Còn nhiều trăn trở

Với việc Bộ GD-ĐT công bố mức sàn tuyển sinh ĐH-CĐ 2015, có thể nói kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 - kỳ thi “2 trong 1” đổi mới đầu tiên đã đi được chặng đường cơ bản. Giờ đây là chặng đường xét tuyển vào ĐH-CĐ với phần việc của các trường.

Với việc Bộ GD-ĐT công bố mức sàn tuyển sinh ĐH-CĐ 2015, có thể nói kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 - kỳ thi “2 trong 1” đổi mới đầu tiên đã đi được chặng đường cơ bản. Giờ đây là chặng đường xét tuyển vào ĐH-CĐ với phần việc của các trường.

Khẳng định về kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, kỳ thi đã kết thúc tốt đẹp cả về công tác tổ chức, khâu đề thi, chấm thi, kết quả thi. Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, năm nay lượng bài thi đạt từ 5-7 điểm chiếm tỷ lệ lớn. Thế nhưng, bài thi bị điểm “liệt” cũng rất cao. Con số bài thi có điểm tuyệt đối lại không nhiều, cá biệt có một số môn không có em nào đạt điểm 10, như môn lý là môn tự nhiên nhưng cả nước chỉ có một thí sinh đạt điểm 10 duy nhất. Điểm thi ngoại ngữ quá thấp, chủ yếu là phổ điểm 2-3, đã thực sự là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho ngành giáo dục trong việc dạy và học ngoại ngữ ở bậc phổ thông. Con số gần 40.000 thí sinh bị điểm liệt môn toán (trong đó số thí sinh thi đại học chiếm khoảng 18.000) cũng là thông tin đáng giật mình... Có thể nói, qua kỳ thi này, tuy không thể có kết quả nghiêm túc 100%, nhưng kết quả thi phần nào thể hiện rõ bức tranh giáo dục phổ thông. Trong đó, kết quả môn toán và môn ngoại ngữ thực sự là vấn đề nhức nhối.

Nhìn lại kỳ thi THPT quốc gia 2015, còn quá nhiều “sạn” khác, nhiều vấn đề phải mổ xẻ. Không bàn lại việc quyết định đổi mới kỳ thi ngay trong năm 2015 bị xã hội cho là khá vội vã, trong quá trình tổ chức kỳ thi còn quá nhiều lúng túng. Những sự cố trong kỳ thi đã được phân tích nhiều. Còn sau kỳ thi, cách xử lý bối rối của Bộ GD-ĐT trong việc công bố điểm thi đã khiến thí sinh, xã hội bức xúc, có thể nói các thí sinh đã phải vật vã để biết được điểm thi. Ngay biểu đồ điểm thi cũng phải công bố tới 3 lần thì mới tạm thỏa mãn được nhu cầu của thí sinh, xã hội. Tất cả những điều đó thể hiện sự lúng túng trong khâu triển khai kỳ thi. Điều đó cho thấy Bộ GD-ĐT còn tiếp tục phải hoàn thiện nhiều nội dung về kỳ thi này để chuẩn bị cho những năm tới.

Như Bộ GD-ĐT đã công bố, khoảng 1 triệu thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia, trong đó 70% thi ở cụm thi quốc gia để xét tuyển ĐH-CĐ. Con số này là trên 726.000 em, và với 15 điểm sàn, cánh cửa ĐH-CĐ khép lại với khoảng 27% thí sinh vì dưới ngưỡng. Từ ngày 1-8, cuộc đua xét tuyển đại học sẽ diễn ra với các thí sinh. Tuy trước khi bước vào kỳ thi, các em đã chọn trường, ngành mà mình yêu thích nhưng trừ những thí sinh với số điểm thực sự cao có thể thỏa mãn ngay giấc mơ đại học, thì còn lại, thí sinh sẽ phải “ăn ngủ cùng các trang web” của các trường đại học trong 20 ngày tới. Nếu như mọi năm, thi xong thí sinh được xả hơi, nhưng năm nay các em sẽ phải mệt mỏi canh thông tin để nộp hồ sơ xét tuyển ĐH-CĐ. Nếu thấy khả năng trúng tuyển không cao thì các em phải “nhanh chân” rút hồ sơ nộp sang trường khác. Thực sự đó là một cuộc chạy đua. Tạo ra cuộc đua này, Bộ GD-ĐT khẳng định để giảm thiểu may rủi cho thí sinh, tránh tình trạng thí sinh điểm cao vẫn trượt đại học. Nhưng chưa thể biết, thực sự các em có tránh được rủi ro hay không? Và 20 ngày tới, cả thí sinh, người nhà, các trường đại học sẽ phải thực sự vật lộn với những con số.

Kỳ thi khép lại, nhưng những trăn trở thì chưa khép lại. Bộ GD-ĐT luôn khẳng định kỳ thi thành công, nhất là trong việc giảm sự căng thẳng tâm lý cho thí sinh, xã hội. Nhưng mục tiêu đó có thực sự đạt được? Vấn đề này cần được phân tích, mổ xẻ trong thời gian tới để thực sự tìm ra một phương án thi cử khả thi nhất cho những năm sau.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục