Nuôi dưỡng niềm tin và nhân lực

Từ ngày 1-5 năm nay, chúng ta bắt đầu hưởng ứng và triển khai lễ phát động “Tháng công nhân 2016” trên quy mô cả nước. Sự kiện này cũng diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 130 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề tôn vinh và chăm lo đời sống cho công nhân, người lao động.

Từ ngày 1-5 năm nay, chúng ta bắt đầu hưởng ứng và triển khai lễ phát động “Tháng công nhân 2016” trên quy mô cả nước. Sự kiện này cũng diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 130 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề tôn vinh và chăm lo đời sống cho công nhân, người lao động.

Thật sự đáng mừng là hiện nay, cùng với xây dựng chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh đúng đắn, tìm lối ra trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã thực sự biết chú trọng xây dựng và nuôi dưỡng nguồn nhân lực mạnh để đạt hiệu quả cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm dịch vụ.

Trong cuộc thăm hỏi và làm việc với cán bộ công nhân lao động tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên vào ngày 28-4, ông Bùi Văn Cường, tân Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đã đề nghị các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa tới đời sống, thu nhập và đảm bảo an toàn cho người lao động. Nếu được quan tâm như vậy, người lao động sẽ rất phấn khởi, coi công ty, nhà máy như ngôi nhà của mình và sẽ đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp. Bên cạnh có chiến lược sản xuất kinh doanh đúng, nâng cao chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường thì điều quan trọng của mỗi doanh nghiệp là phải chú ý đến nguồn nhân lực, bởi người lao động chính là tài sản, vốn quý của doanh nghiệp, để nâng cao năng suất, hạ giá thành mới cạnh tranh được.

Còn theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), bằng việc gia nhập cộng đồng chung ASEAN, cho phép tự do dịch chuyển lao động có kỹ thuật cao giữa các nước ASEAN, những người lao động có tay nghề sẽ có rất nhiều cơ hội thăng tiến và thu nhập nhưng cũng là áp lực lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam về thiếu lao động hoặc phải lựa chọn lao động chưa qua đào tạo, nếu không có chính sách sử dụng nhân lực đúng đắn.

Cùng với đà kinh tế dần hồi phục, thương mại phát triển, xu thế xã hội ngày càng tiến bộ, cơ hội tiếp cận thông tin dễ dàng… thì người lao động ngày càng có nhiều cơ hội để lựa chọn nghề nghiệp, buộc doanh nghiệp phải thực sự xem lại bài toán nhân sự của mình để giữ chân người lao động. Trong thời gian qua, ở nhiều địa phương, đã có rất nhiều mô hình đáng nhân rộng về doanh nghiệp chăm lo đời sống cho công nhân, người lao động như xây nhà trẻ mẫu giáo cho con em công nhân, xây nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, tổ chức xe đưa đón công nhân về quê ăn tết, phát động bữa ăn sạch và an toàn…

Tuy nhiên, ở không ít nơi vẫn còn xảy ra tình trạng công nhân tổ chức đình công, nghỉ việc tập thể do chính sách lương và thưởng, thời gian làm việc, phụ cấp tăng ca, chế độ bảo hiểm xã hội… không đúng hoặc có nhiều bất cập, đã tác động trực tiếp tới đời sống, mức thu nhập và quyền lợi lâu dài của công nhân, người lao động. Theo Bộ LĐTB-XH, từ đầu năm 2016 đến nay tình trạng đình công, nghỉ việc tập thể vẫn diễn ra ở một số nơi. Trong bối cảnh nền kinh tế còn chưa hết khó khăn, đà hồi phục và tăng trưởng vẫn chậm, doanh nghiệp đang đẩy mạnh tái cơ cấu… càng cần chăm lo nhiều hơn nữa về cả mức lương, các khoản phụ cấp hỗ trợ đời sống và đặc biệt là phải chăm lo đời sống tinh thần, ổn định tư tưởng, nuôi dưỡng niềm tin cho người lao động.

Đã có những thông tin không chính xác và chuẩn mực, tác động nhiều chiều gây hoang mang cho người lao động và xã hội. Thực tế đã từng xảy ra những vụ gây rối do bị kích động như tại tỉnh Bình Dương năm 2014, hoặc mới đây còn có tin đồn thất thiệt về người lao động Việt Nam bị ngược đãi tại thị trường lao động Nhật Bản, gây ảnh hưởng tới uy tín và danh tiếng của thị trường tiềm năng và sáng giá mà cả hai bên đã dày công xây dựng và giữ gìn. Bên cạnh đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản, doanh nghiệp, tổ chức công đoàn cũng như các cấp chính quyền cũng cần chủ động vào cuộc, hướng về cơ sở, giải quyết ngay các tranh chấp và khúc mắc, tránh để người lao động bị hoang mang trước những tin đồn thất thiệt hoặc thông tin chưa rõ ràng, đặc biệt không để xảy ra tình trạng lợi dụng, kích động công nhân lao động vào các vụ việc với mưu đồ xấu.

Tổ chức công đoàn chính là đầu mối để triển khai nhiệm vụ quan trọng và ý nghĩa này. Hơn bao giờ hết, công đoàn phải kịp thời nắm bắt sát sao tâm tư, nguyện vọng của mỗi người lao động để lên tiếng bảo vệ, đòi hỏi những quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động; đứng ra hòa giải và tư vấn chính sách, giải pháp để doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh ổn định, cạnh tranh và tăng trưởng. Đồng thời, mỗi doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng chính sách quản trị nhân lực, sử dụng lao động, khai thác tài năng, kinh nghiệm và chất xám một cách đúng đắn theo hướng chăm lo tốt hơn về thu nhập, đời sống vật chất và ổn định tư tưởng, tinh thần của người lao động. Thực sự chăm lo cho quyền lợi chính đáng của người lao động, nuôi dưỡng và đào tạo nhân lực lâu dài mới là chiến lược sản xuất kinh doanh đúng đắn và tiến bộ. 

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục