Đừng biến lễ hội thành hủ tục

Lễ hội là dịp con người được trở về với nguồn cội, thể hiện sức mạnh cộng đồng làng xã, địa phương hay rộng hơn là quốc gia dân tộc.

Lễ hội là dịp con người được trở về với nguồn cội, thể hiện sức mạnh cộng đồng làng xã, địa phương hay rộng hơn là quốc gia dân tộc.

Lễ hội cũng là nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp dân cư; là hình thức giáo dục, chuyển giao cho các thế hệ sau biết giữ gìn, kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống quý báu của dân tộc theo cách riêng, kết hợp giữa yếu tố tâm linh và các trò chơi đua tài, giải trí... Là dịp con người được giải tỏa, giãi bày phiền muộn, lo âu với thần linh, mong được thần giúp đỡ, chở che đặng vượt qua những thử thách đến với ngày mai tươi sáng hơn. Vì thế, đến hẹn lại lên, khi đất trời tưng bừng đón mùa xuân mới thì cũng là thời điểm hàng ngàn các đình, đền chùa ở miền Bắc lại tưng bừng vào mùa hội mới.

Cùng với những vấn đề về an ninh, ùn tắc giao thông, đổi tiền lẻ, đốt vàng mã tràn lan lãng phí… thì nhiều vấn đề khác như lễ hội bị lợi dụng để một bộ phận trục lợi, lễ hội bị biến tướng cũng đang tồn tại gây không ít bức xúc trong dư luận, khó khăn cho cơ quan quản lý.

TS Lương Hồng Quang, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, từng thốt lên rằng không thể tưởng tượng ra hành vi của người đi lễ lại có nhiều biến tướng đến như thế khiến những người tổ chức cũng vô cùng lúng túng.  Nếu những mùa hội trước, các nhà quản lý đau đầu với hiện tượng cướp ấn,  rải tiền lẻ, đốt đồ mã… thì ngay sau đó lại nổi lên những hành vi lạ như tranh cướp lộc, nhét tiền vào đồ lễ để lấy khước... Và trong mùa lễ hội này thì điểm nóng lại tập trung vào các lễ hội có thực hành các nghi lễ hiến sinh như đâm trâu, chém lợn...

Lý giải cho sự lộn xộn này, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng nguyên nhân ở chỗ lễ hội thì nhiều, song các sự tích, lề luật trong lễ hội na ná nhau. Người dân sau một thời gian dài không được tiếp xúc, thực hành nghi lễ, sự tái hiện cũng vì thế mà tam sao thất bản, không những không đúng mà còn đi ngược lại với thuần phong mỹ tục. Song tiếc thay, một phần do chưa có các công trình nghiên cứu bài bản, đáng tin cậy, phần khác do tuyên truyền, trang bị kiến thức về lễ hội cho người dân chưa được sâu sắc đã dẫn đến hiện tượng mượn truyền thống, nhiều lễ hội làm sống lại những hủ tục bạo lực, dâm tà như hội đánh phết, hội chen, hội chém lợn, hội đâm trâu, chọi trâu… Có những lễ hội mượn danh tâm linh, phong tục đẹp, triều đại có công… để cường điệu hóa một hủ tục, gây nhiều phiền toái. Có lễ hội mượn danh triều đại có nhiều công lao để đề cao một địa phương, dòng họ gây khá nhiều phức tạp...

Theo TS Nguyễn Văn Vịnh, Phó viện trưởng Viện Công nghệ Giáo dục Việt Nam, rất nhiều du khách tham gia lễ hội hiện tại với tâm lý a dua mà không hiểu, không trọng về tín ngưỡng tại nơi mình đến. Thậm chí, chính bản thân những thế hệ trẻ tại nơi tổ chức lễ hội cũng ít nhiều không còn giữ được sự thành kính, nghiêm trang cần có. Hay như, các diễn xướng tranh lộc trước kia không hề có bạo lực mà chỉ xô đẩy nhau một chút. Người thắng thì hỉ hả, còn người thua cũng vui vẻ ra về. Song bây giờ chính chúng ta mang tâm lý ăn thua mê muội, biến nghi thức lễ hội thành nơi giải quyết mâu thuẫn xã hội thì đừng vội đổ lỗi cho tập quán cũ.

 “Bệnh” đã được bắt, trong thời gian qua, hàng loạt các văn bản, chỉ thị của các đơn vị quản lý lễ hội cũng đã được đưa ra với nhiều hướng dẫn, quy định khá cụ thể chi tiết. Trong đó, đáng chú ý nhất là Thông tư 15 quy định về tổ chức lễ hội được Bộ VH-TT-DL ban hành mới đây đã nhấn mạnh, các lễ hội được tổ chức cần phải được tiến hành trang trọng, trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp. Văn bản của bộ đã nêu rõ, không cấp phép tổ chức các lễ hội có biểu hiện trục lợi, bạo lực… Các tổ chức, địa phương không thể “nhân danh” truyền thống để tổ chức tràn lan các lễ hội, hội thi nhằm mục đích kinh doanh, trục lợi, trái với quy định của pháp luật… Tuy nhiên, nỗi lo lễ hội biến tướng vẫn đang canh cánh.

Tại thời điểm này, khi nhiều nghi thức truyền thống bị bóp méo bởi chính người tham gia trong xã hội hiện đại, chúng ta sẽ tìm hướng để khôi phục bản chất văn hóa vốn có, hay chọn giải pháp đơn giản hơn là xóa bỏ luôn nó? Điều này không thể giải quyết triệt để trong một sớm một chiều và phụ thuộc nhiều vào sự quyết tâm của các cơ quan quản lý cũng như chính chủ thể của lễ hội. Song dù sớm hay muộn thì cũng đừng bao giờ để lễ hội biến thành hủ tục.

VĨNH XUÂN

Tin cùng chuyên mục