Quyết liệt cho an toàn thực phẩm

PHAN LỘC

Hôm qua 6-3, UBND TPHCM đã chính thức quyết định thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm của thành phố. Chức năng nhiệm vụ cũng đã được ban hành và bộ máy tổ chức cùng nhân sự đã được điều động để ban này nhanh chóng đi vào hoạt động.

Chưa bao giờ vấn đề an toàn thực phẩm lại được các cấp chính quyền, các ban ngành và dư luận quan tâm đến vậy. HĐND TPHCM đã có một chương trình nghị sự giám sát an toàn thực phẩm suốt nhiều ngày qua, từ các chợ đầu mối của thành phố cho đến các khu dân cư phường xã. Chưa hết, HĐND TPHCM còn đến tận nơi ngọn nguồn cung ứng xa xôi tại Lâm Đồng để có được thực phẩm sạch và ổn định cho người dân thành phố. Ở đâu, các thành viên của đoàn giám sát cũng đều tỏ ra bức xúc trước tình trạng thực phẩm bẩn vây quanh, gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho xã hội ở mọi nơi mọi lúc, chỉ quyết tâm thôi chưa đủ.

Trước hết cần phải xây dựng bộ tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm vừa khoa học vừa mang tính thời sự. Thực tế thị trường cung ứng thực phẩm luôn luôn thay đổi, nếu không được cập nhật, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm sẽ bị lỗi thời, không còn phù hợp. Việc tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm phải được làm thường xuyên với tất cả các đối tượng, từ người nuôi trồng đến người vận chuyển, chế biến… và người tiêu dùng. Tránh làm theo đợt, phong trào, thời vụ. Phải coi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là trách nhiệm của toàn xã hội mà trực tiếp là người sản xuất, vận chuyển và chế biến. Không thể để cho những người vì chạy theo lợi nhuận mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.

Để ngăn chặn thực phẩm bẩn, một trong những biện pháp quan trọng là phải tăng cường các hoạt động kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng. Dù có tốn kém cũng phải làm và làm thường xuyên vì sức khỏe của người dân. Nhưng muốn làm được việc đó phải có bộ máy chuyên trách. Việc UBND TPHCM thống nhất cơ quan chuyên ngành của 3 sở thành một ban quản lý an toàn thực phẩm là một quyết định đột phá cho công tác này. Tuy nhiên, hệ thống này phải được thiết lập chặt chẽ từ thành phố đến các quận huyện và phương xã, trong đó việc kiểm tra giám sát của người dân là đặc biệt quan trọng. Việc xử lý những sai phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm phải thực hiện kiên quyết và triệt để, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa”. Đã đến lúc phải coi hành vi buôn bán, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ thực phẩm bẩn là tội ác. Những vi phạm nghiêm trọng phải được xử lý thích đáng, thậm chí truy tố trước pháp luật.

Song song với việc ngăn chặn thực phẩm bẩn, vấn đề quan trọng không kém là tạo ra nguồn thực phẩm sạch cho thành phố. Đảm bảo nhu cầu ăn hàng ngày của hơn mười triệu dân như TPHCM là một vấn đề nan giải. Trong khi đó, hơn 80% thực phẩm cho TPHCM lại do các tỉnh cung cấp. Vì vậy, để có nguồn thực phẩm sạch ổn định, TPHCM phải liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành khác. Nếu TPHCM có nhiều biện pháp quyết liệt để đảm bảo an toàn thực phẩm thì các tỉnh khác cũng phải vào cuộc quyết liệt tương tự mới có thể cải thiện được tình hình mất an toàn thực phẩm như hiện nay. 

PHAN LỘC

Tin cùng chuyên mục