Thước đo năng lực

Nếu tính từ lần tham dự Asiad 1982 đến nay thì đây là lần thứ 8 nền thể thao của nước Việt Nam thống nhất bước vào cuộc chinh phục đấu trường châu lục mà ở đó, bên cạnh quyết tâm thì nỗi ám ảnh về những tấm HCV luôn hiện hữu. Điều đó được thấy qua số lượng huy chương của thể thao Việt Nam (TTVN) đứng hàng thứ 18 qua các kỳ Asiad, nhưng nếu chỉ tính riêng HCV thì lại đứng hạng 24. Cũng có thể lý giải rằng TTVN chỉ mới hội nhập và thực sự đủ khả năng tranh chấp huy chương ở khoảng 2 thập niên gần đây, kể từ sau chiếc HCV đầu tiên của võ sĩ taekwondo Trần Quang Hạ ở Asiad 1994. Tuy nhiên, số lượng HCV trong 2 kỳ Asiad gần đây giảm dần và ngay tại kỳ Asiad 17 này cũng chỉ đặt mục tiêu 2-3 HCV, quá thấp nếu so với thành tích 4 HCV tại kỳ đại hội năm 2002 cũng tại Hàn Quốc.

Trên thực tế, thể thao châu Á đang phân hóa mạnh do các nền thể thao hàng đầu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... đã vươn tới tầm thế giới, gần như thâu tóm huy chương tại Asiad, khiến cơ hội cho những nền thể thao đang phát triển ngày một ít đi.

Mỗi cuộc tranh tài tại Asiad hiện nay đối với TTVN thậm chí còn khó khăn hơn khả năng vô địch thế giới từng môn, do đa số các môn thế mạnh của Việt Nam đều có nguồn gốc châu Á. Chính vì vậy, Asiad được xem là thước đo năng lực của TTVN, vì kể từ năm 2003 đến nay, tại khu vực Đông Nam Á, TTVN đã tiến bộ rất nhiều, nhất là số lượng huy chương và luôn có mặt trong tốp 3 đoàn mạnh nhất các kỳ SEA Games.

Tuy nhiên, chất lượng các môn thi đấu quan trọng, có tính phổ biến cao lại có xu hướng kém đi ở Asiad. Điều này cho thấy quá trình đầu tư của TTVN không có tính trọng điểm, chạy theo số lượng và không tạo ra những môn mũi nhọn đủ khả năng tranh chấp ở tầm cao mà lại dàn trải theo kiểu “môn nào cũng cố gắng có huy chương”. Tại Asiad 17 lần này, có đến 9 môn đạt tới tầm tranh chấp huy chương, gồm: điền kinh, bơi, thể dục dụng cụ, bắn súng, taekwondo, karatedo, wushu, cầu mây và cử tạ. Tuy nhiên, chỉ tiêu cao nhất vẫn chỉ dành cho bắn súng, cử tạ cũng như vài gương mặt nổi bật như Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Vũ Thị Hương (điền kinh), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Nguyễn Hoàng Ngân (karatedo)… Trong số này, chỉ có trường hợp của Nguyễn Thị Ánh Viên là mang tính đột phá về khả năng phát triển, những gương mặt còn lại chỉ dự được kỳ Asiad này nữa và chưa tìm ra được người kế thừa.

Nói như vậy để thấy giấc mơ vàng và tham vọng thay đổi vị thế của TTVN trên đấu trường có đẳng cấp thế giới như Asiad còn thiếu bền vững, do cách đầu tư và chiến lược phát triển đường dài. Đây là kết quả của việc suốt thời gian dài, TTVN không lấy Asiad làm “thước đo năng lực” mà chỉ tập trung cho số lượng huy chương ở sân chơi SEA Games. Dù sao, sau thất bại ở Asiad 2010, TTVN đã có những chuyển biến tích cực và tại kỳ Asiad 17 ở Incheaon (Hàn Quốc) sẽ bắt đầu vào ngày hôm nay, hy vọng sẽ thấy được những tín hiệu mới mẻ từ các VĐV Việt Nam.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục