB, hoặc phải “chịu trách nhiệm” cho thành tích của các CLB tại giải quốc nội vì đã lấy người của họ.

Thoạt nghe thì hợp lý bởi ngay cả quy định của FIFA cũng chỉ cho phép các đội tuyển quốc gia tập trung cầu thủ từ CLB 7 ngày trước một trận đấu chính thức. Thế nhưng, thực tế thì “chiến dịch truyền thông” kia lại phản ảnh một sự thật đáng buồn của bóng đá Việt Nam: không vì cái chung.

Thứ nhất, đây là đội tuyển U.20, tức là tập hợp những cầu thủ mới 18 - 20 tuổi, những người thường chiếm rất ít vị trí chính thức tại các CLB chuyên nghiệp (không chỉ ở Việt Nam). Thật khó tưởng tượng việc thiếu các cầu thủ U.20 lại có thể ảnh hưởng đến thành tích của CLB trong một mùa giải kéo dài đến 9 tháng.

Thứ hai, bóng đá Việt Nam vốn dĩ chưa từng chuyên nghiệp trong việc tập trung đội tuyển. Chúng ta vẫn thường phải duy trì chế độ tập trung dài ngày trước mỗi giải đấu chính thức - ít thì cũng 2 tuần, nhiều là 2 tháng. Ví dụ như năm 2015, V-League đã phải 3 lần tạm dừng thi đấu trong khoảng gần 4 tháng để các đội tuyển tập trung, bao gồm 2 tuần lễ phục vụ cho trận giao hữu đơn thuần mang tính thương mại với Manchester City.

Tóm lại, việc triệu tập cầu thủ trong 2 tháng dự World Cup chẳng có gì bất thường, nếu không nói là vẫn còn ít so với sự kiện “vô tiền khoáng hậu” này cũng như triển vọng tạo kỳ tích đến từ kết quả bốc thăm. Nói đúng hơn, đây là một vận hội lớn cho bóng đá Việt Nam về mặt hình ảnh, là giấc mơ cả đời của bản thân các cầu thủ trẻ, những hy vọng cho tương lai của bóng đá Việt Nam. Điều này đã được thể hiện qua chỉ đạo của người đứng đầu Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng: “Đội tuyển U.20 sẽ phải được tạo điều kiện chuẩn bị tốt nhất vì đây là vinh dự của thể thao Việt Nam”.

Rất tiếc, qua hành động phản ứng từ một vài CLB đơn lẻ cho thấy chưa bao giờ bóng đá Việt Nam có được sự đồng thuận ở cách đầu tư. Điều này chính là nguyên nhân khiến việc phát triển tại Việt Nam luôn méo mó, mang tính chụp giựt khi ai cũng chỉ nghĩ đến cái lợi ích của mình. Một chuyện lớn như dự World Cup mà còn không có tiếng nói chung thì làm sao nghĩ đến việc giải quyết các vấn đề về trọng tài, chất lượng thi đấu và đạo đức cầu thủ bị xuống cấp trong thời gian qua.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục