“Bội thực” bằng thạc sĩ, tiến sĩ

Chưa bao giờ hoạt động đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ lại nở rộ như hiện nay. Đón đầu nhu cầu cần có tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ để “thăng tiến” của nhiều công chức, viên chức, nhiều học viện, trường đại học (ĐH) đã tăng quy mô, số lượng chuyên ngành đào tạo sau ĐH. Đó là chưa kể, đội quân cử nhân thất nghiệp cũng chọn con đường học tiếp lên thạc sĩ, tiến sĩ với hy vọng cánh cửa việc làm sẽ rộng mở hơn. Riêng ở khu vực ĐBSCL, sự tác động của chính sách ưu đãi thu hút nhân lực có trình độ cao như thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư cũng tạo lực hút chiêu sinh cho nhiều trường ĐH ở đây. Hiện đã có 7/11 trường ĐH ở khu vực này tham gia đào tạo sau ĐH. Do phát triển nóng, cộng thêm thiếu điều kiện nên một số trường chọn liên thông đào tạo với các trường ĐH khác.

Tương tự, một số trường ĐH ở miền Trung cũng ồ ạt mở “lò” đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, tăng quy mô bằng cách liên kết, liên thông. Dù điều kiện vừa thiếu, vừa yếu nhưng một số trường ĐH vẫn tung đủ chiêu quảng bá, đua nhau chiêu sinh, đào tạo và cho “ra lò” hàng trăm, hàng ngàn thạc sĩ, tiến sĩ. Thế nhưng, chất lượng thực học, giá trị của bằng cấp này đến đâu thì khó thẩm định. Đáng nể hơn là có một học viện nổi danh với thành tích - mỗi ngày cho ra “lò”… một tiến sĩ.

Một trong những điều kiện để các trường được xem xét cấp phép đào tạo các ngành hoặc chuyên ngành trình độ thạc sĩ là đã đào tạo trình độ ĐH chính quy ngành tương ứng với ngành hoặc chuyên ngành đề nghị cho phép đào tạo thạc sĩ và có ít nhất 2 khóa sinh viên đã tốt nghiệp. Hơn nữa, các trường này phải có đội ngũ cán bộ làm khoa học vững mạnh; có học vị thạc sĩ, tiến sĩ khoa học hoặc chức danh phó giáo sư, giáo sư; có khả năng xây dựng chương trình và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo… Thế nhưng, dù chưa đủ điều kiện, nhiều trường vẫn “xé rào”, liên thông với trường khác để được đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và đầu vào tuyển sinh thì dễ dãi.

Phải chăng nhu cầu của xã hội đang gia tăng và miếng bánh đào tạo trình độ cao này quá béo bở, hấp dẫn? Theo các nhà khoa học và chuyên gia giáo dục, ở các nước, thạc sĩ được đào tạo theo nguyên tắc học và tự nghiên cứu nhưng phần tự nghiên cứu phải nặng hơn. Thời gian đào tạo thạc sĩ cũng ngắn hơn, số tín chỉ bắt buộc ít hơn nhưng chất lượng đào tạo cao, đáp ứng chuyên ngành và yêu cầu của thị trường lao động. Trong khi đó ở nước ta, một chương trình đào tạo thạc sĩ có quá nhiều tín chỉ nhưng chất lượng lại thấp, giá trị sử dụng không cao. Chính vì thế, con số hơn một trăm ngàn thạc sĩ, gần 25.000 tiến sĩ đã và sẽ đóng góp cho sự phát triển của đất nước như thế nào luôn là câu hỏi gây nhức nhối. Nếu ở các nước phát triển, tiến sĩ chỉ làm việc trong các viện nghiên cứu, trường học thì hơn một nửa số tiến sĩ sĩ ở ta (khoảng 15.000 người) lại làm việc trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp. Được xếp vào nước có nhiều tiến sĩ nhất khu vực nhưng nghiên cứu khoa học của Việt Nam lại nằm trong nhóm thấp nhất Đông Nam Á (!?). Đó là chưa kể, khi đời sống xã hội nảy sinh một vấn đề nào đó cần ý kiến khách quan của các nhà khoa học, tiến sĩ chuyên ngành thì họ lại… im hơi, lặng tiếng.

Vấn đề đang khiến dư luận bức xúc là phải chăng Việt Nam đang có xu hướng phổ cập thạc sĩ, tiến sĩ và xem nhẹ quy trình đào tạo tiến sĩ? Không ít câu chuyện khó tin nhưng lại là sự thật hiển nhiên về việc thiếu nghiêm túc trong quy trình thẩm định hồ sơ, bảo vệ luận án tiến sĩ mà không hề thông qua công đoạn thảo luận, kiểm định, phản biện… Hoặc có thì qua quít, phản biện sơ sài và đề tài bảo vệ luận án thì “trên mây và xa rời thực tế”.

Theo cảnh báo của các chuyên gia giáo dục, nếu Bộ GD-ĐT không có biện pháp thẩm định, siết chặt việc đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ theo quy trình, quy định và hướng tới chuẩn quốc tế thì tình trạng “tiến sĩ giấy” sẽ tiếp tục bùng nổ.

Khánh Hà

Tin cùng chuyên mục