Mất mát không của riêng ai!

Mấy ngày qua, câu chuyện thương tâm về nữ sinh lớp 9 tên H. bị nam sinh học cùng khối Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (quận Gò Vấp TPHCM) giết hại dã man đã gây rúng động dư luận xã hội.

Mấy ngày qua, câu chuyện thương tâm về nữ sinh lớp 9 tên H. bị nam sinh học cùng khối Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (quận Gò Vấp TPHCM) giết hại dã man đã gây rúng động dư luận xã hội. Nghi phạm Nguyễn Phạm Quốc Bình (16 tuổi) đã bị bắt và khai nhận tội tày đình. Bình ra tay sát hại bạn gái để chiếm đoạt một điện thoại hiệu Samsung và 500 ngàn đồng. Sau đó, Bình quay lại nơi gây án và bỏ xác bạn gái vào thùng xốp, lấy dây buộc chặt, rồi đưa lên tầng 6 chung cư để giấu. Chiều hôm sau, Bình thuê xe ba gác đến chung cư, khiêng thùng xốp chứa xác nữ sinh đi nơi khác phi tang. Không chỉ gây tội ác không run tay với bạn học, Bình còn bình thản quay lại hiện trường tìm cách xóa tang chứng và tạo màn kịch che giấu hành vi phạm tội với cha mẹ của nạn nhân. Do thấy cậu học trò trả lời một cách bình tĩnh, mẹ của nạn nhân không hề nghi ngờ đây chính là kẻ sát hại con gái mình.

Điều khiến chúng ta bàng hoàng và không thể tin nổi, là tại sao một nam sinh mới 16 tuổi, được xem là ngoan, hiền, hay làm từ thiện, bỗng chốc trở thành kẻ sát nhân máu lạnh. Đành rằng hành vi phạm tội của Bình là cá biệt và nó khiến các nhà giáo dục học, tội phạm học phải đau đầu mổ xẻ, nhưng dư âm, hậu quả của nó thật đáng báo động.

H. ra đi mang theo bao niềm yêu thương lẫn hy vọng của bậc sinh thành và để lại sự trống vắng, mất mát không gì có thể bù đắp. Đến thắp nén nhang, bạn bè, thầy cô trong trường đều thổn thức, xót thương vô hạn. Còn chúng ta - những người làm cha làm mẹ theo dõi thông tin về vụ án, cũng bàng hoàng, nghẹn ngào. Nỗi đau, sự mất mát này không của riêng ai, nó đang cứa vào tâm can của mỗi chúng ta.

Làm thế nào để bảo vệ con em chúng ta trước nguy cơ, hiểm họa của tội phạm học đường đang rình rập, giăng bẫy? Nếu trước đây các nhà giáo dục, tâm lý học chỉ cảnh báo về nạn bạo lực học đường gia tăng với những màn đánh đấm, hành hạ bạn bè dã man, thì bây giờ họ phải rung chuông báo động đỏ. Đó là tội phạm học sinh ngày càng trẻ hóa, tính chất phạm tội ngày càng nghiêm trọng, tinh vi, phức tạp hơn. Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần xem lại mục tiêu, tỷ lệ đào tạo học sinh giỏi và bội thực với danh hiệu “con ngoan, trò giỏi” như hiện nay. Cần mổ xẻ, phân tích để xem cái mác này có giá trị thực sự đối với học sinh khi bước chân vào đời, hội nhập quốc tế hay không? Đã có không ít học sinh “gắn mác” ngoan hiền, học giỏi nhưng tiềm ẩn nhiều khiếm khuyết, dị tật về tâm hồn, và do vậy, các em dễ bị cái xấu tiêm nhiễm, kể cả dẫn đến thực hiện những hành vi xấu đến mức khó tin.

Có rất nhiều nguyên nhân và có rất nhiều điều cần phải bàn về trách nhiệm liên đới của gia đình - nhà trường - xã hội trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức cho học sinh. Thực tế cho thấy, nếu cái nôi gia đình là thành trì vững chắc, biết cách nuôi dưỡng mạch nguồn yêu thương, chăm sóc, uốn nắn tâm hồn, nhân cách, lối sống của con trẻ phát triển lành mạnh thì mầm mống của cái ác sẽ bị triệt tiêu sớm. Nếu trường học không chỉ chăm bẳm chạy theo thành tích học tập và hiểu rõ từng hoàn cảnh, tâm tư của học trò để bắt đúng mạch “học sinh đang có vấn đề về tâm lý”, thì có lẽ những hành vi phạm tội mới manh nha sẽ bị ngăn chặn ngay. Thay vì dạy chữ, nhồi nhét kiến thức quá nhiều, chương trình, nội dung môn học nặng tính hàn lâm, giáo điều, thì hãy giúp học sinh học điều bình thường nhất, đó là làm người tử tế, sống tốt. Đừng để đến khi những thiên thần áo trắng phạm tội, bàn tay vấy tội ác mới giật mình thì đã muộn.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục