Vô cảm khi thấy người bị nạn?

Thật buồn khi phải nói đến một thực tế đau lòng ở nước ta: Đã có rất nhiều vụ người bị nạn ngoài đường không được người qua đường giúp đỡ đưa đi cấp cứu kịp thời. Vì sao người với người lại vô cảm, vô nhân đạo như vậy?

Xin dẫn chứng một số trường hợp oái oăm cho những “Lục Vân Tiên thời nay”. Tháng 12-2014, một vận động viên từng đoạt giải vô địch thế giới taekwondo nhiều năm đang đi từ Long Biên (Hà Nội) về, thấy một người đàn ông đi xe máy tự ngã xe bất tỉnh. Anh lấy điện thoại của người đàn ông này tìm danh bạ gia đình, gọi báo cho vợ nạn nhân. Lát sau vợ và con trai người này đến nơi, không cần biết chuyện gì anh con trai của người bị nạn đã lao vào tấn công anh và còn hô cướp để người qua đường giúp bắt giữ anh.

Trước đó, tháng 7-2013, anh N.H.D. đưa một cháu bé tại phường Tân Tạo (quận Bình Tân, TPHCM) bị tai nạn giao thông xây xát nhẹ vào bệnh viện cấp cứu. Sau đó, anh bị 6 người nhà của em bé hành hung ngay tại bệnh viện. Họ nhào vào đấm đá dã man khiến anh gãy cổ, tử vong. Sự việc diễn ra ngay tại bệnh viện, có nhiều người chứng kiến, có cả các nhân viên bảo vệ bệnh viện nhưng không một ai can ngăn, dẫn tới hậu quả quá đau lòng.

Đó là những ví dụ điển hình của việc “làm ơn mắc oán”, cứu người bị nạn ngoài đường nhưng lại phải nhận lấy tai họa. Đã có không ít trường hợp giúp đưa người say xỉn té xe vào bệnh viện, rồi sau đó bị chính người mình đã cứu giúp vu cáo cho là đã gây ra tai nạn và buộc phải bồi thường. Tai vạ phổ biến nhất cho những người hào hiệp giúp đưa nạn nhân bị tai nạn giao thông đến bệnh viện lại bị người của bệnh viện giữ lại, giam xe, buộc phải thanh toán các chi phí cấp cứu người bị nạn và còn bị công an rầy rà rất căng thẳng, mệt mỏi, để làm rõ có phải là người gây ra tai nạn.

Để tránh bị lâm vào tình cảnh “người ngay mắc nạn” như vậy, người ta nhắc nhau chọn cách ứng xử thờ ơ, vô cảm khi thấy có người bị nạn. Thấy phụ nữ hay trẻ em bị những kẻ vũ phu đánh đập tàn nhẫn ngoài đường, người ta xúm lại xem, nhưng không ai lên tiếng hay nhảy vào can ngăn. Thấy người bị cướp, người ta làm ngơ, không can thiệp. Thấy người bị tai nạn giao thông nằm bất tỉnh trên đường, người ta xúm lại xem, nhưng không ai giúp đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Thậm chí có những kẻ táng tận lương tâm còn giả vờ xúm xít giúp nạn nhân, để nhân đó lấy cắp ví tiền, điện thoại di động, giỏ xách và cả xe máy của nạn nhân. Có nhiều người kỳ quái đến mức chen vào chỉ nhằm… xem số xe và hỏi tuổi nạn nhân để… đánh số đề; thậm chí chỉ để… quay phim, chụp ảnh đưa lên Facebook. Nhiều tài xế taxi hay người đi ô tô cá nhân từ chối chở nạn nhân đến bệnh viện, vừa vì ngại… băng ghế bị dính máu, vừa không muốn gặp rắc rối vì bị người của bệnh viện giữ lại buộc thanh toán viện phí cho nạn nhân.

Và mới đây, tại TP Hải Phòng đã xảy ra một chuyện thật tệ hại khi chính những cán bộ y tế trên xe cứu thương đến nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông khiến một sản phụ có thai 7 tháng bị tử vong, đã vô cảm bỏ đi cho rảnh tay, không kiểm tra y tế để kịp cứu cháu bé trong bụng người mẹ bất hạnh.

Những thái độ ứng xử thiếu nhân tính như vậy không phải chỉ là vô nhân đạo mà còn là phạm pháp. Thấy người bị nạn mà không cứu là vi phạm pháp luật. Điều 102 Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”. Đáng tiếc là lâu nay rất nhiều người có hành vi phạm pháp như vậy lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Do vậy, để không còn chuyện ứng xử tệ hại, vô cảm, cần phải kiên quyết đưa ra xử lý pháp luật đối với những người từ chối cứu người bị nạn. Giải pháp quan trọng hơn, là cần phải tăng cường giáo dục ở nhà trường và tuyên truyền trong cộng đồng về trách nhiệm giúp đỡ người bị nạn, về cách sơ cấp cứu người bị nạn, và về tinh thần nhân ái “Dù xây chín bậc phù đồ/Không bằng làm phúc cứu cho một người”.

Như vậy cũng chưa đủ, như đã phân tích, nhiều người có lòng hào hiệp, sẵn sàng giúp đỡ người bị nạn, nhưng sẽ không dám giúp, vì lo ngại bị bệnh viện và công an buộc trách nhiệm liên đới rất vô lý. Phải gỡ cho được điều kỳ cục này, không để “người ngay mắc nạn”! Từ năm 2015, thực hiện quy định về bảo hiểm y tế bắt buộc toàn dân, ngành y tế nên chỉ đạo các bệnh viện chấp nhận chi trả viện phí đối với những trường hợp bị tai nạn giao thông khi chưa có đủ căn cứ để xác định nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông là do hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người đó gây ra, khi đi khám bệnh, chữa bệnh được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định. Như vậy, các bệnh viện sẽ không còn “níu áo” những người hào hiệp đưa người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu.

Ngành công an cũng nên chỉ đạo toàn ngành đổi mới trong cách thụ lý vụ việc, chẳng những không làm khó dễ, phiền hà đối với những người hào hiệp này, mà cần tuyên dương kịp thời, khen thưởng xứng đáng.

HUỲNH THANH LUÂN

Tin cùng chuyên mục