Đừng để mãi là tiềm năng

VIỆT QUANG

Chỉ trong một thời gian ngắn, bóng đá Việt Nam đã có 3 đội tuyển liên tiếp giành quyền tham gia các giải bóng đá trẻ của châu Á bằng cách vượt qua vòng loại. Đây không phải là chuyện bất ngờ bởi bóng đá trẻ Việt Nam từ trước đến nay vẫn luôn được đầu tư đúng mực. Bên cạnh ngân sách nhà nước vẫn rót đều đều cho phong trào tại cơ sở, kể cả các địa phương không có các đội bóng dự giải quốc gia, hiện còn có thêm hàng loạt trung tâm đào tạo bóng trẻ tư nhân trải dài từ Bắc đến Nam, chưa kể hệ thống đào tạo của các CLB chuyên nghiệp.

Chúng ta vẫn thường nghe LĐBĐ Việt Nam (VFF) kêu gọi “đầu tư bóng đá trẻ” mỗi khi đội tuyển quốc gia thất bại ở đấu trường quốc tế. Nó khiến người hâm mộ có cảm giác bóng đá nước nhà hỏng từ ngọn đến gốc. Trên thực tế, các địa phương vẫn đang đào tạo trẻ đấy thôi. Ví dụ như Khánh Hòa, năm 2013 giải thể CLB chuyên nghiệp thì chỉ 2 năm sau, lại dự V-League bằng một CLB khác với nền tảng là cầu thủ do họ đào tạo. 8 năm trước, HA.GL đã xây dựng học viện bóng đá trẻ và bây giờ nhận được thành quả đầu tiên. Tượng đài đội bóng đá Thể Công không còn vào năm 2010 nhưng trung tâm bóng đá trẻ Viettel do những cựu cầu thủ Thể Công huấn luyện thì đang nổi đình, nổi đám khi cung cấp cầu thủ cho nhiều đội tuyển quốc gia.

Bóng đá TPHCM 3 năm qua không có đội đá V-League nhưng lại có “lò” VPF thống trị các giải bóng đá trẻ suốt 2 năm qua sau hơn 6 năm hoạt động. Nghĩa là những lời kêu gọi “đầu tư bóng đá trẻ” của VFF có vẻ lạc lõng, xa rời với thực tế bởi các nguồn lực xã hội vẫn đang chăm lo cho tương lai bóng đá Việt Nam trong khi cái trung tâm đào tạo bóng đá trẻ mà VFF có được từ nguồn tiền tài trợ của FIFA thì đến nay, ngay cả chất lượng mặt cỏ còn không đáp ứng được tiêu chuẩn của HLV Miura khiến đội tuyển quốc gia phải mượn sân của Trung tâm đào tạo trẻ Viettel để tập.

Lời nhận định của nguyên Chủ tịch VFF Mai Liêm Trực “mặt bằng VFF thấp hơn mặt bằng xã hội” vẫn còn nguyên giá trị. Rõ ràng, xã hội vẫn đang “giúp” VFF trong việc phát triển bóng đá trẻ, từ khâu đào tạo cho đến việc tổ chức các giải đấu tuổi U. Thế nhưng, khi cầu thủ trưởng thành, họ lại đối diện với tương lai thiếu ổn định khi mà hệ thống các giải thi đấu quốc gia đều èo uột, chất lượng kém khiến tài năng bị thui chột. Đào tạo tốt bao nhiêu đi nữa nhưng môi trường bóng đá không thuận lợi thì chỉ gây lãng phí mà thôi. Vụ việc nhiều tuyển thủ U.23 dính vào tiêu cực ở đội Ninh Bình năm ngoái là ví dụ điển hình. Hoặc việc các cầu thủ U.19 HA.GL không phát huy được năng lực tại V-League 2015 là ví dụ khác. Đây là lý do mà dư luận ủng hộ bầu Đức đưa ngôi sao trẻ Công Phượng sang Nhật Bản thi đấu dù ai cũng thấy là cầu thủ này còn quá trẻ để “mang chuông đánh xứ người”. Vấn đề là nếu không đưa đi, liệu Công Phượng có phát triển tại V-League không? Hay lại đi theo vết xe đổ của rất nhiều cầu thủ triển vọng khác. Người ta có quyền nghi ngờ điều đó khi mà đến nay, dù đã ngoài 30 tuổi nhưng Lê Công Vinh vẫn đang là ngôi sao sáng nhất của đội tuyển quốc gia sau hơn 12 năm làm tuyển thủ. Các tài năng cùng thời và những thế hệ kế tiếp ở đâu?

Trách nhiệm của VFF là rất lớn đối với sự thiếu hụt tài năng bóng đá hiện nay. Không thể kêu gọi xã hội chăm lo cho “đầu vào” khi những nhà quản lý không thể tìm được “đầu ra” cho cầu thủ. Không thể để cho các đơn vị tư nhân tự bơi ở khâu đào tạo trẻ còn VFF lại bàng quang với việc phát triển bóng đá học đường hay nâng chất lượng các giải đấu đỉnh cao. Không thể cứ đổ lỗi cho các CLB đã thiếu sự quan tâm đến bóng đá trẻ khi mà các giải đấu tuổi U hàng năm chỉ được tổ chức trong vài ba tuần lễ ít ỏi, không tương xứng với chi phí bỏ ra cho công tác đào tạo trẻ.

Với một đất nước có trăm triệu dân và sự cuồng nhiệt của người hâm mộ, bóng đá Việt Nam không thiếu tiềm năng để phát triển nhưng không thể cứ mãi là tiềm năng sau hơn 20 năm hội nhập với thế giới.  

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục