Lo mục tiêu BHYT toàn dân bị ảnh hưởng

NGUYỄN QUỐC

Mới đây tại hội nghị triển khai công tác phát triển bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2016-2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ rõ: “Phải coi người mua BHYT là khách hàng đặc biệt”. Ý kiến chỉ đạo này thể hiện sự coi trọng và đánh giá rất cao vai trò của người dân trong việc tham gia BHYT. Thế nhưng thật đáng buồn khi những ngày gần đây, dư luận xã hội không khỏi bất ngờ về việc hàng triệu “thượng đế” tham gia, gắn bó BHYT trong thời gian 5 năm liên tục đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi do trên thẻ BHYT không được in dòng chữ “thời điểm đủ 5 năm liên tục”. Thậm chí, không ít người cả chục năm tham gia BHYT, được cơ quan, đơn vị phát thẻ BHYT đều đặn hàng năm, nhưng trên thẻ cũng không có dòng chữ “Thời điểm đủ 5 năm liên tục”.

Một dòng chữ rất ngắn gọn chỉ có 7 từ nhưng lại mang rất nhiều ý nghĩa và quyền lợi rất lớn cho người tham gia BHYT. Bởi lẽ, theo Luật BHYT sửa đổi quy định từ ngày 1-1-2015, người đã tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến có tổng số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ bản (tương đương 7.260.000đ) thì sẽ được Quỹ BHYT chi trả toàn bộ 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT mà không phải cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh.

Không cần bàn cãi nhiều, quy định Quỹ BHYT chi trả 100% viện phí cho người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên nhằm khuyến khích và tạo công bằng với người tham gia BHYT thường xuyên và lâu năm, cũng như giúp cho những người mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị lâu dài, chi phí cao được giảm gánh nặng về kinh tế và khó khăn trong cuộc sống.

Tuy nhiên quy định là vậy, nhưng không phải ai tham gia BHYT cũng biết và cũng được đảm bảo đầy đủ quyền lợi mỗi khi khám chữa bệnh. Tệ hơn, khi cả BHXH Việt Nam là cơ quan quản lý Quỹ BHYT, Bộ Y tế và các bệnh viện là nơi thực hiện chính sách BHYT, lại thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong tuyên truyền, làm rõ về chính sách BHYT, cũng như kết nối để đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT. Lý giải về việc Luật BHYT sửa đổi đã có hiệu lực gần 2 năm nay nhưng nhiều người tham gia BHYT liên tục, thậm chí nhiều hơn cả 5 năm nhưng trên thẻ BHYT vẫn không được in dòng chữ “Thời điểm đủ 5 năm liên tục” và không được hưởng quyền lợi khi khám chữa bệnh, lãnh đạo BHXH Việt Nam thừa nhận, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do trong quá trình tổ chức thực hiện, cơ quan BHXH chưa thực hiện cấp số định danh cá nhân cho người tham gia BHYT, chưa có cơ sở dữ liệu tập trung về quá trình đóng BHYT. Cùng với đó, nhiều người tham gia BHYT có quá trình tham gia BHYT ở nhiều địa phương, nhiều đơn vị, nhiều nhóm đối tượng… nhưng hệ thống dữ liệu đóng BHYT chưa được quản lý tập trung toàn quốc, nên việc xác định thời gian đóng BHYT của người tham gia BHYT còn khó khăn, dẫn tới nhiều thẻ BHYT chưa được in 7  chữ “Thời điểm đủ 5 năm liên tục”. Vậy là chỉ vì sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện và tập trung cơ sở dữ liệu của người tham gia BHYT mà quyền lợi BHYT của người dân bị bỏ qua, thậm chí là xem thường.

BHYT là một trong những chính sách an sinh xã hội nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người dân khi đau ốm phải đi viện khám chữa bệnh. Vì thế, ngay khi mới nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đích thân chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ ngành, địa phương trên toàn quốc bàn các giải pháp đẩy mạnh thực hiện BHYT toàn dân. Tại hội nghị này, Thủ tướng đã thẳng thắn yêu cầu phải nâng tỷ lệ người dân tham gia BHYT để mọi người dân đều được hưởng các chế độ phúc lợi xã hội quan trọng này, nhất là đối tượng khó khăn và người nghèo. Đặc biệt, Thủ tướng cũng chỉ rõ chỉ tiêu đến hết năm 2016, cả nước phải đạt được tỷ lệ 78,8% dân số có BHYT và đến năm 2020 có hơn 90% dân số tham gia BHYT. Rõ ràng chỉ đạo quyết liệt này của Thủ tướng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với sự phát triển, ổn định và bền vững của chính sách BHYT nhằm thực hiện được mục tiêu BHYT toàn dân.

Những bất cập, thiếu sót trong việc thực hiện bảo đảm chính sách BHYT cho người dân, lỏng lẻo trong quản lý Quỹ BHYT, cũng như việc người có thẻ BHYT khám chữa bệnh còn bị phân biệt đối xử, bị “hành” bởi các thủ tục hành chính rườm rà..., đang khiến cho không ít người cảm thấy mệt mỏi và bức xúc. Để khắc phục những thiếu sót trên và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT, mới đây, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan BHXH ở địa phương cấp giấy chứng nhận cùng chi trả cho người đủ điều kiện và in lại thẻ BHYT với người còn thiếu. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng khẩn trương thống kê và hướng tới cấp số định danh cá nhân cho người tham gia BHYT. Tuy nhiên, xem ra đây chỉ là giải pháp tình thế trước mắt. Về lâu dài, để cho người dân gắn bó với BHYT, mặn mà hơn trong việc tham gia BHYT, đòi hỏi phải có những cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tham gia BHYT. BHXH Việt Nam, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng cần có thêm các cơ chế kiểm soát chặt chẽ Quỹ BHYT, nhất là việc chỉ định các xét nghiệm, chiếu chụp, thuốc men cho người bệnh BHYT tại các bệnh viện. Đồng thời, Bộ Y tế và các bệnh viện phải không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán khám chữa bệnh BHYT, tạo thuận lợi cho người có  BHYT khám chữa bệnh và giảm chi từ tiền túi của người bệnh.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục