Sức hút và trách nhiệm nhà văn

Đời sống văn học đang “nóng” dần lên khi 8 đại hội khu vực của Hội Nhà văn Việt Nam vừa diễn ra trên cả nước, trước khi Đại hội đại biểu toàn quốc của hội khai mạc vào giữa tháng 7 tới tại Hà Nội.

Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay có trên 1.000 hội viên. Những năm gần đây, số lượng hội viên mới được kết nạp khá nhiều, song số đơn xin kết nạp gửi về hội vẫn còn tồn đến gần cả ngàn đơn. Rõ ràng, dù có nhiều ý kiến phê phán về phương thức hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng sức hút của hội vẫn rất lớn đối với những người đi theo con đường văn chương. “Thông qua hội và những hoạt động của nó, sẽ tạo điều kiện để nhà văn có cơ hội giao tiếp, làm quen, trao đổi và đôi khi học hỏi kinh nghiệm sáng tác để ngày càng nắm vững và nhuần nhuyễn hơn ngòi bút của mình”, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu ở TPHCM lý giải về sức hút của hội. Anh còn nói: “Tiếng nói của hội trong chừng mực nào đó là tiếng nói của lương tri, trái tim, niềm khát khao và nỗi mong đợi của nhiều người nên cũng có tác động đến đời sống, nhưng thường là trong giới nhiều hơn xã hội xung quanh. Chúng ta không đánh giá những hoạt động của hội mang lại điều gì đó to lớn, tạo ra những chuyển biến lớn lao, nhưng ít ra có hội, ta có thêm cơ hội để bày tỏ, để cảm nhận, để sẻ chia và đôi khi để… làm mình làm mẩy”.

Vì sức hút và tầm quan trọng của Hội Nhà văn Việt Nam đối với đời sống sáng tạo văn học, nên sự quan tâm, thậm chí “soi” kỹ vào mọi phương thức điều hành của hội là lẽ đương nhiên. Nhìn lại nhiệm kỳ 2010-2015, nhà thơ - hội viên Trần Hoàng Vy của Tây Ninh nói: “Vai trò của hội trong việc hỗ trợ, thúc đẩy sáng tác cho hội viên tuy có nhưng không thể giải quyết cho công bằng hết tất cả hội viên, vẫn còn mang tính cảm tính, thiếu sự quan tâm đến các tác giả ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hay còn nặng ở vùng miền này, nhẹ ở vùng miền khác. Về tác động của hội tới đời sống văn học ngoài xã hội dường như có lúc mờ nhạt, đặc biệt là hai mảng văn học dành cho thiếu nhi và tuổi mới lớn. Đó cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng truyện ngôn tình của nước ngoài tha hồ du nhập vào nước ta, tác hại nhiều đến tuổi mới lớn, cũng như những truyện tranh nhảm nhí viết cho thiếu nhi xuất hiện ngày càng nhiều”.

Cùng quan điểm đó, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài thẳng thắn: “Cánh tay của hội vẫn còn quá ngắn, chỉ vươn tới những nhà láng giềng, những vùng lân cận ở Hà Nội. Những hội viên, cây bút thực tài và triển vọng ở các vùng miền xa xôi vẫn thiếu hẳn sự quan tâm, gắn kết với hội. Các hoạt động hỗ trợ sáng tạo với nguồn kinh phí khiêm tốn, làm sao tới tận nơi xa. Các vùng miền đều có ban liên lạc hoặc ban công tác nhưng chẳng có một hoạt động nào đáng kể”.

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu đồng cảm: “Đúng là cảm giác chung của những hội viên phía Nam là Hội Nhà văn Việt Nam chủ yếu hoạt động ở phía Bắc, mà dường như bỏ quên một lực lượng không nhỏ ở vùng miền khác. Sự lệch pha đó phần nào cũng làm cho hội ít nhận được sự cảm thông và sẻ chia từ hội viên phía Nam. Vì vậy, theo tôi nhiệm kỳ tới hội cần quan tâm hơn đến công tác của hội viên ở các tỉnh xa, các vùng trọng điểm thay vì chỉ tập trung quanh vùng Hà Nội. Đừng để mọi hoạt động của hội chỉ là hoạt động đại diện của một số hội viên quen mặt đặt tên, ở đâu cũng có, việc gì cũng có, mà hội viên khác chỉ là khán giả, nhiều năm liền làm khán giả trong những sinh hoạt của hội”.

Những ý kiến chân thành đó cũng chính là thông điệp của các nhà văn hội viên từ phương Nam gửi về Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX, một đại hội được kỳ vọng sẽ có nhiều thay đổi lớn của giới cầm bút để theo kịp tình hình phát triển chung của đất nước trên mọi lĩnh vực. Đồng thời, đó cũng là thông điệp hy vọng đối với ban chấp hành khóa mới, những người sẽ nhận trách nhiệm điều hành mọi hoạt động của hội trong 5 năm nhiệm kỳ tới (2015-2020).

HÙNG PHAN

Tin cùng chuyên mục