Ấm lên từ bữa cơm có cá

Bữa ăn của người dân 4 tỉnh miền Trung đang ấm dần lên bởi vị mặn mòi cá biển. Chợ cá ven các làng biển đã bắt đầu chuyển hướng trở lại, ngư dân đánh bắt khơi xa cập bờ được thương lái săn đón. Kho cá đông lạnh không còn cảnh đìu hiu như thời gian trước đây. Tuy nhiên để mọi thứ trở lại như cũ và phát triển tốt hơn, cần nhiều việc phải làm từ các ngành chức năng để tiếp sức thêm cho ngư dân lấy biển mưu sinh.

Sau sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra, cấp ủy, chính quyền địa phương các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã vào cuộc quyết liệt, động viên các tầng lớp nhân dân từng bước khắc phục khó khăn, ổn định đời sống, tháo gỡ vướng mắc phục vụ an dân.

Có thể nói, sau khi Bộ TN-MT tuyên bố nước biển 4 tỉnh miền Trung đã nằm trong tiêu chuẩn phục vụ tắm biển, thể thao nước, nuôi trồng thủy sản… thị trường tiêu thụ cá biển đã bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng khả quan. Buôn bán cá lên miền núi vùng các xã rẻo cao như Dân Hóa, Trọng Hóa… (Minh Hóa, Quảng Bình); Khe Sanh, Đắk Krông (Quảng Trị); Nam Đông, A Lưới (Thừa Thiên - Huế), Hương Khê, Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã bắt đầu nối chuyến. Người miền núi như Hồ Bun ở Trọng Hóa nói rất thèm cá biển, nay các chuyến cá biển bắt đầu đưa lên nhiều, bữa cơm có cá thật ấm lên.

Những làng biển bãi ngang độc canh nghề biển đã bắt đầu có các chuyến biển đánh bắt tốt dần lên và mức tiêu thụ tốt hơn đang tạo động lực cho ngư dân kiếm kế sinh nhai dần được phục hồi. Đơn cử, xã biển Đức Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, vượt qua những khó khăn do sự cố Formosa Hà Tĩnh gây ra thì một mặt khắc phục khó khăn về vật chất, một mặt khắc phục khó khăn về tinh thần, giữ vững kế mưu sinh trên biển, năm 2016, sản lượng đánh bắt vượt hơn 40% so với năm 2015, nhưng giá bán ra không bằng số tiền thu vào như năm trước. Tuy nhiên, không vì thế mà ngư dân ở đây chùn bước. Trong kế hoạch phát triển kinh tế năm 2017, nghị quyết địa phương này xác định sản lượng đánh bắt cao hơn năm 2016 và hồi phục giá bán thủy hải sản bằng hoặc vượt năm 2015, năm chưa xảy ra sự cố. Đầu năm 2017, ngư dân đã đóng mới thêm 15 tàu vỏ gỗ, 4 tàu vỏ thép, mỗi chiếc không dưới 10 tỷ đồng theo Nghị định 67 của Chính phủ, theo kế hoạch xã Đức Trạch sẽ đóng mới 21 tàu xa bờ loại lớn trong năm 2017. Nâng tổng số tàu xa bờ lên 232 tàu. Nghề biển và liên quan biển năm 2017 sẽ tạo việc làm cho 15.000 lao động bao gồm cả người dân bản địa và thuê mướn lao động từ các tỉnh miền Trung, các xã phụ cận, đó là lời khẳng định chắc chắn của kế hoạch kinh tế địa phương này được thông qua bởi HĐND xã. Nói thế để biết, nghề biển bức thiết, quan trọng và là cơ hội đối với người dân các địa phương phát triển kinh tế một cách bền vững nhằm đảm bảo xây dựng quê hương, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày mỗi hoàn thiện.

Sau tuyên bố của Bộ TN-MT cách đây một tháng, các chợ cá bắt đầu có không khí nhộn nhịp, thủy hải sản đã được tiêu thụ đáng kể, dấu hiệu ấm lên đang định hình rõ rệt. Bữa cơm có cá biển là cách gọi nôm na của người dân tiêu thụ hải sản đã quay lại dưới mỗi mái nhà. Thị trường nội địa tiêu thụ đang dần tin tưởng trở lại với những chuyến đánh bắt của ngư dân. Chợ cá Đồng Hới là một trong những chợ cá lớn nhất của miền Trung đã bắt đầu khá nhộn nhịp, nhiều loại cá đã phục hồi giá như năm 2015, có loại cá có giá còn cao hơn như cá thu, cá ngừ, cá bớp…

Thông tin báo chí đưa tin gần đây người dân Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế trúng những mẻ cá lớn, bán được tiền tỷ càng khẳng định tín hiệu lạc quan trong việc tiêu thụ hải sản. Việc tiêu thụ lớn hơn đang dần mở rộng ra, các ngành nghề phụ trợ cho nghề biển đang trở lại, tạo động lực và niềm tin với ngư dân bám biển ngày một chắc chắn.

Nhiều gia đình đã trở lại ăn thủy hải sản biển, đó là tín hiệu vui làm ấm lên nỗi mong mỏi của ngư dân để nghề biển được đảm bảo có đầu ra ổn định khi thị trường nội địa bảo chứng bằng sự tiêu thụ mở ra từ bữa ăn từng cá nhân. Để nghề biển ngày càng nhiều hơn chuyến thuyền đầy ắp khoang cá được bán tốt, các cơ quan chức năng cần vào cuộc thiết thực để người dân yên tâm. Ngoài Bộ TN-MT tuyên bố nước biển đã an toàn, Bộ Y tế cần nhanh chóng đưa ra kết luận với 154 loại thủy hải sản tầng đáy từng khuyến cáo chưa tiêu thụ, nếu đã an toàn cần tuyên bố rộng rải nhằm tạo động lực cho ngư dân yên tâm bám biển, người tiêu dùng tin tưởng sử dụng để ổn định thị trường hải sản, từ đó đảm bảo các ngành nghề liên quan phát triển bền vững.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục